Năm Mão nói chuyện Mèo

Từ xa xưa, văn hóa phương Đông có những quan niệm thú vị về 12 con giáp. Nó không chỉ dùng để biểu thị các chu kỳ tuần hoàn của thời gian mà còn khắc họa những dấu ấn đậm nét trong đời sống tâm linh của con người. Năm 2023, hổ (Dần) nhường ngôi cai quản thời gian lại cho mèo (Mão).

1. Theo sinh vật học, mèo là động vật có vú, nhỏ nhắn và chuyên ăn thịt, sống chung với loài người, được nuôi để săn vật gây hại hoặc làm thú nuôi cùng với chó nhà. Mèo nhà sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm, hiện nay là con vật cưng phổ biến trên thế giới.

Mèo sống gần gũi với con người và là con vật cưng phổ biến

Mèo sống gần gũi với con người và là con vật cưng phổ biến

Mão hay Mẹo là 1 trong 12 chi của Địa chi, thông thường được coi là địa chi thứ tư, đứng trước nó là Dần, đứng sau là Thìn. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên (gồm Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc), Nhật Bản thì Mão tương ứng với thỏ, còn tại Việt Nam tương ứng với mèo.

Mèo là 1 trong 12 con giáp

Mèo là 1 trong 12 con giáp

Mèo là 1 trong 12 con giáp, có mặt trong đời sống, đồng thời cũng có mặt trong đời sống văn hóa dân gian như một nhân vật không thể thiếu đối với con người. Nó là nguyên nhân xuất xứ của bức tranh dân gian “đám cưới chuột”, là tứ thơ trong bài đồng dao quen thuộc: Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo; câu ca dao Con mèo con mẻo con meo, muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà. Mèo cũng là nguồn cảm hứng của nhiều câu chuyện cổ tích và chuyện cười Việt Nam. Đặc biệt, mèo có mặt trong nhiều câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ ở nước ta: Ăn no rồi lại nằm mèo (chê kẻ lười biếng); Mèo già hóa cáo (chỉ những kẻ sống lâu ở một nơi, lợi dụng sự hiểu biết nơi ấy mà làm bậy); Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang (lời nói dị đoan, chưa có căn cứ); Mèo mả gà đồng (chỉ những kẻ vô lại và gái lẳng lơ sống lang thang và làm bậy); Mèo nhỏ bắt chuột con (ý nói khả năng đến đâu thì làm đến đó, miễn là có kết quả); Mèo tha miếng thịt thì đòi, kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng (ý nói chỉ dám bắt nạt kẻ yếu, còn kẻ mạnh làm gì cũng phải chịu);...

Trong lịch sử nước ta, có nhiều nhân vật nổi tiếng tuổi Mão. Đó là Trần Nhật Duật (Ất Mão, 1225-1331): Danh tướng đời Trần, chiến thắng trận Hàm Tử (năm 1285), giỏi nhiều tiếng các dân tộc ít người; Phạm Ngũ Lão (Ất Mão, 1255-1320): Tướng giỏi đời Trần, người Hải Dương, con rể Trần Hưng Đạo; Trần Quốc Toản (Đinh Mão, 1267-1285): Người anh hùng trẻ tuổi chống giặc Nguyên, nổi tiếng với giai thoại bóp nát quả cam vì phẫn chí ở hội nghị Bình Than, được truy tặng Hoài Văn Vương; Mạc Đăng Dung (Quý Mão, 1483-1541): Nổi tiếng về đô vật, làm quan lật đổ nhà Lê, lập ra nhà Mạc từ năm 1527; Nguyễn Công Hoan (Quý Mão, 1903-1977): Nhà văn hiện thực xuất sắc, nổi tiếng về truyện ngắn.

2. Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi, tại sao một loài vật nuôi hiền lành, gần gũi với con người nhưng lại bị xem là mang đến những điều không may? Đầu tiên, xét về lịch sử có thể thấy, trong hầu hết các nền văn hóa phương Tây, mèo, nhất là mèo đen thường được coi là biểu tượng của điềm xấu. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể trong quá trình du nhập văn hóa, nỗi sợ này đã ảnh hưởng đến quan niệm của người Việt. Tiến sĩ Hoàng Thị Yến, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bài viết Kiêng kỵ trong tín ngưỡng dân gian của người Hàn và người Việt (qua tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp là vật nuôi) đã dẫn chứng “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Bà cho rằng, nguyên nhân là do tiếng kêu của mèo gần giống với chữ “nghèo”.

