Nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại, hội nghị người lao động ở doanh nghiệp

Ngày 05/01/2024, đồng chí Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 17/KH-LĐLĐ của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh về nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại, hội nghị người lao động ở doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2023 - 2025.

Việc ban hành Kế hoạch nhằm bảo đảm quyền của người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của công đoàn cơ sở trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo Kế hoạch, chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2023 - 2025, 100% công đoàn cơ sở DN khu vực nhà nước và ít nhất 75% công đoàn cơ sở DN ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; 95% trở lên DN nhà nước và 70% trở lên DN ngoài nhà nước (nơi có tổ chức công đoàn) tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật; 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên DN ngoài khu vực nhà nước (nơi có tổ chức công đoàn) tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Để bảo đảm Kế hoạch được triển khai thực hiện tốt, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đề ra nhiệm vụ, giải pháp đó là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản có liên quan, qua đó tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện và theo dõi thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ Ban Chấp hành công đoàn cơ sở DN trong tham gia, phối hợp thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là đối với những DN có đông người lao động, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể.

Nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở làm căn cứ đánh giá, xếp loại hoạt động công đoàn hàng năm. Công đoàn cấp trên cơ sở đề xuất, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tổ chức thanh tra, kiểm tra; chủ động tổ chức các đoàn giám sát tiến hành giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và đề nghị xử lý nghiêm các DN, người sử dụng lao động vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng xã hội số.

KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-cac-cuoc-doi-thoai-hoi-nghi-nguoi-lao-dong-o-doanh-nghiep-34694.html