Nâng cao chất lượng, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm

Với 1.649 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và công nhận, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP nói chung, sản phẩm OCOP cấp quốc gia nói riêng. Phát huy kết quả đạt được, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP.

Thúc đẩy tinh thần chủ động của các chủ thể

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội, thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm OCOP, Hà Nội tổ chức nhiều hội chợ, hội thảo, chương trình hợp tác thu hút nhiều chủ thể tham gia

Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm OCOP, Hà Nội tổ chức nhiều hội chợ, hội thảo, chương trình hợp tác thu hút nhiều chủ thể tham gia

Thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 24.5.2022 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ngay từ đầu năm, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM thành phố đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP, nhất là các chủ thể sản xuất - kinh doanh. Theo kế hoạch năm 2022, thành phố dự kiến đánh giá 400 sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng đăng ký đã lên tới 488 sản phẩm (vượt 88 sản phẩm). Con số này chứng tỏ nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất - kinh doanh đã nhận thấy những lợi ích mà chương trình OCOP mang lại và chủ động tham gia.

Giám đốc Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam Bùi Thị Thanh Hằng cho biết: Bộ tiêu chuẩn đánh giá OCOP đã phản ánh đầy đủ những gì doanh nghiệp phải làm và nên làm để khẳng định chỗ đứng bền vững trên thị trường. Tham gia chương trình OCOP, doanh nghiệp có cơ hội được đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, đặc biệt là tìm kiếm các kênh phân phối, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Chúng tôi rất tự hào vì đã có sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Tôi tin rằng, chương trình OCOP đang tạo động lực lớn để người trẻ khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, giàu giá trị”, bà Hằng chia sẻ.

Để phát huy tinh thần chủ động từ các chủ thể, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội cùng với chính quyền các địa phương luôn đồng hành, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP. Dự kiến, đến hết năm 2022, thành phố sẽ tổ chức 120 lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo khung đào tạo tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại 30 quận, huyện, thị dành cho các nhà quản lý tổ chức kinh tế (CEO), HTX, trang trại, hộ sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động, tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Điển hình như huyện Đông Anh, từ đầu năm đến nay đã bố trí 3 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm. Ngoài chi phí phân tích chất lượng, in ấn tem, nhãn, huyện còn hỗ trợ chủ thể duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng QR Code truy xuất nguồn gốc và xây dựng - quản lý nhãn hiệu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao;100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp. Đặc biệt, mỗi huyện, thị xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch. Hàng năm, mỗi địa phương phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cùng đó, phấn đấu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; ít nhất 50% chủ thể tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.

Để đạt được các mục tiêu trên, bên cạnh tập trung xây dựng, đánh giá, phân hạng sản phẩm, thành phố đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Thủ đô. Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí, năm 2022, đơn vị đã tham gia, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch tạo cơ hội giao lưu, kết nối, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục triển khai tổ chức 4 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền; tổ chức các tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tham gia 2 hội chợ, triển lãm OCOP tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem nhãn cho các sản phẩm OCOP để nhận diện và quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Cũng theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, năm 2021, Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm Chương trình OCOP thành phố đã kiểm tra 41/50 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP của 18 huyện, thị. Qua kiểm tra, các chủ thể cơ bản đều thực hiện tốt các quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, sử dụng nhãn hàng hóa, duy trì chất lượng sản phẩm bảo đảm theo đúng chứng nhận. Năm 2022, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát đối với các chủ thể còn lại nhằm tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

__________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/nang-cao-chat-luong-bao-dam-dau-ra-cho-san-pham-i298011/