Từ xa xưa đã có nhiều câu chuyện thú vị về mèo trong văn hóa dân gian

Từ xa xưa đã có nhiều câu chuyện thú vị về mèo trong văn hóa dân gian

Dù tín ngưỡng dân gian của người Việt vùng Tây Nam bộ có phần kiêng kỵ mèo lẫn sử dụng hình ảnh của loài mèo vì mang đến điềm gở, tuy nhiên, ở một vài trường hợp, hình ảnh mèo lại được sử dụng với ý nghĩa tích cực. Sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ do Giáo sư Trần Ngọc Thêm chủ biên có nhắc đến trường hợp “Ông Đạo Dừa” - Nguyễn Thành Nam. Ngoài nổi tiếng là công tử miệt vườn Bến Tre từng đi du học Pháp nhưng sau đó bỏ đi tu, chỉ ăn trái cây chủ yếu là dừa, mỗi năm tắm một lần, “Ông Đạo Dừa” còn có sở thích đặc biệt là nuôi nhiều mèo và chuột chung một lồng. Ông lý giải đạo của mình chủ trương lấy tình thương để khuyến dụ và cảm hóa mọi người, khuyến khích người đời sống tôn trọng lễ nghĩa và yêu thương nhau, cư xử hòa nhã với nhau. Hình ảnh mèo và chuột sống chung được các nhiếp ảnh gia thời đó ghi lại như một thông điệp chứng minh rằng hai kẻ đối nghịch như mèo và chuột vẫn có thể chung sống hòa bình với nhau.

3. Từ xa xưa, mèo đã đi vào đời sống văn hóa dân gian và ngày nay, mèo vẫn hiện diện trong nhiều gia đình. Khoa học thú y tiến bộ, nhiều nhà nuôi mèo chú trọng việc chăm sóc sức khỏe cho mèo, giúp chúng sạch sẽ hơn. Bản thân mèo cũng rất chú trọng đến vệ sinh cơ thể. Ngủ mới thức dậy hay đi dạo về, mèo đều có thói quen “rửa mặt” và làm vệ sinh. Tập tính tốt ấy giúp trẻ em học tập và kết bạn thân thiện. Gương mặt dễ thương, dáng đi uyển chuyển với mông lắc qua lắc lại của mèo làm các bạn nhỏ yêu thích và hát múa theo.

Bạn Lê Nguyễn Hoàng Mai (TP.Tân An) vừa tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, tự nhận bản thân “nghiện” mèo. Vừa đi học, vừa đi làm thêm nhưng Hoàng Mai vẫn dành thời gian chăm sóc 2 “bé” mèo với tên gọi Bí và Bầu. Hoàng Mai bắt đầu nuôi mèo từ khoảng 3 năm nay, thường tham gia các hội yêu mèo để học tập cũng như chia sẻ cách chăm sóc mèo. Hoàng Mai tự tắm, cắt lông, làm patê cho 2 “bé” mèo. “Nhiều người cho rằng nuôi thú cưng, nhất là mèo thì vất vả nhưng tôi lại cảm thấy vui, chỉ cần có sự kiên nhẫn và tình yêu thương sẽ làm được. “Bé” mèo đầu tiên tôi nuôi là do bạn nhặt được, nó bị tai nạn ở chân, gần đây bị đứt dây chằng nên trật khớp, tôi vừa đưa đi phẫu thuật về. Hai “bé” mèo tôi nuôi rất ngoan” - Hoàng Mai chia sẻ.

“Bé” mèo được bạn Lê Nguyễn Hoàng Mai nuôi dưỡng

“Bé” mèo được bạn Lê Nguyễn Hoàng Mai nuôi dưỡng

Hoàng Mai lập 2 trang Facebook để cập nhật những clip, ghi lại hình ảnh đáng yêu, thói quen sinh hoạt của 2 “bé” mèo. Không những vậy, Hoàng Mai còn mua quần áo, các phụ kiện, làm sinh nhật cho mèo,...

Trong một lần chạy xe trên đường về nhà, ngang qua Quốc lộ 62, thuộc địa bàn huyện Thạnh Hóa, anh Lê Hoàng Linh (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) nhặt được một con mèo hoang bị bệnh. Với tình yêu thương động vật, anh đem về nuôi và bổ sung vào đàn mèo của gia đình. Anh Hoàng Linh cho biết, chỉ cần trông thấy đôi mắt tròn xoe hay tiếng kêu “meo meo” phát ra từ đằng xa cũng đủ để những người yêu mèo cảm thấy yêu đời đến lạ. Mèo có sự hồn nhiên, tinh nghịch đáng yêu. Những ngày ở nhà, anh tự tay làm vệ sinh, cho mèo ăn uống và nhẫn nại chụp đủ góc cạnh để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của con vật nhỏ này.

Xuất phát từ đặc tính cơ bản của mèo mà trong văn hóa dân gian suy luận rằng: Người tuổi Mão thường nhu mì, thanh lịch và kín đáo. Tuổi này nhiều tài năng, có tham vọng, dễ thành công nhờ tính nết mềm dẻo và lòng kiên nhẫn./.

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nam-mao-noi-chuyen-meo-a148242.html