Năm rồng du lịch sẽ 'bay xa'

Thời gian qua, Hà Nội liên tục được các tổ chức du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm những thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Đó là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực cũng như những thành quả mà ngành Du lịch Thủ đô đã làm được. Đây cũng là tín hiệu vui cho thấy sự năng động, táo bạo, hứa hẹn nhiều đột phá trong hành trình hồi phục và phát triển Du lịch Thủ đô trong thời gian tới.

Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới

Đầu tháng 12, Hà Nội nhận tin vui khi được vinh danh là “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023” của tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới. Để giành được chiến thắng, Hà Nội đã vượt qua nhiều ứng viên xuất sắc như: Sydney - Úc, Tokyo - Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Lisbon - Bồ Đào Nha… Danh hiệu “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023” một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút của ngành Du lịch Thủ đô trên bản đồ du lịch thế giới. Thông qua việc đạt danh hiệu lần này, Hà Nội mong muốn giới thiệu đến với du khách các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Khách nước ngoài đến tham quan di tích của Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có những di tích ngàn năm tuổi và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể với những điểm đến di tích - di sản văn hóa nổi bật như: Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền Sóc, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương…

Thời gian qua, Thành phố đã tổ chức thành công các sự kiện như: Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội…Thủ đô Hà Nội cũng là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng, trong đó có những làng nghề tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre đan Phú Vinh...

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phụ trợ đang từng bước được xây dựng đồng bộ, chất lượng, chuyên nghiệp. Hạ tầng xã hội phục vụ du lịch được quan tâm, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch được đầu tư xây dựng. Thành phố cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, như xây dựng hệ thống wifi miễn phí tại các khu, điểm tham quan du lịch.

Ngoài ra, năm 2023 cũng là năm Hà Nội có đại diện nhà hàng được gắn sao Michelin - Giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới: 48/103 nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn, trong đó có 3 nhà hàng được 1 sao Michelin. Đặc biệt, tháng 10/2023, Hà Nội vinh dự được nhận giải thưởng “Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023” - danh hiệu được trao tại giải thưởng World Golf Awards 2023, những danh hiệu này đã khẳng định Thủ đô Hà Nội là điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, đặc sắc, an toàn và chất lượng.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, việc được vinh danh giải thưởng được mệnh danh là “Oscar của ngành du lịch thế giới”, hình ảnh Thủ đô Hà Nội đã được nâng tầm, khẳng định vị trí quan trọng, vững chắc trên bản đồ du lịch thế giới. Giải thưởng là minh chứng rõ nét cho sự cố gắng, nỗ lực tạo nên những kết quả mà ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được.

Đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách năm 2024

Năm 2023, thông qua việc triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, ngành Du lịch Thủ đô đã có sự phục hồi mạnh mẽ, có kết quả ấn tượng. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, Thủ đô Hà Nội đã đón 4 triệu lượt khách quốc tế (có 2,82 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 266,7% so với năm 2022 (tăng 33,3% so với kế hoạch, tương đương 57% kết quả năm 2019) và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022 (tăng 5% so với kế hoạch, tương đương 91% kết quả năm 2019).

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019). Đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội có 3.758 cơ sở lưu trú du lịch với 71.016 phòng; trong đó, có 605 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 26.411 phòng. Năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 58,7%, tăng 20,1% so cùng kỳ năm 2022.

Nhìn lại một năm của ngành Du lịch Thủ đô, dấu ấn chính là những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong khâu quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Điển hình như Hà Nội đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành Du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023; triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; hình thành bản đồ số du lịch (bằng nhiều thứ tiếng) thể hiện các thông tin thu hút du khách, phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội (đã thí điểm tại Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất)…

Cùng với hoạt động chuyển đổi số, Hà Nội gây ấn tượng khi trở thành địa phương đi đầu cả nước với các sản phẩm tour đêm với 15 sản phẩm được công bố. Trong đó, nổi bật là những sản phẩm có gắn với công nghệ như: Tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; sản phẩm “Chạm vào đêm Hà Nội” tại Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm…Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: Sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn; sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch bay khinh khí cầu tại các quận: Tây Hồ, Long Biên, thị xã Sơn Tây…

Từ những thành công bước đầu, năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú), tăng 25% so với ước thực hiện năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%, tăng 2 điểm % so năm 2023.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đang quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến. Đó là các tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; tuyến Trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì. Ngoài ra, Hà Nội chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh như: Du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch golf…

Từ những thành công bước đầu, ngành Du lịch Thủ đô đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú)… Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nam-rong-du-lich-se-bay-xa-164659.html