Năm mươi sắc thái của truyện khiêu dâm

Truyện khiêu dâm có một lịch sử lâu đời, sau 'Năm mươi sắc thái', thể loại này hình thành một số đặc điểm chính.

 Hình ảnh trong phim Năm mươi sắc thái.

Hình ảnh trong phim Năm mươi sắc thái.

Bộ ba Năm mươi sắc thái của E.L James là một tác phẩm sáng giá, và bộ phim chuyển thể là một sự bùng nổ. Cùng các lượt đọc trực tuyến, bộ ba đã trở thành đóng góp quan trọng nhất vào quá trình phổ biến dòng văn học khiêu dâm.

Số lượng lớn tác phẩm nhại lại (parody), ở tất cả xu hướng tính dục, là bằng chứng về sức ảnh hưởng của Năm mươi sắc thái trong nền văn hóa đại chúng. Dù bạn nghĩ gì về bộ ba này và phim chuyển thể của nó, không thể nghi ngờ rằng tác phẩm của E.L James đã phổ biến rộng rãi đến công chúng về các hình thức quan hệ tình dục ngoài quan hệ nam - nữ nói chung và BDSM (bạo dâm - khổ dâm) nói riêng vốn thuộc về một nhóm thiểu số.

Chủ đề tình dục trong văn học

Truyện khiêu dâm có một lịch sử lâu đời và phong phú, cổ xưa nhất là cuốn sách Kama Sutra của Ấn Độ về tình yêu và tình dục.

Trong lịch sử phương Tây, truyện khiêu dâm thường bị đánh giá là dâm dật và tục tĩu. Trong quá khứ, có nhiều sáng tác khiêu dâm quan trọng đã bị buộc tội và lên án như: các tác phẩm của Hầu tước de Sade (1740-1814), Fanny Hill của John Cleland (1749), Ulysses của James Joyce (1922), Người tình của phu nhân Chatterley của D.H Lawrence (1928) và Kinh tuyến Bắc Giải của Henry Miller (1934).

Những tiểu thuyết này nổi tiếng vì đã lên tiếng chống lại chính quyền bảo thủ, thói đạo đức giả né tránh chủ đề tình dục. Ở nhiều cấp độ và bằng các cách thức khác nhau, những tác giả này đã đầu tư vào mô tả sự dâm dục, viết về những thứ hoặc gây choáng váng (như Hầu tước De Sade, người mà nhắc tên là ta nghĩ ngay đến chủ nghĩa khổ dâm), hoặc đôi khi kỳ quái (Lawrence).

Ngày nay, dòng sách khiêu dâm, thường là do tác giả tự xuất bản và để phục vụ thị trường sách điện tử, phần lớn đã không còn bị bài xích bởi xã hội. Sách khiêu dâm “vay mượn” nhiều chất liệu của dòng văn học lãng mạn, từ Jane Austen đến những tiểu thuyết đại chúng được xuất bản bởi các công ty như Harlequin và công ty con của nó: Mills & Boon. Năm mươi sắc thái thuộc thể loại truyện khiêu dâm phổ biến này, dù nó có cả yếu tố BDSM và chủ nghĩa nữ quyền.

Nhà xuất bản Harlequin đã bắt kịp sự lên ngôi của sách điện tử và xu thế bạn đọc hứng thú với những câu chuyện “ướt át” hơn. Sau thành công chưa từng có của Năm mươi sắc thái, Harlequin đã xuất bản thêm một vài tựa BDSM nữa như Bonds of Trust (tạm dịch: Xiềng xích của lòng tin) trên nhà xuất bản kỹ thuật số của họ, nhà xuất bản Carina.

 Sách Năm mươi sắc thái. Ảnh: AB.

Sách Năm mươi sắc thái. Ảnh: AB.

Yếu tố hài hước

Tính hài hước của Năm mươi sắc thái ít khi được bàn luận đến. Thực tế, yếu tố hài hước trong nghệ thuật khiêu dâm đương đại là một chủ đề hầu như chưa ai khai phá.

