Nam Định: 'Ám ảnh' vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan bờ ruộng, kênh mương

Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu để bảo vệ cây trồng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, cần tuyên truyền người dân thực hiện phong trào thu gom, xử lý bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người.

Video: "Ám ảnh" vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan ven bờ ruộng, kênh mương ở Nam Định

Việt Nam là một đất nước khí hậu nhiệt đới, có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật góp phần nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Thậm chí, nhiều loại nông sản đã phải mang tiếng trên thị trường quốc tế vì có tồn dư thuốc trừ sâu quá mức cho phép.

Thay vì canh tác, phát quang ruộng vườn trước khi vào vụ mới bằng các dụng cụ nông nghiệp, người nông dân ở nhiều địa phương lại sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để rút ngắn thời gian và diệt cỏ cho nhanh chóng. Việc làm này thực sự gây ô nhiễm môi trường, đi ngược lại với chính sách sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng đến sản phẩm nông sản sạch, an toàn.

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất đem lại sự lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến môi trường, đến chất lượng nông sản cũng như sức khỏe của con người. Đặc biệt, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Việc chăn nuôi càng khó khăn vì trâu bò ăn phải cỏ dính thuốc sẽ đau bụng, gầy yếu.

Thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng ngấm vào đất, hòa vào nước, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt mà cả nước ngầm, sau đó tích tụ trong động vật thủy sinh. Nếu con người ăn thịt của những loài động vật này, cơ thể sẽ bị nhiễm hóa chất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật hiểm nghèo.

Trước đó, thông tin trên báo chí, theo thống kê của cơ quan chuyên môn tỉnh Nam Định, hằng năm trên địa bàn tỉnh ước tính sử dụng hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, do vậy lượng vỏ, bao, gói thuốc này sử dụng rất lớn. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong hệ thống các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cho cây trồng.

Tuy nhiên, vì yếu tố an toàn nên một lượng lớn bao bì thuốc bảo vệ thực vật (loại túi) được làm từ nhựa, nilon rất khó phân hủy, cần được xử lý theo quy trình kỹ thuật chuyên môn mới đảm bảo an toàn. Sau khi lấy thuốc sử dụng, vẫn còn tồn dư một lượng thuốc bảo vệ thực vật nhất định bám vào thành túi. Nếu bao, túi, lọ này bị vứt bừa bãi ra môi trường đồng ruộng, số thuốc dư đó bị khuếch tán vào không khí, nước tưới, nước mưa và thấm qua đất vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái.

Trong khi đó, nhiều người làm ruộng vẫn còn xem bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật như các loại rác thải thông thường nên thường tiện tay vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, bờ ruộng. Có người "cẩn thận" xử lý bằng cách tự đốt hoặc tiêu hủy theo cách chôn lấp thủ công cũng làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do nhận thức, thói quen của người nông dân ở một số nơi còn hạn chế nên vẫn còn một lượng nhỏ bao gói thuốc sau sử dụng chưa được thu gom, xử lý đúng cách. Vẫn còn tình trạng người dân vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định, súc rửa dụng cụ sau khi phun thuốc ngay ở kênh, mương gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước và sức khỏe cộng đồng.

Ghi nhận của phóng Gia đình và Xã hội, nhiều cánh đồng ở xã Tân Khánh, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cho thấy, hiện nay có nhiều vỏ chai, vỏ bao bì thuốc trừ sâu, diệt cỏ, trừ rầy,... (thuốc bảo vệ thực vật) đã qua sử dụng vứt tràn lan trên kênh, mương. Chính những việc làm này, người dân vô tình đang tự làm hại chính mình bằng chất kịch độc mà ít người biết.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận sáng ngày 30/4:

Vụ lúa Xuân đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh và cũng là giai đoạn cao điểm gây hại của bệnh đạo ôn lá. Trước tình hình đó, người dân đã tập trung phòng trừ bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình trạng vỏ thuốc bị vứt bừa bãi trên đồng ruộng.

Rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh vỏ thuốc bảo vệ thực vật vương vãi dọc bờ kênh mương, bên bờ ruộng ở xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Không chỉ vứt ở trên mặt đất, ngay dưới các mương thủy lợi cũng là địa điểm để người dân vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật.

Thậm chí, một số điểm còn là nơi vứt rác thải sinh hoạt ở bờ ruộng, ven mương nước - (trên ảnh thuộc xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản).

Cách đó không xa, cánh đồng thôn Khu Thôn, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản vỏ thuốc bảo vệ thực vật cũng vứt vô lối, các bể dựng vỏ chai, bao bì lộ thiên được người dân để đầy tràn ra ngoài đường.

Thuốc bảo vệ thực vật chứa nhiều chất độc đến kịch độc, chỉ cần dính đến có thể gây choáng, buồn nôn.

Bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật lâu phân hủy, gây độc hại cho đồng ruộng. Một lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa sau khi sử dụng đã ngấm vào đất, nước gây ô nhiễm ruộng đồng.

Dù đây là loại rác thải nguy hại, cần được xử lý đúng quy định, song rất nhiều người sau khi sử dụng đã vô tư vứt bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật lại trên chính đồng ruộng của mình.

Khi những hóa chất này ngấm vào đất, nước hoặc phát tán trong không khí sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người tiếp xúc. Ngoài ra, các loại vỏ thuốc làm từ nhựa, nilon khó phân hủy, khi lẫn vào đất gây cản trở sự phát triển của cây trồng.

Bên cạnh đó, người dân cũng pha chế thuốc ngay cạnh mương nước thủy lợi, vỏ sau khi cắt được vứt luôn tại chỗ không thu gom xử lý.

Đáng chú ý, sau khi phun xong người nông dân rửa đồ dùng ngay tại kênh mương.

Phun thuốc bảo vệ thực vật không mặc đầy đủ đồ bảo hộ, tiềm ẩn nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào người ảnh hưởng đến sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

Việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ tuy giảm công lao động, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến chính sức khỏe người sử dụng, ảnh hưởng đến khu dân cư, gây ngộ độc cho gia súc, gia cầm và gây ô nhiễm môi trường. Thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng ngấm vào đất, hòa vào nước, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt mà cả nước ngầm, sau đó tích tụ trong động vật thủy sinh.

Đáng lo ngại nhiều đám ruộng nằm gần khu dân cư, nằm gần ao hồ nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi.

Để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng địa phương cần tuyên truyền bà con đưa rác thải sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định.

Từ đó, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, nâng cao đời sống của nông dân, tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng do việc sử dụng thuốc trừ cỏ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Video: Sông, kênh mương xung quanh làng nghề tái chế nhôm ở Nam Định đặc quánh, bốc mùi

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-dinh-am-anh-vo-thuoc-bao-ve-thuc-vat-vut-tran-lan-bo-ruong-kenh-muong-172240430163919826.htm