Nam Định: Hình ảnh thú vị bên trong làng nghề thổi thủy tinh Xối Trì

Trải qua bao nhiêu thời gian, đến nay một số hộ gia đình làng nghề thổi thủy tinh Xối Trì (huyện Nam Trực, Nam Định) vẫn giữ lửa nghề.

Làng nghề thổi thủy tinh Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) từng được biết đến là nghề chính, kiếm ra tiền vào những năm 1980. Thời đó, cả làng Xối Trì ước khoảng có 40 hộ gia đình theo nghề này. Họ chủ yếu sản xuất các sản phẩm thủy tinh như chai, lọ, cốc uống bia, đèn dầu, bóng đèn, bình be,… những sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Trung bình mỗi ngày, làng nghề sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng nghìn sản phẩm thủy tinh được làm thủ công. Vậy nhưng, những năm trở lại đây, xã hội ngày càng phát triển, nhiều ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn nên số xưởng sản xuất sản phẩm thủy tinh ở làng nghề Xối Trí giảm dần đi.

Hiện nay, làng nghề chỉ còn vài xưởng vẫn hoạt động và đỏ lửa. Đa số trong xưởng đều là những lao động lớn tuổi, gắn bó với nghề thổi thủy tinh cả chục năm nay.

Theo những người thợ ở làng nghề cho biết, nguyên liệu sản xuất cốc thủy tinh gồm các mảnh thủy tinh vỡ vụn, mảnh sành được thu mua ở những cơ sở làm kính.

Nguyên liệu được phân loại sạch sẽ trước khi đưa vào lò nung nóng. Thường một mẻ thủy tinh được nấu và ủ trong khoảng thời gian từ 5 - 7 tiếng đồng hồ. Nhiệt độ đạt hơn 1.800 độ C thì những mảnh thủy tinh sẽ tan chảy thành thể lỏng.

Thợ thổi thủy tinh lúc này cầm ống sắt lấy thủy tinh và bắt đầu thổi theo những khuôn hình chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước,… có sẵn.

Để sản xuất không bị gián đoạn, mỗi dây chuyền sản xuất cốc thủy tinh có 5 thợ thổi hơi tạo dáng cốc, 1 thợ cắt miệng cốc, 1 thợ ủ tro để cốc nguội từ từ.

Mỗi người thợ sẽ dùng chiếc ống kim loại dài khoảng 2m, lấy thủy tinh nóng chảy từ trong lò ra, liên tục lăn khối thủy tinh đó trên bề mặt phẳng đã bôi chút mỡ để tạo độ trơn, nhẵn, bóng và tạo khối trụ cho chiếc cốc.

Sau đó, người thợ dùng miệng thổi vào một đầu ống thổi khối thủy tinh đang nóng chảy để giãn nở theo ý muốn và nhanh chóng đưa khối thủy tinh vào khuôn.

Sản phẩm được định hình trong khuôn lập tức được chuyển sang máy thổi giảm nhiệt rồi mới đến khâu cắt miệng. Các sản phẩm sẽ được cắt tùy theo mẫu mã.

Người thợ cắt miệng sản phẩm mới làm ra ngồi bên bếp lửa nóng rực, có trách nhiệm thực hiện công đoạn cắt mép, làm tròn miệng nếu là cốc. Tiếp đến, người thợ khác sẽ đưa những sản phẩm hoàn chỉnh còn nóng rực đi ủ nguội bằng tro sạch, với mục đích để sản phẩm không bị nứt, nẻ đột ngột.

Phần cuối, công việc đóng gói cốc thủy tinh thường nhẹ nhàng, đỡ vất vả nên chủ yếu là lao động nữ, lớn tuổi đảm nhận việc này.

Những người thợ làm thủ công ở thôn Xối Trì thường làm theo đơn đặt hàng nên không cố định về sản phẩm, mặt hàng chủ yếu là cốc, chén, lọ hoa, bóng đèn,...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Video: Bên trong làng nghề trống da trâu gần 300 năm tuổi ở Nam Định

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-dinh-hinh-anh-thu-vi-ben-trong-lang-nghe-thoi-thuy-tinh-xoi-tri-172231112171831257.htm