Nam Đàn thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh về 'lấy dân làm gốc'

'Lấy dân làm gốc' là tư tưởng, 'kim chỉ nam' trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy, đã, đang được các cấp ở huyện Nam Đàn thực hành sáng tạo trong công tác nhằm phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân vì sự phát triển của quê hương.

 Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Nam Đàn trao đổi với cán bộ quản lý Trường THCS Long Lâm về công tác xã hội hóa trong trường học. Ảnh: Mai Hoa

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Nam Đàn trao đổi với cán bộ quản lý Trường THCS Long Lâm về công tác xã hội hóa trong trường học. Ảnh: Mai Hoa

Tăng cường lắng nghe góp ý của nhân dân

Vào đầu năm 2024, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện có cuộc đối thoại với nhân dân thị trấn Nam Đàn. Qua đối thoại này, có 11 ý kiến với 33 nội dung phản ánh, đề xuất. Đáng quan tâm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thị trấn về xây dựng đô thị văn minh chưa được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị triển khai, thông tin đầy đủ đến cán bộ, đảng viên và người dân.

Ông Võ Đình Hiền (khối Sa Nam) phản ánh: “Dù đã được nghe tuyên truyền về xây dựng đô thị văn minh qua truyền thanh thị trấn, nhưng người dân chưa biết cụ thể, xây dựng đô thị văn minh thì Nhà nước làm gì, người dân làm gì và có bao nhiêu tiêu chí đô thị văn minh?". Một số người dân cũng thẳng thắn bày tỏ sự chưa hài lòng về phương pháp, cách làm của cấp ủy, chính quyền thị trấn chưa quyết liệt, sáng tạo trong câu chuyện này.

 Quang cảnh hội nghị đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy Nam Đàn với cán bộ, nhân dân thị trấn Nam Đàn. Ảnh: CSCC

Quang cảnh hội nghị đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy Nam Đàn với cán bộ, nhân dân thị trấn Nam Đàn. Ảnh: CSCC

Sau đối thoại, từ ý kiến góp ý của nhân dân và sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy Nam Đàn gắn trách nhiệm đối với cán bộ chủ chốt, cả hệ thống chính trị thị trấn đã vào cuộc, xác định những việc cần làm để triển khai gắn với thông tin tuyên truyền đến người dân. Trọng tâm là chỉnh trang đô thị với các mô hình nâng cấp đường giao thông, trồng cây xanh, đường cờ, đường hoa, xây dựng bảng biểu tuyên truyền, vệ sinh môi trường… Bởi vậy, trên địa bàn thị trấn lần lượt xuất hiện nhiều tuyến đường đạt “sáng, xanh, sạch, đẹp”; hoàn thành 6/9 tiêu chí đô thị văn minh và trong 3 tiêu chí còn lại chỉ còn 5 nội dung tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành trong năm 2024.

 Nhà văn hóa khối Bắc Thung, thị trấn Nam Đàn được đầu tư khang trang. Ảnh: Mai Hoa

Nhà văn hóa khối Bắc Thung, thị trấn Nam Đàn được đầu tư khang trang. Ảnh: Mai Hoa

Cũng qua hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã Nam Lĩnh đã đổi mới phương thức, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính nêu gương của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị trong xử lý các vấn đề, nội dung khó.

Đồng chí Đinh Thị Hiền – Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Lĩnh nêu quan điểm: “Những khó khăn, vướng mắc của địa phương, hơn ai hết chính cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương hiểu rõ. Cho nên nhận thức và tư tưởng chỉ đạo của cấp ủy là phải chính cán bộ, công chức tìm giải pháp để giải quyết. Giải pháp được ưu tiên là công tác tuyên truyền, vận động, huy động nhân dân vào cuộc. Việc tuyên truyền được chia theo từng cụm dân cư, tuyến đường, nhóm hộ, tuyên truyền đơn lẻ đối với những trường hợp chưa có sự đồng thuận. Nhờ cách làm đó, từ xã về đích nông thôn mới cuối cùng huyện Nam Đàn (năm 2017), xã Nam Lĩnh đã vượt lên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023 với nhiều tiêu chí bền vững và hiện đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.