Trong Năm mươi sắc thái có nhiều yếu tố khôi hài, dù cố ý hay không. Đây thuộc chủ ý của tác giả. Trong tập một, Năm mươi sắc thái: Xám, hành động đổi email qua lại giữa cặp Anastasia và Christian là tình tiết vui nhộn, bỡn cợt, và hóm hỉnh.

Việc viết email cho phép nhân vật thể hiện được cá tính cùng những khát khao, nhu cầu một cách cởi mở hơn so với những cuộc nói chuyện trực tiếp. Nó cũng mở ra không gian cho nhân vật Anastasia thể hiện sự tự chủ về tình dục (sexual agency). Bên cạnh đó, những email cũng cho thấy tính kích thích của những cuộc trao đổi trí tuệ thú vị.

Việc trao đổi thư từ qua lại này là một chi tiết rất gợi tình nhưng lại bị xem nhẹ trong cuốn tiểu thuyết. Những phân đoạn hài hước giúp cân bằng lại câu chuyện trung tâm là cuộc xung đột giữa nhu cầu tìm kiếm một người tình dịu dàng, biết đồng cảm của Anastasia với nhu cầu thống trị và thực hành bạo dâm của Christian.

Văn học Victoria: Phiên bản khiêu dâm

Anastasia đã tinh nghịch so sánh cô với Tess ngây thơ và Christian là Alec dâm đãng, những nhân vật trong tiểu thuyết Tess of the d’Urbervilles (The pure woman, bản dịch tiếng Việt: Người tình đầu tiên, người yêu sau cùng) của Thomas Hardy, một tiểu thuyết thời Victoria mà Năm mươi sắc thái: Xám thường trích dẫn. Những nhân vật thời Victoria bỗng trở thành thời thượng trong dòng văn học khiêu dâm.

Thực tế, những tiểu thuyết kinh điển thế kỷ 19 kể về cuộc tình giữa các thiếu nữ trẻ với những người đàn ông lớn tuổi giàu có đều có những phiên bản truyện khiêu dâm ăn theo. Lấy cảm hứng từ thành công của Năm mươi sắc thái, người ta đã thêm vào những nội dung dâm dật và đặt những nhan đề như là Pride and Penetration (Kiêu hãnh và Đâm thọc) hay Jane Eyrotica (kết hợp giữa tên tiểu thuyết gốc Jane “Eyre” và từ “Erotica” - Khiêu dâm).

Trong cuốn Jane Eyre Laid Bare của Eve Sinclair, Jane là một nhân vật lưỡng tính tò mò về tình dục, nhân vật lấy cảm hứng từ Jane Eyre của Charlotte Bronte (1847), người đã phải lòng Rochester đen tối và bí ẩn, một nhân vật rõ ràng lấy nguyên mẫu từ Christian Grey.

Tính hài hước trong tiểu thuyết đã thêm phần nhẹ nhàng cho những nhân vật thời Victoria (vốn được coi là những người đứng đắn nhất) và hành động làm tình của họ: cảnh làm tình trên lưng ngựa dưới mưa, một phần vì nó có dòng chữ “bạn đọc thân mến”, chắc chắn sẽ tạo ra những tiếng cười khúc khích và hồi hộp từ những độc giả đã quen thuộc với tiểu thuyết gốc.

Trong khi Bronte quen lối viết: “Thưa độc giả, tôi đã kết hôn với anh ấy. Chúng tôi có một đám cưới lặng lẽ: chỉ anh và tôi, cùng mục sư và thư ký”, thì Sinclair lại khác: “Và sau đó, thưa độc giả thân mến, anh ấy đặt đôi bàn tay mạnh mẽ của mình dưới mông tôi rồi nhẹ nhàng nâng tôi lên như thể tôi chẳng nặng hơn một con chim...".

Lê Nguyên Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-muoi-sac-thai-cua-truyen-khieu-dam-post1407126.html