Nam Định: phòng, chống đuối nước ở trẻ em trong dịp hè

Phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh luôn được ngành giáo dục và các cấp, các ngành quan tâm. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em, học sinh trước tai nạn đuối nước là việc không dễ .

Mùa hè là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước trẻ em gia tăng do trẻ em bước vào kỳ nghỉ hè. Vì vậy các gia đình cần nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ nhỏ.

Mỗi khi mùa hè đến, thời tiết oi nóng, học sinh được nghỉ hè nên các em thường rủ nhau ra ao, hồ, sông ngòi,... để tắm, đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ việc đuối nước gia tăng, để lại nỗi đau lớn cho gia đình và cộng đồng. Chí nh vì vậy, các gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng tránh đuối nước cho con em mình trong dịp hè.

Đuối nước là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với trẻ em. Ảnh minh họa

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra giải quyết các vụ liên quan đến đuối nước, Công an tỉnh Nam Định đã nhận thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đuối nước ở trẻ em, trước hết là do sự nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng tránh tai nạn đuối nước chưa cao, nhất là ở khu vực nông thôn; cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước; sự quan tâm, giám sát không đầy đủ của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đuối nước ở trẻ em tăng cao.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, ao, hồ trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, chưa được dậy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Cũng phải kể đến một thực trạng đó là: khi các em có 1 người bị đuối nước và đã cứu lẫn nhau, nhưng do các em chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước nên dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.

Để phòng tránh tai nạn đuối nước và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại từ các vụ việc đuối nước, Công an tỉnh Nam Định khuyến cáo:

- Gia đình và nhà trường cần dạy cho trẻ em biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài biển, sông, ao hồ,… mà không có người lớn biết bơi đi kèm và phao bơi an toàn.

- Các cơ quan chức năng cần bố trí các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để bảo đảm an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: sông, ao, hồ, hố sâu, thác nước, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm.

- Gia đình và nhà trường tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em, trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước.

- Phụ huynh (người lớn) cần trang bị cho mình về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật đường thở,… để có thể sơ cứu người bị đuối nước.

Ánh Tuyết

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nam-dinh-phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-trong-dip-he.html