Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển

Được thành lập từ năm 2016, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Hải Lăng không ngừng đổi mới phương thức tuyển sinh, đa dạng hóa các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi đối tượng, góp phần không nhỏ trong sự phát triển KT- XH của địa phương.

Bế giảng lớp đào tạo nghề chế biến món ăn tại xã Hải Quy, huyện Hải Lăng - Ảnh: T.L

Thời gian qua, Trung tâm GDNN - GDTX khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động trên địa bàn.

Nhờ có quy trình đào tạo ngày càng chặt chẽ, khoa học nên người dân trên địa bàn được tiếp cận những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động.

Thực tế cho thấy, đa số học viên sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề đạt hiệu quả. Số lao động sau khi đào tạo nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng, quy trình vào trong công việc lao động sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng Văn Ẩm cho biết: “Trung tâm đã tạo cơ hội cho nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật được học nghề và có việc làm.

Bên cạnh đó, công tác phân luồng học sinh được quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt kết quả đáng khích lệ. Thông qua việc đẩy mạnh phân luồng học sinh đã từng bước tác động và nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh và người dân về học nghề.

Việc liên kết với trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề tổ chức các lớp học nghề hệ chính quy tại trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh chọn ngành nghề mình yêu thích, được phụ huynh và học sinh trên địa bàn đồng tình hưởng ứng”.

Xác định vai trò quan trọng của GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển của địa phương, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển KT-XH của huyện.

Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đưa nội dung công tác đào tạo nghề, phân luồng học sinh lồng ghép vào kế hoạch phát triển KT-XH, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương hằng năm.

Cùng với đó, huyện cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nhằm đáp ứng việc giảng dạy chương trình GDTX mới cấp THPT và chương trình GDNN từ trình độ trung cấp trở xuống. Các thiết bị được sắp xếp và bố trí theo từng ngành nghề phù hợp, khoa học, được sử dụng một cách triệt để nhằm phục vụ công tác giảng dạy cho lao động nông thôn và học sinh.

Song song với các hoạt động trên, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo được chú trọng. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong tình hình mới.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được bố trí tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước... do Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tổ chức.

Đội ngũ giáo viên tham gia quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn đảm bảo trình độ kiến thức, được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ dạy nghề. Đối với các nghệ nhân, người có kinh nghiệm thì đảm bảo yêu cầu về kỹ năng tay nghề, làm nghề lâu năm; có tâm huyết với nghề, tận tình giảng dạy cho học viên.

Trong giai đoạn 2016-2023, Trung tâm GDNNGDTX huyện Hải Lăng đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 105 lớp với 2.857 học viên, trong đó nghề nông nghiệp có 60 lớp với 1.598 học viên; nghề phi nông nghiệp 45 lớp với 1.259 học viên. Trung tâm đã tuyển sinh và đào tạo mô hình vừa học văn hóa, vừa học nghề cho 2.338 học sinh trên địa bàn, trong đó có 552 học sinh do Trung tâm GDNN-GDTX trực tiếp giảng dạy văn hóa.

Để có chương trình đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trên cơ sở chương trình, giáo trình chuẩn của Bộ LĐ, TB&XH ban hành, huyện Hải Lăng chỉ đạo trung tâm thường xuyên nghiên cứu, tham khảo, trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở tham gia dạy nghề trong và ngoài tỉnh xây dựng đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp dạy nghề theo hướng tăng cường bài giảng tích hợp, phát huy năng lực, tính chủ động, tích cực của người học.

Đã có 17 nghề được xây dựng hoàn thiện chương trình, giáo trình dạy nghề, trong đó có 11 nghề nông nghiệp và 6 nghề phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, dựa vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, trung tâm đã rà soát, cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới để chỉnh sửa và bổ sung, thẩm định các chương trình, tài liệu theo đúng quy định, phù hợp với đối tượng đào tạo trên địa bàn.

Bằng sự chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, tổ chức, dạy nghề và liên kết đào tạo với các đơn vị, doanh nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng đã thực hiện được các mục tiêu đề ra, giúp học sinh, học viên sau khi ra trường được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản và có những định hướng, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-dap-ung-nhu-cau-phat-trien-185178.htm