Nạn đầu cơ oxy cướp cơ hội sống của bệnh nhân Covid-19 tại Indonesia

Giới chức và các chuyên gia y tế cảnh báo hiện tượng người khỏe mạnh đầu cơ, tích trữ dưỡng khí và các loại thuốc. Điều này tước đi cơ hội sống sót của người mắc Covid-19 trở nặng.

Sau Ấn Độ, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu dưỡng khí, khi số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng cao chưa từng có từ khi dịch bệnh bùng phát.

Giới chức các nước cũng như các chuyên gia y tế cảnh báo người dân hạn chế đầu cơ, tích trữ dưỡng khí cũng như các loại dược phẩm được cho là có khả năng điều trị Covid-19, bởi có thể dẫn tới thảm họa cho hệ thống chăm sóc y tế công cộng.

Nạn đầu cơ hoành hành

Tuần qua, sở cảnh sát khu vực Đô thị Jakarta bắt giữ 3 băng nhóm đầu cơ, tích trữ bình dưỡng khí và thuốc Ivermectin tại khu vực thủ đô.

"Thủ tục truy tố đang được tiến hành", Tổng thanh tra cảnh sát Mohammad Fadli Imran cho biết.

Nhà chức trách Indonesia phát hiện hoạt động đầu cơ, tích trữ hàng hóa của ba nhóm này sau khi điều tra nguồn cung, nguồn cầu của các loại thuốc điều trị và dưỡng khí cùng mức giá tăng cao bất thường của các mặt hàng này.

Hồi đầu tháng 7, cảnh sát Indonesia cũng bắt một số tiểu thương ở chợ Pramuka, Đông Jakarta, sau khi bán dưỡng khí và thuốc Ivermectin với giá cao gấp 6 lần mức giá quy định của chính phủ.

"Thuốc chỉ có giá 0,5 USD/viên hoặc 5 USD/hộp 10 viên. Nhưng vì lo thuốc trở nên khan hiếm mà người dân đổ xô đi mua, khiến thuốc bị đẩy giá lên tới 33 USD/hộp, thậm chí có nơi bán gần 50 USD/hộp", cảnh sát Jakarta cho biết sau khi truy quét chợ Pramuka.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh Indonesia (KPPU) cho biết giá của các loại bình dưỡng khí tại khu vực Đô thị Jakarta tăng tới 900% trong một tháng vừa qua.

Người dân xếp hàng đợi mua dưỡng khí ở Jakarta. Ảnh: Jakarta Globe.

Bên cạnh vấn đề khó khăn, chậm trễ vận chuyển khí oxy từ các nhà máy sản xuất tới các khu vực đô thị đông dân cư - nơi nguồn cầu là lớn nhất, việc người dân và tiểu thương đầu cơ, tích trữ khiến tình trạng khan hiếm nguồn cung càng trở nên tồi tệ.

Bệnh nhân lãnh đủ

Tại thủ đô Jakarta, dưỡng khí ngày càng trở nên xa xỉ, dù Indonesia là một trong những nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất châu Á.

"Tôi xếp hàng ở đây để mua bình dưỡng khí cho mẹ. Chúng tôi đã thử qua nhiều bệnh viện nhưng tất cả đều quá tải. Tôi có một danh sách các địa điểm bán dưỡng khí nhưng tất cả đều đóng cửa hoặc hết hàng. May mà tôi được một người bạn chỉ tới đây", Pinta, một cư dân ở Jakarta, cho biết.

Với hàng chục, hàng trăm nghìn người Indonesia xếp hàng, việc tìm kiếm nguồn cung dưỡng khí đang là cuộc chiến sống còn, bởi tính mạng của nhiều bệnh nhân trở nặng phụ thuộc vào bình dưỡng khí.

Bác sĩ Errni Herdiani, giám đốc Trung tâm Y tế Lemah Abang ở ngoại ô Jakarta, cho biết cơ sở của bà cũng cạn kiệt dưỡng khí và các loại thuốc điều trị.

"Chúng tôi chỉ điều trị dưỡng khí cho các bệnh nhân trở nặng. Chúng tôi cần các loại thuốc như remdesivir và bình dưỡng khí, nhưng giờ không thể mua được ở đâu", bác sĩ Herdiani cho biết.

