Nâng cao chất lượng dân số - 'Chìa khóa' cho sự phát triển bền vững

Nâng cao chất lượng dân số (DS), bảo đảm nguồn nhân lực cho sự phát triển KT-XH luôn là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của đất nước. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác DS, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Long An triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng DS. Đây được xem là 'chìa khóa' để mở ra cánh cửa phát triển bền vững.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh giúp người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, thực hiện tốt chính sách dân số

Truyền thông nâng cao nhận thức

Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác DS trong tình hình mới, nêu rõ: “Công tác DS phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”.

Chính sách DS phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đưa công tác DS và phát triển thành nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ và vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH.

Điều quan trọng nhất trong việc nâng cao chất lượng DS là thay đổi nhận thức, thống nhất được nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, huy động được nguồn lực để thực hiện tốt công tác DS nói chung, đặc biệt là đạt được các mục tiêu nâng cao chất lượng DS trong tình hình mới.

Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Công tác truyền thông, giáo dục, vận động về DS và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng DS, phù hợp từng nhóm đối tượng. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng DS cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và KHHGĐ; phấn đấu hàng năm tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc, tăng tuổi thọ bình quân, tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại;...”.

Để trẻ sinh ra khỏe mạnh, thông minh

Nâng cao chất lượng DS cần được bắt đầu bằng những can thiệp sớm nhằm cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh, có điều kiện phát triển về thể chất và trí tuệ. Để làm được điều này, thời gian qua, tỉnh triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình CSSKSS, khám sức khỏe tiền hôn nhân, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, mô hình xã, thị trấn đạt 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con,...

Thông qua những mô hình, đề án về công tác dân số góp phần tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng nòi giống, ươm mầm cho tương lai

“Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng DS nhằm giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh, thông minh, phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Theo đó, thai phụ được tư vấn, kiểm tra sức khỏe thai kỳ, hướng dẫn tiêm phòng đầy đủ, siêu âm để tầm soát phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh. Trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh thiếu men G6DP, suy giáp trạng bẩm sinh,...

Bên cạnh đó, trẻ được tiêm chủng phòng, chống các bệnh lây và không lây, được bổ sung vitamin A, phòng, chống suy dinh dưỡng nhằm bảo đảm sức khỏe trong giai đoạn đầu đời” - ông Đoàn Văn Ngà cho biết thêm.

Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.400 ca sàng lọc trước sinh, trên 1.000 ca sàng lọc sơ sinh và tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân cho trên 850 cặp nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn. Thông qua kết quả sàng lọc, những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều được tư vấn chuyển tuyến trên để được theo dõi và xử lý kịp thời, góp phần giảm tỷ lệ người tàn tật, người thiểu năng trí tuệ.

Thai phụ được siêu âm để tầm soát phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh

Chị Nguyễn Thị Yến Vy (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Tôi mang thai được 12 tuần và vừa thực hiện đo độ mờ da gáy kết hợp lấy máu tầm soát các dị tật bằng phương pháp NIPT để bảo đảm độ chính xác. Nhờ sự tư vấn của nhân viên y tế, tôi hiểu được ý nghĩa của tầm soát, sàng lọc trước sinh, sơ sinh để bảo đảm con mình sinh ra được khỏe mạnh”.

Tại mỗi địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác DS. Chủ tịch UBND thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước - Nguyễn Khắc Hoàng Nguyên chia sẻ: “Hàng năm, nội dung công tác DS đều được đưa vào kế hoạch hoạt động của thị trấn.

Theo đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động và truyền thông chuyển đổi hành vi bằng nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng DS, kiến thức CSSKSS, KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,... góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, thực hiện tốt chính sách DS”.

Đầu tư nâng cao chất lượng DS chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thông qua những mô hình, đề án về công tác DS với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng nòi giống, ươm mầm cho tương lai./.

Huỳnh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-cao-chat-luong-dan-so-chia-khoa-cho-su-phat-trien-ben-vung-a168795.html