Nạn bắt cóc phụ nữ, trẻ em ở Tây Bắc Nigeria ngày càng nhức nhối

Cô Rashidat Hamza đang tuyệt vọng vì 5 trong 6 đứa con của mình nằm trong số gần 300 học sinh bị bắt cóc cuối tuần trước từ trường học ở phía Tây Bắc Nigeria, sau vụ tấn công của các băng nhóm vũ trang và phần tử Hồi giáo cực đoan.

Phụ nữ và trẻ em vẫn là mục tiêu bị bắt cóc hàng loạt ở khu vực bất ổn Tây Bắc Nigeria

Các con của Rashidat Hamza tuổi từ 7 đến 18, đến trường LEA ở thị trấn xa xôi Kuriga thuộc bang Kaduna và bị các tay súng bắt cóc hôm 7-3. “Các tay súng không cho chúng tôi được yên ổn”, cô Rashidat Hamza nói đồng thời bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ bắt giữ được những kẻ bắt cóc và các con trở về an toàn.

Trường tiểu học và trung học LEA, một trong số ít cơ sở giáo dục ở khu vực này, nằm bên đường ngay lối vào thị trấn, giữa rừng và thảo nguyên. Dù với mái nhà mục nát và những bức tường đổ nát, ngôi trường vẫn mang đến cho các bậc cha mẹ niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái họ. Nhưng nhà chức trách cho biết, hôm 7-3, ít nhất 100 trẻ em dưới 12 tuổi nằm trong số những kẻ bị bắt cóc ở bang khét tiếng với những vụ giết người bạo lực, vô pháp luật và bắt cóc.

Nhớ lại vụ việc, cô Nura Ahmad, một giáo viên kể rằng, các học sinh vừa mới ổn định trong lớp học thì hàng chục tay súng kéo đến và bắn lẻ tẻ. “Họ bao vây trường học và chặn tất cả các lối đi để ngăn chặn sự trợ giúp từ bên ngoài. Lũ trẻ được đưa đi trong vòng chưa đầy 5 phút”, cô Ahmad nói. Em Abdullahi Usman, 14 tuổi, may mắn thoát nạn kể: “Những người không chịu di chuyển nhanh thì bị ép lên xe máy hoặc bị đe dọa bằng những phát súng chỉ thiên. Bọn cướp hét lên: Đi! Đi!”. Một số dân làng như ông Lawan Yaro, người có 5 đứa cháu trong số nạn nhân bị bắt cóc bày tỏ: “Người dân đã quen với tình trạng bất ổn trong khu vực, nhưng chưa bao giờ có chuyện như vậy”.

Ngay sau sự việc một ngày, cảnh sát và binh lính Nigeria đã tiến vào rừng để tìm kiếm những đứa trẻ bị bắt cóc, nhưng việc rà soát những khu rừng rộng lớn ở phía Tây Bắc Nigeria có thể mất vài tuần. Và vụ bắt cóc hàng loạt ở Kuriga là vụ thứ ba ở miền Bắc Nigeria trong chục ngày qua. Trước đó, một nhóm tay súng đã bắt cóc 15 trẻ em từ một trường học ở Sokoto, một bang Tây Bắc khác vào sáng sớm 2-3 và vài ngày trước đó, 200 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em phải sơ tán do xung đột, đã bị bắt cóc ở bang Borno phía Đông Bắc.

Các vụ việc này là lời nhắc nhở rõ ràng về cuộc khủng hoảng an ninh đang hoành hành ở quốc gia đông dân nhất châu Phi. Không có nhóm nào nhận trách nhiệm về bất kỳ vụ bắt cóc nào gần đây. Nhưng những kẻ cực đoan Hồi giáo đang tiến hành một cuộc nổi dậy ở phía đông bắc bị nghi ngờ thực hiện vụ bắt cóc ở Borno.

Đây không phải là lần đầu tiên vụ bắt cóc học sinh ở Nigeria gây chấn động thế giới. Vào năm 2014, những kẻ cực đoan Hồi giáo đã bắt cóc hơn 200 nữ sinh ở Chibok của Borno, gây ra chiến dịch truyền thông xã hội #BringBackOurGirls (Đưa các cô gái trở lại) trên khắp toàn cầu. Một thập kỷ sau, ít nhất 1.400 học sinh Nigeria đã bị bắt cóc khỏi trường học trong hoàn cảnh tương tự. Một số vẫn bị giam giữ, trong đó có gần 100 cô gái Chibok.

Nhưng trường học không phải là mục tiêu duy nhất. Theo một thống kê, hơn 3.500 người đã bị bắt cóc trên khắp Nigeria trong năm 2023. Một số người thậm chí còn bị bắt cóc ngay trong nhà ở Thủ đô Abuja. Các chuyên gia cho biết, hơn một nửa đường biên giới của Niger dài 1.500km trải dài ở phía tây bắc. Lợi dụng địa hình khu vực này chủ yếu là thảo nguyên rừng cùng những khu rừng rộng lớn, các băng đảng có tổ chức ẩn náu và giam giữ các nạn nhân bị bắt cóc. Vào năm 2022, các nhà lập pháp Nigeria đã thông qua dự luật xử phạt việc trả tiền chuộc, nhưng những kẻ bắt cóc ở nước này khét tiếng vì sự tàn bạo, khiến nhiều gia đình phải khuất phục trước yêu cầu của chúng.

Năm ngoái, Tổng thống Bola Tinubu thắng cử sau khi vận động tranh cử với lời hứa thắt chặt an ninh và ngăn chặn các vụ bắt cóc. Quân đội Nigeria tiếp tục tiến hành các cuộc không kích và chiến dịch quân sự đặc biệt trong khu vực nhưng có dấu hiệu mệt mỏi trước cuộc nổi dậy kéo dài 14 năm của người Hồi giáo ở phía đông bắc. Quân đội Nigeria trước đây cho biết, đôi khi nạn nhân bị bắt cóc được sử dụng làm “lá chắn sống” để ngăn chặn các cuộc không kích vào khu rừng nơi những kẻ bắt giữ họ ẩn náu. Các băng nhóm vũ trang cũng tiếp tục gia tăng trong khu vực nơi có nhiều người nghèo và thường hợp tác với những kẻ cực đoan.

Ông James Barnett, nhà nghiên cứu chuyên về Tây Phi tại Viện Hudson có trụ sở tại Mỹ nhận định, các băng nhóm này đang “điều chỉnh chiến lược và cố thủ sâu hơn ở phía Tây Bắc thông qua hoạt động tống tiền”. “Mục tiêu của chúng là được tự do làm những gì mình muốn ở vùng Tây Bắc Nigeria và nếu nhà nước thách thức, dù trực tiếp hay gián tiếp, bọn chúng sẽ phải đáp trả và thể hiện sức mạnh của mình”, ông James Barnett nói.

Theo AP

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nan-bat-coc-phu-nu-tre-em-o-tay-bac-nigeria-ngay-cang-nhuc-nhoi-post569710.antd