Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND

Thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh luôn chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND.

Một buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND về lĩnh vực ngân sách nhà nước tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức. Ảnh: H.THẢO

Một buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND về lĩnh vực ngân sách nhà nước tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức. Ảnh: H.THẢO

Đồng thời, xác định đây là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực hoạt động của HĐND và hiệu quả thực hiện vai trò người đại biểu nhân dân.

Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng cho biết, bước vào nhiệm kỳ 2021-2026, trên cơ sở khung chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG THỊ BÍCH HẰNG, bên cạnh công tác bồi dưỡng của Thường trực HĐND tỉnh, mỗi đại biểu cần tự tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức cho mình từ thực tế và trong công tác để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của một người đại biểu dân cử, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri.

Đơn cử như trong năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức bồi dưỡng cho đại biểu HĐND 3 cấp với 4 chuyên đề. Hình thức tổ chức tập huấn bao gồm trực tiếp đến đại biểu cấp tỉnh và truyền hình trực tuyến đến đại biểu HĐND cấp huyện, xã.

Song song với đó, Thường trực HĐND tỉnh đã cử báo cáo viên là các đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách của HĐND tỉnh và lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh thực hiện trao đổi kỹ năng, bồi dưỡng hoạt động cho đại biểu HĐND cấp xã tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, căn cứ thông báo của Bộ Nội vụ, tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND 3 cấp. Trong đó, đối với cấp tỉnh do Bộ Nội vụ triển khai với hình thức trực tuyến; đối với cấp huyện, cấp xã do Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh triển khai với hình thức trực tiếp.

Chủ tịch HĐND H.Vĩnh Cửu Lê Đỗ Kim Chi cho rằng, tại HĐND ở cấp xã, do các đại biểu chủ yếu là kiêm nhiệm nên hoạt động còn ít nhiều khó khăn. Trong đó, do hạn chế về mặt chuyên môn nên hoạt động giám sát, thẩm tra của HĐND cấp xã vẫn còn những hạn chế. Việc thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sẽ góp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Chia sẻ tại các buổi tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động giám sát, các đại biểu HĐND đều cho rằng, khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, các đại biểu HĐND sẽ có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng hơn trong nội dung giám sát. Từ đó, kịp thời nắm bắt, thu thập được nhiều thông tin, vấn đề; đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn và đưa ra những đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ ở địa phương.

Tăng cường bồi dưỡng

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng chia sẻ thêm, năm 2023, qua đánh giá yêu cầu thực tiễn, Thường trực HĐND tỉnh đã đề xuất phối hợp với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập huấn 3 chuyên đề: HĐND trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, HĐND trong lĩnh vực đất đai, HĐND trong đầu tư công. Đây là những lĩnh vực được nhiều đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cấp huyện quan tâm. Qua tập huấn, trang bị thêm kiến thức, nâng cao năng lực trong quyết định và tổ chức giám sát đối với các lĩnh vực nêu trên.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho hay, thời gian qua, hoạt động giám sát nói chung và giám sát trên lĩnh vực kinh tế - ngân sách nói riêng của Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật về đất đai, tài chính, đầu tư công có thể sẽ thay đổi. Do vậy, trong quá trình thực hiện các hoạt động giám sát cũng như thẩm tra, quyết định, đại biểu HĐND cần cập nhật liên tục, thường xuyên thì mới đáp ứng được yêu cầu vừa tuân thủ quy định, vừa gắn với thực tiễn của địa phương, phục vụ hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đơn cử như trong lĩnh vực đầu tư công, khi nắm rõ các quy trình, thủ tục, những nội dung trọng tâm thì khi thẩm tra, giám sát, quyết định, đại biểu mới có thể đề xuất được các giải pháp hiệu quả, thiết thực. Qua đó, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công sát thực tiễn, tránh trường hợp quyết định những vấn đề đầu tư công chưa phù hợp…

Chị A Mi Roh, đại biểu HĐND xã Bình Sơn (H.Long Thành) chia sẻ, thời gian qua, chị luôn cố gắng phát huy vai trò cầu nối giữa cử tri và HĐND, song do còn có những hạn chế nhất định về kiến thức, kỹ năng nên đôi lúc chưa thể phát huy hết vai trò của mình.

Theo chị A Mi Roh, phần lớn các ý kiến, phản ánh của bà con trên địa bàn chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, chính sách bồi thường tái định cư liên quan đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Về chính sách bồi thường tái định cư, là Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã, đồng thời là một trong những thành viên của Tổ tuyên truyền vận động nên chị nắm khá rõ để tuyên truyền cho bà con. Song với lĩnh vực đất đai, xây dựng thì kiến thức, kỹ năng còn hạn chế nên chị chưa thể tuyên truyền, giải đáp kịp thời cho bà con cũng như đề xuất các giải pháp cho địa phương.

Do vậy, theo đại biểu A Mi Roh, trong thời gian tới, công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND cấp xã, trong đó có lĩnh vực đất đai nên tiếp tục tăng cường. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cũng như HĐND cấp xã.

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202304/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-cua-dai-bieu-hdnd-3163376/