Nâng bước em tới trường

Nhận được tin nhắn của nhà thơ Phạm Vân Anh, hiện đang công tác tại Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP khiến niềm vui và sự xúc động dâng lên trong lòng tôi. Vân Anh nhắn, hiện nhóm nữ dịch giả Hà Nội các chị đang may và tìm địa chỉ chuyển tặng hàng trăm chiếc áo thun 'cờ đỏ sao vàng' cho học sinh các lứa tuổi trên địa bàn biên giới cả nước trong dịp khai giảng năm học mới 2023-2024.

Đồn Biên phòng Ba Nang (BĐBP Quảng Trị) tặng quà học sinh đơn vị nhận đỡ đầu trong Chương trình "Nâng bước em tới trường". Ảnh: Trúc Hà

Đồn Biên phòng Ba Nang (BĐBP Quảng Trị) tặng quà học sinh đơn vị nhận đỡ đầu trong Chương trình "Nâng bước em tới trường". Ảnh: Trúc Hà

Là một người lính Biên phòng được đi khắp các nẻo biên thùy nên Vân Anh thấm thía nỗi vất vả của các em thơ nơi vùng biên. Món quà của chị, của những nhà hảo tâm khác cùng tình yêu và trách nhiệm của những người lính Biên phòng càng tiếp thêm nghị lực nâng bước chân những em học sinh vùng sâu biên giới đến trường.

Với Long An, tuy là tỉnh giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ, phần lớn diện tích nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Bên cạnh sự ưu đãi của tự nhiên cho việc phát triển nông nghiệp với những đồng lúa thẳng cánh cò bay, phù sa màu mỡ; điều kiện địa hình trũng thấp khiến kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, đời sống người dân ở những nơi vùng xa biên giới của tỉnh còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu. Và ở đó còn có những mảnh đời các em học sinh nghèo khó khăn, vất vả.

Một buổi chiều, tổ công tác địa bàn của chúng tôi dừng chân bên bờ sông Vàm Cỏ Tây khi phát hiện hai em nhỏ chừng 11, 12 tuổi đang lấp ló trong một khóm trâm bầu xanh mướt. Thì ra, các em đang đi nhử mồi lươn, cắm cần câu qua đêm, kiếm cái ăn cho bữa cơm nghèo. Khi phát hiện “các chú Biên phòng”, hai em liền núp dưới tán cây len lén quan sát. Tôi bắt chuyện với em nhỏ hơn mặc chiếc áo màu cháo lòng đã sờn rách: “Con học lớp mấy rồi?”. Cậu bé gãi gãi mái đầu bù xù khét nắng, bẽn lẽn trả lời: “Dạ, con không có đi học ở trường, chỉ đến lớp học tình thương thôi nên không biết lớp mấy”. Và em thanh minh thêm: “Chú không tin hỏi thằng này coi”, rồi đưa mắt về phía cậu bạn. Chẳng để cho chúng tôi kịp hỏi thêm, em còn lại nói luôn: “Dạ, đúng rồi đó chú, nhà tụi con bên Campuchia về nên không được đến trường, phải học lớp tình thương trên đồn mở”.

Tôi muốn hỏi thăm các em thêm một vài câu nhưng tự nhiên cổ họng chợt nghèn nghẹn. Các em chính là những học sinh của lớp học tình thương mà Đồn Biên phòng Tuyên Bình đã mở hàng chục năm nay. Cha mẹ các em là những người trở về từ vùng Biển Hồ xa xôi bên đất nước Chùa Tháp. Không hộ khẩu, hộ tịch, không có bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào và không nghề nghiệp, cuộc sống của họ được đắp đổi qua ngày bằng công làm mướn. Còn các em, hằng ngày cũng phải theo cha mẹ đi làm thuê, chặt lục bình phơi khô hay bán vé số dạo. Chỉ đến tối, các em mới được đến với lớp học tình thương của BĐBP. Trong nhiều năm qua, nhiều đồng chí cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thay nhau đứng lớp, các anh không chỉ dạy chữ, dạy phép tính mà còn dạy cả tình thương, đạo đức và những kĩ năng sống cho các em.

Không chỉ ở khu vực biên giới mới có những lớp học tình thương của BĐBP. Trên địa bàn thị trấn Bến Lức, nơi giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh, nơi có những khu công nghiệp hàng vạn công nhân cũng có một lớp học tình thương do Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức phối hợp với địa phương mở. Trong hơn 10 năm qua, lớp học đã giúp hàng trăm em là con các gia đình công nhân nghèo không có điều kiện đến trường tốt nghiệp bậc tiểu học. Trong năm học 2023 - 2024 này, lớp học đang có 103 em từ lớp 1 đến lớp 5, có độ tuổi từ 6 đến 15; thời gian học tập 2 buổi, từ 14 giờ đến 16 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ hằng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thượng úy Trần Văn Cảnh là cán bộ của đồn trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Ngoài các lớp học tình thương, năm học 2023-2024, trên địa bàn 20 xã biên giới thuộc 6 huyện, thị xã của tỉnh Long An, các đồn Biên phòng và Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh đang nhận nuôi và đỡ đầu 7 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài việc hỗ trợ bằng tiền mặt hằng tháng, đơn vị còn cử cán bộ phụ trách lập sổ liên lạc giữa nhà trường, gia đình và đơn vị; hằng tuần kiểm tra việc học tập, rèn luyện của các em và cử quân y theo dõi sức khỏe...

Như trường hợp của em Lê Nguyễn Cát Tường, sinh năm 2012, ngụ tại ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ. Cát Tường mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Ông nội của em đã già và cũng chỉ có một nghề... làm mướn. Hằng ngày, hai ông cháu sống thui thủi trong căn nhà ọp ẹp bằng thu nhập còm cõi của ông nội Cát Tường. Hay như trường hợp của em Đỗ An Kiên, sinh năm 2007, hiện đang là học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Mỹ Bình, huyện Đức Huệ. Cha em nguyên là Phó Đội trưởng Trinh sát đã mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi được giao nhiệm vụ làm Chốt trưởng Chốt phòng chống dịch Covid-19 Than Bùn, thuộc Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây. Mẹ em làm ruộng, đời sống gia đình chật vật, khó khăn.

Ngoài ra, trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” năm học này, BĐBP Long An còn trao tặng 64 suất học bổng trị giá 384 triệu đồng cho 45 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi trên địa bàn biên giới của tỉnh và 19 em học sinh trên khu vực biên giới của nước bạn Campuchia phía đối diện. Món quà tuy nhỏ nhưng đối với các em cũng phần nào vơi đi nỗi khó khăn thường nhật, vui bước chân đến trường.

Ngày khai giảng năm học mới, tôi được Ban chỉ huy đơn vị cử đi dự ở Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. Trong tiếng trống khai trường rộn rã vang lên, hòa trong cả ngàn em học sinh đồng phục quần xanh áo trắng, 228 em của cả hai khối 8, 9 rực rỡ với một màu áo “cờ đỏ sao vàng” trong niềm vui náo nức. Lòng chúng tôi bồi hồi xúc động. Đó không chỉ là món quà vật chất mà còn chuyển tải cả tình yêu thương và góp phần hun đúc lòng yêu nước cho các em học sinh nơi vùng sâu biên giới.

Một năm học mới đang được bắt đầu...

Nguyễn Hội

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-buoc-em-toi-truong-post466273.html