 Tuyến đường do dân tự bàn, tự đóng góp và xây dựng tại xã Nam Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Tuyến đường do dân tự bàn, tự đóng góp và xây dựng tại xã Nam Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Từ lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân để điều chỉnh, đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, theo đồng chí Trần Thị Hiên – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn: Hoạt động đối thoại cũng là diễn đàn để đưa các chủ trương, chính sách và giải pháp chỉ đạo của các cấp đến với cơ sở và người dân một cách cụ thể, sâu sắc hơn; đồng thời các cấp cũng thấu hiểu hơn khó khăn, bức xúc của cơ sở, của người dân để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ, vừa thúc đẩy sự phát triển chung, vừa tránh những bức xúc nảy sinh ở cơ sở.

 Đồng chí Trần Thị Hiên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập xã giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh tư liệu: Hồng Sương

Đồng chí Trần Thị Hiên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập xã giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh tư liệu: Hồng Sương

Thực tiễn, qua đối thoại, có những địa phương vướng mắc về hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là thủ tục liên quan đến các trường hợp tồn đọng của người dân; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện đã tăng cường cán bộ về cơ sở vào “Ngày thứ Bảy, Chủ nhật vì dân” để hướng dẫn cán bộ, công chức cơ sở và người dân hoàn thiện thủ tục, đồng thời thẩm định một bước hồ sơ trước khi gửi lên huyện. Hoạt động này góp phần hạn chế việc trả đi, trả lại hồ sơ, ảnh hưởng việc đi lại của người dân, đặc biệt ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra, tạo niềm tin của người dân.

Đặc biệt, sau cuộc đối thoại với hơn 130 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn vào cuối năm 2023, Thường trực Huyện ủy Nam Đàn đã giao các phòng, ngành cấp huyện và các địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, vay vốn, chế độ bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các sản phẩm OCOP mang giá trị kinh tế và lan tỏa lớn trên thị trường.

 Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn tìm hiểu việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP của hợp tác xã tại xã Nam Anh. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn tìm hiểu việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP của hợp tác xã tại xã Nam Anh. Ảnh: Mai Hoa

Hay sau đối thoại với đội ngũ cán bộ, công chức huyện và cơ sở của Thường trực Huyện ủy Nam Đàn đã tạo bước chuyển toàn diện, sâu sắc về tư tưởng, ý thức trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước, trong cán bộ, công chức về công tác cải cách hành chính, nhất là tinh thần, thái độ đối với công việc, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Điều này được minh chứng thông qua xếp hạng cải cách hành chính của huyện tăng hàng năm; từ thứ 16 (năm 2020) lên thứ 14 (năm 2021), thứ 11 (năm 2022) lên thứ 8 (năm 2023), vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, đứng vào tốp 10 cấp huyện toàn tỉnh.

Trong vòng hơn 4 năm (2020 – 2024), Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn đã tổ chức 13 cuộc đối thoại với nhân dân, với 259 ý kiến được đề xuất, trong đó đã giải quyết 253/259 ý kiến, đạt tỷ lệ 98%. Ở cấp xã tổ chức 166 cuộc đối thoại, với 1.912 ý kiến được đề xuất, kiến nghị, trong đó đã giải quyết 1.846/1.912 ý kiến, đạt tỷ lệ 97%.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ở huyện Nam Đàn đã vận dụng một cách sáng tạo trong công tác dân vận thông qua tổ chức các phong trào, mô hình nhằm phát huy quyền làm chủ, sức mạnh của nhân dân để phục vụ chính cuộc sống người dân.

