Năm Giáp Thìn ngắm những màn múa rồng đặc sắc

Những năm gần đây, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, nhất là bộ môn múa rồng phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng. Các màn múa rồng không chỉ xuất hiện trong lễ hội mà còn được trình diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn.

Rồng là một con vật linh thiêng trong quan niệm của người Việt, còn múa rồng là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhân dịp Tết Giáp Thìn, Báo Sức khỏe & Đời sống xin gửi tới độc giả hình ảnh những màn múa rồng đặc sắc.

Rồng - linh vật tượng trưng cho sự cao quý và uy quyền của bậc vua chúa, gắn liền với các truyền thuyết của văn hóa Việt Nam, đã được cha ông ta tìm tòi phát triển thành nghệ thuật múa rồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.

Qua các tài liệu nghiên cứu, múa rồng có từ thế kỷ thứ 10, thời Lý. Ngày nay tại làng Đông Sàng, xã Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội), mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” quê hương của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, khi tổ chức lễ hội truyền thống đều có múa rồng, rước vua về làng. Ngoài ra, trong các dịp hội hè, lễ Tết, trên đất Thăng Long xưa đâu đâu cũng có múa rồng.

Nếu múa lân - sư chỉ cần có 2 người thì múa rồng cần từ 10-20 người. Có con rồng dài vài chục mét và cũng có những con không quá 5m.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ngày nay có ít nhất hơn 30 điệu múa rồng chính thức, xuất hiện ở nhiều địa phương, trong đó tiêu biểu như điệu: Bàn long, Thủy ba, Phong đằng, Phong chuyển, Phi long, Chồng tháp, Dao bãi, Thanh long xuất trận, Long quá vũ môn, Hoàng long chúc phúc, Kim long xuất động, Hồng long đảo thủy, Uyên ương dạ quang long, Dạ quang long (con Rồng cháu Tiên)...

Múa rồng đòi hỏi người múa luyện tập rất công phu mới có thể phối hợp nhịp nhàng khi rồng uốn lượn, rồng phóng tới, rồng đảo lại phô diễn thần oai.

Để điệu múa đẹp, hấp dẫn, người múa thể hiện nhiều động tác uyển chuyển, linh hoạt biểu lộ nhiều cung bậc cảm xúc, hòa quyện trong tiếng trống giục giã, sôi động.

Múa rồng là sự kết hợp nhuần nhuyễn của một tập thể do vậy họ phải luyện tập thường xuyên mới có thể tạo nhiều tư thế đẹp như: Rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc...

Một trong những cái nôi phát triển loại hình múa rồng là đất Thăng Long xưa. Bởi đất Thăng Long là nơi rồng hội tụ, bay lên.

Ngày càng có nhiều câu lạc bộ múa rồng được thành lập và phát triển.

Những màn trình diễn dân gian này vừa góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, vừa góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nam-giap-thin-ngam-nhung-man-mua-rong-dac-sac-16924020921523318.htm