NĂM ĐẦU TIÊN THỰC HIỆN GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THEO NGHỊ QUYẾT 560/NQ-UBTVQH15: THỐNG NHẤT TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội triển khai giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua giám sát đã kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục, làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Năm đầu tiên thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560, tạo sự thống nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

Thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Nghị quyết số 560), Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi Báo cáo số 2441/BC-TTKQH ngày 5/6/2023 tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, kỳ giám sát này kéo dài thêm nửa năm (bắt đầu từ ngày 01/7/2021 đến ngày 31/12/2022). Việc giám sát được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thông qua các hình thức như: nghiên cứu, xem xét, đánh giá đối với từng văn bản về thể thức văn bản, thẩm quyền ban hành văn bản, nội dung, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất… của văn bản; xem xét báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kết hợp hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật với hoạt động giám sát chuyên đề, tổ chức phiên giải trình và có đánh giá đối với các văn bản trong lĩnh vực được giám sát, giải trình.

Năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội triển khai giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15.

Năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội triển khai giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15.

Nhìn chung, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội trong kỳ giám sát năm 2022 cơ bản thực hiện đúng theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 560. Thông qua hoạt động giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã phát hiện nhiều nội dung được giao quy định chi tiết trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được ban hành; một số trường hợp ban hành chưa tuân thủ đúng các quy định về thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật; một số văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật; qua đó, đã kiến nghị cơ quan ban hành văn bản có biện pháp sửa chữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Tuy nhiên, qua báo cáo cho thấy, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan chưa được quan tâm đúng mức; việc tiến hành giám sát chưa đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục theo dõi, rà soát, phát hiện, xử lý và chủ yếu dựa trên cơ sở báo cáo của cơ quan ban hành văn bản; chưa chủ động phát hiện và kịp thời kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 560, nên nội dung báo cáo và số liệu giám sát văn bản của một số cơ quan của Quốc hội còn chưa theo đúng Đề cương báo cáo ban hành kèm theo Nghị quyết số 560, thời gian gửi báo cáo chưa bảo đảm; do đó, đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổng hợp, thống kê, xây dựng báo cáo. Theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, mặc dù đã có công văn đôn đốc, nhưng vẫn còn một số cơ quan thuộc đối tượng giám sát chậm hoặc chưa có báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực.

Báo cáo số 2441/BC-TTKQH cũng đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế: Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng đi vào nền nếp và đạt được kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 560 đã hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Qua giám sát đã phát hiện một số văn bản ban hành chậm hoặc chưa được ban hành, văn bản có nội dung chưa hợp pháp, chưa đúng thẩm quyền, hình thức, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, từ đó có kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục, làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao sự quan tâm, tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong công tác chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc tổ chức triển khai xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được giao quy định chi tiết thuộc chức năng quản lý nhà nước của mình, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; nhất là việc nghiêm túc nghiên cứu thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội chỉ ra qua hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

So với kỳ giám sát trước đây thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2022 đã có sự chuyển biến khá tích cực, đạt những kết quả quan trọng. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết có xu hướng giảm dần. Hệ thống văn bản quy pháp luật trên nhiều lĩnh vực cơ bản được hoàn thiện. Nhiều nội dung trước đây quy định trong các văn bản quy phạm dưới luật đã được điều chỉnh đưa vào quy định trong các luật, pháp lệnh, tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện và chấp hành pháp luật, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo cũng chỉ rõ, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung giao trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục triệt để. Hình thức văn bản của một số văn bản quy định chi tiết còn chưa phù hợp, không đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan còn chưa được quan tâm đúng mức; Tình trạng cơ quan soạn thảo chưa chủ động gửi văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành đến các cơ quan của Quốc hội để giám sát là khá phổ biến…

Sau kỳ giám sát năm 2021, vẫn còn 27 nội dung phải quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được ban hành.

Kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát trong các Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, về cơ bản, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) và các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát năm 2021; quan tâm hơn đến công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự chuyển biến tích cực; việc sửa đổi, bổ sung văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đã được thực hiện; đã tiến hành hủy bỏ, thay thế các văn bản đã hết hiệu lực thi hành để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật; thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của Quốc hội.

Qua giám sát cho thấy, về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi giám sát đã được ban hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Qua giám sát cho thấy, về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi giám sát đã được ban hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, sau kỳ giám sát năm 2021, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành đã ban hành thêm được 42 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật, 01 pháp lệnh, 01 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tồn đọng từ trước; sửa đổi, bổ sung 02 văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; ban hành 01 văn bản để công bố 14 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, vẫn còn 27 nội dung phải quy định chi tiết thi hành của 16 luật, 02 pháp lệnh, 01 nghị quyết chưa được ban hành và 15 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế.

Năm 2022: Nhiều văn bản ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, báo cáo số 2441/BC-TTKQH đã nêu rõ: nhìn chung đa số văn bản quy định chi tiết thi hành được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhưng theo thống kê, trong số 354 văn bản được giám sát, có 85 văn bản ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; trong đó: văn bản chậm ít nhất là 05 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là hơn 08 năm, một số văn bản chậm từ 03 đến 04 năm. Theo thống kê, có 44 điều, khoản thuộc 37 luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản.

Ngoài ra, theo thống kê của các cơ quan của Quốc hội, còn một số nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định chi tiết trong các luật, nghị quyết nhưng chưa được ban hành. Ví dụ như: Nghị quyết rà soát các quy định hiện hành về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; nghị quyết quy định về trình tự tiến hành việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân…

Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội đã phát hiện và kiến nghị xử lý 06 nghị định của Chính phủ, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 01 thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có dấu hiệu trái pháp luật.

Qua giám sát cũng cho thấy, có 03 văn bản chưa bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả, khả thi; cụ thể là: 01 nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về Ưu đãi đầu tư đặc biệt có những nội dung không thật sự đúng tinh thần luật, khó quản lý thực hiện và chưa phù hợp cam kết quốc tế; 01 nghị quyết của Chính phủ về giảm tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có nội dung không rõ ràng, thiếu nhất quán và gây khó khăn trong thực hiện.

Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi giám sát đã được ban hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan về căn cứ pháp lý, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục, ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo và trình bày văn bản. Tuy nhiên, còn có 01 quyết định của VKSNDTC và 02 quyết định của TANDTC chưa phù hợp về hình thức văn bản; 01 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có nội dung ủy quyền tiếp, chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 01 nghị định của Chính phủ chưa bảo đảm về căn cứ pháp lý ban hành văn bản.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77707