 Thông qua phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hạ tầng và cảnh quan môi trường nông thôn ở Nam Đàn được cải thiện tích cực. Ảnh: Mai Hoa

Thông qua phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hạ tầng và cảnh quan môi trường nông thôn ở Nam Đàn được cải thiện tích cực. Ảnh: Mai Hoa

Nổi bật trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân là xây dựng mô hình tổ tự quản ở cộng đồng dân cư. Tổ tự quản số 2 (xóm 5, xã Nam Thanh) có 21 hộ dân sinh sống trên một tuyến đường dài khoảng 500m. Đây là tổ có nhiều phong trào tiên phong đi đầu không chỉ ở xóm 5 mà còn cả xã Nam Thanh thông qua tự quản. Cụ thể, từ việc tự bàn bạc cùng nhau hiến đất mở đường từ 3 m lên 5,5 m; đóng góp tiền mua nguyên vật liệu, tổ chức thi công đường bê tông; đến làm cột cờ trước mỗi nhà theo một mẫu thống nhất; xây dựng mương thoát nước 2 bên đường có nắp đậy; lắp 2 camera an ninh đầu và cuối đoạn đường trong tổ…

Ông Nguyễn Văn Thông - Tổ trưởng tổ 2 cho biết: Ý thức tự quản về bảo vệ môi trường, về an ninh trật tự, về xây dựng khối đoàn kết của các hộ trong tổ rất tốt. Người dân có ý thức trách nhiệm nhắc nhở nhau bằng sự thân tình để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn; gia đình nào có xích mích hay có hiếu hỉ hoặc gặp khó khăn, các hộ trong tổ đều có ý thức trách nhiệm vì nhau.

Ở tổ tự quản số 3 (xóm 5, xã Nam Anh), chế độ sinh hoạt tổ được duy trì vào ngày 30 hàng tháng, nên mọi thông tin của xã, của xóm được tuyên truyền, triển khai đầy đủ, kịp thời đến người dân. Trong tháng, hộ gia đình nào xả nước sinh hoạt, chăn nuôi, hoặc vận chuyển phân bón để rơi vãi trên đường, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đều được nhắc nhở khắc phục. Tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống giữa các hộ trong tổ được phát huy, hỗ trợ, giúp đỡ được 1 hộ thoát nghèo, đến nay trong tổ không còn hộ nghèo.

 Xã Nam Anh phát huy quyền làm chủ của người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ảnh: Mai Hoa

Xã Nam Anh phát huy quyền làm chủ của người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Duy Thảo - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn cho biết: Mô hình tổ tự quản hoạt động trên tinh thần tự giác của người dân theo từng tuyến, cụm dân cư, dưới vai trò dẫn dắt của những người uy tín do dân lựa chọn đại diện. Thông qua hoạt động của tổ tự quản đã tạo sự kết dính khối đoàn kết thống nhất, “tối lửa tắt đèn” có nhau trong cộng đồng dân cư. Các hộ dân trong tổ cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và hạn chế những mâu thuẫn trong Nhân dân. Đặc biệt từ hoạt động các tổ tự quản đã thúc đẩy kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu trên quê hương Bác Hồ kính yêu thực chất, bền vững, phục vụ chính cuộc sống của người dân.

Toàn huyện Nam Đàn hiện có tổng 1.927 tổ tự quản với 100% hộ gia đình trong toàn huyện tham gia. Trong vòng 5 năm (2018 - 2023), các tổ tự quản đã hòa giải thành công 706 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tự bàn bạc hiến hơn 200 nghìn m2 đất, tự nguyện tháo hơn 30 nghìn mét tường rào, cổng xây; đóng góp gần 273 nghìn ngày công để làm hơn 239 km đường giao thông nông thôn và hơn 376 km đường điện chiếu sáng. Tổng nguồn vận động từ nhân dân trong 5 năm là gần 210 tỷ đồng.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nam-dan-thuc-hanh-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-lay-dan-lam-goc-post289563.html