Nắm bắt cơ hội để phát triển

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 400 hợp tác xã (HTX ) đầu tư sản xuất ở các lĩnh vực: Chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, chế biến thức ăn, sơ chế nông, lâm sản... Ngoài ra còn có nhiều HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả. Đây là kết quả của việc áp dụng các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế HTX thời gian qua.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, sản phẩm của HTX rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã có mặt trong nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, sản phẩm của HTX rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã có mặt trong nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) là một mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Giám đốc HTX chia sẻ: “Triển khai từ năm 2015, với sự giúp đỡ của tỉnh, chúng tôi đầu tư 360m2 nhà màng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, vốn đối ứng của HTX 30%), đến nay HTX đã thực hiện đầu tư thêm ba nhà màng với tổng diện tích hơn 7.000m2, tổng số vốn gần bốn tỉ đồng. Các giống cây được trồng chủ yếu là dưa lưới, dưa chuột, cà chua, các loại rau, củ, quả theo mùa. Bằng hệ thống nhà màng, HTX có thể áp dụng các hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel... Với mô hình này, mỗi năm HTX trồng ít nhất ba vụ, sản lượng đạt khoảng 80 - 90 tấn rau, củ, quả, lợi nhuận 700-800 triệu đồng”.

Không chỉ HTX sản xuất rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, hiện nay, đối với các HTX nông nghiệp, ngoài việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ phát triển, tăng thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương, các thành viên HTX còn có cơ hội được học tập phương thức làm ăn hiện đại, sản xuất bền vững, an toàn. Nhờ đó, nhiều HTX đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, mở rộng cung ứng nhiều dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tổ chức dịch vụ từ đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp.

Chỉ trong năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới 33 HTX, nâng tổng số 414 HTX nông nghiệp đang hoạt động với trên 49.000 thành viên tham gia; doanh thu bình quân cả năm đạt 1.750 triệu đồng, tăng 260 triệu đồng so với năm 2022; lợi nhuận bình quân đạt 55 triệu đồng/HTX/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2022.

Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong các HTX trên 3.900 người, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 3,75 triệu đồng/tháng. Một số cơ sở hoạt động hiệu quả như: HTX nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại (Lâm Thao), HTX nông nghiệp Thượng Nông (Tam Nông), HTX rau an toàn Tứ Xã (Lâm Thao), HTX sản xuất, kinh doanh gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung và dịch vụ tổng hợp (Yên Lập)...

Nhằm “tiếp sức”, hỗ trợ HTX nông nghiệp, năm 2023, Liên minh HTX tỉnh chủ động lồng ghép các nguồn lực thực hiện năm dự án ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; triển khai bốn mô hình hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì, hệ thống tưới, phân bón, giống... của các HTX; trợ giúp các HTX có năng lực tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh như: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi cho tám HTX của các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn...; phối hợp tổ chức tập huấn cho 2.250 lượt học viên là đối tượng cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX về quản trị HTX, nghiệp vụ kế toán, hạch toán và kê khai thuế điện tử; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP cho các HTX, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...

Để các HTX nông nghiệp sản xuất đạt hiệu quả cao, thúc đẩy nhân rộng mô hình các HTX ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, Liên minh HTX và các ngành chức năng tiếp tục có nhiều giải pháp cụ thể về ưu tiên hỗ trợ vốn để các HTX có thể ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích... đặc biệt là lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các HTX, trong đó bố trí vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hàng năm hỗ trợ các HTX nông nghiệp thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện chính sách về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hướng dẫn hỗ trợ các HTX nông nghiệp đăng ký, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nam-bat-co-hoi-de-phat-trien/203485.htm