Bộ Y tế Indonesia cho biết các bệnh viện cần khoảng 400 tấn dưỡng khí mỗi ngày trước đại dịch. Giờ đây, các cơ sở này cần tới 2.000 tấn. Tình hình càng trở nên phức tạp bởi hiện tượng đầu cơ, tích trữ của các cá nhân.

Khả năng sống sót của người mắc Covid-19 trở nặng phụ thuộc vào dưỡng khí. Ảnh: Reuters.

Tại Myanmar, các chuyên gia y tế cho biết việc thiếu hụt nguồn cung dưỡng khí khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Trong tháng 6, số bệnh nhân Covid-19 tử vong là 117. Nhưng chỉ sau 2 tuần đầu tháng 7, số người chết lên tới 847.

Do quá tải các nguồn dự trữ nhu yếu phẩm y tế, không ít bệnh viện không thể tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Bởi không thể nhập viện, một số bệnh nhân ở Myanmar đã phải tự điều trị tại nhà, dựa vào nguồn dưỡng khí tự mua được. Đa phần các ca tử vong là bởi bệnh nhân không được thở dưỡng khí.

Các chuyên gia y tế có chung nhận định rằng dưỡng khí và các loại thuốc điều trị là không cần thiết với phần lớn người mắc Covid-19.

Bởi theo các thống kê, tới 85-90% người mắc Covid-19 không có triệu chứng, hoặc chỉ bị triệu chứng nhẹ và có thể tự hồi phục.

"Đầu cơ các loại thuốc và dưỡng khí tại nhà riêng sẽ tạo ra hoảng loạn, khiến các mặt hàng y tế thiết yếu này thiếu hụt tại các cơ sở y tế", bác sĩ Randeep Guleria, giám đốc Viện Y học Ấn Độ, cảnh báo.

Bác sĩ Guleria khẳng định việc người khỏe mạnh đầu cơ dưỡng khí sẽ làm giảm khả năng sống sót của bệnh nhân triệu chứng nặng, và các loại thuốc thì không phải là "tiên dược".

Trong bối cảnh nguồn cung oxy gặp trở ngại, các thanh niên Ấn Độ đã tạo ra những ứng dụng di động để tìm kiếm, thu hút sự hỗ trợ, giúp cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu tới những người khó khăn.

Swadha Prasad, thành viên một tổ chức được lập ra nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin các nguồn cung ứng thiết bị y tế trên cả nước.

Các tình nguyện viên của nhóm làm việc 24/7. Qua điện thoại và máy tính, họ xác thực các nguồn cung y tế có sẵn, cập nhật thông tin theo thời gian thực, tiếp nhận và phản hồi các cuộc gọi đề nghị trợ giúp.

Đa phần các tình nguyện viên đều dưới 20 tuổi. Mỗi ca làm việc của các tình nguyện viên có thể kéo dài tới 14 giờ đồng hồ.

"Một số người trong nhóm làm việc xuyên đêm cho tới sáng, bởi các cuộc gọi dồn dập ngay cả lúc 3h sáng. Nhưng nếu có thể cứu dù chỉ một mạng sống, tôi sẽ không bao giờ nói không. Công việc này không phải chỉ là cung cấp các nguồn lực, đôi lúc thứ mọi người cần là biết họ không cô độc ", Prasad cho biết.

Trước nhu cầu khẩn cấp tìm kiếm giường bệnh còn trống, kỹ sư phần mềm Umang Galaiya đã xây dựng một ứng dụng điện thoại tìm kiếm các bệnh viện còn tiếp nhận điều trị, giúp giảm thời gian tìm kiếm của bệnh nhân, cho họ có thêm cơ hội được cứu sống.

Tuy nhiên, Galaiya cho biết nỗ lực nhỏ lẻ của các tổ chức, cá nhân độc lập không phải là giải pháp lâu dài, mà cần một chiến lược ứng phó hiệu quả ở quy mô lớn của nhà chức trách.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nan-dau-co-oxy-cuop-co-hoi-song-cua-benh-nhan-covid-19-tai-indonesia-post1240973.html