Năm 2035, Hà Nội di dời trụ sở cơ quan, trường học khỏi nội thành | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội muốn di dời trụ sở cơ quan, trường học không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành trước năm 2035; Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô; Hơn một triệu người hưởng chính sách an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội muốn di dời trụ sở cơ quan, trường học không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành trước năm 2035

Hà Nội đang đặt mục tiêu trước năm 2035, thành phố hoàn thành việc di dời trụ sở các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch ra khỏi các quận nội đô. Nội dung này vừa được thông qua tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội ngày 29/3.

Trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 160.000 người tương đương một huyện lớn. Gia tăng dân số đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị… Chính vì vậy, việc tái cân bằng đô thị thông qua hoạt động di dời nhà máy, trụ sở cơ quan, trường đại học… ra ngoài vùng ven Thủ đô được xem là giải pháp cấp thiết.

Theo TS.KTS. Vũ Hoài Đức - Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Hà Nội, hệ thống công sở của các bộ ngành, Trung ương trên địa bàn Thủ đô hiện nay phần lớn được xây dựng từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước. Vì vậy, hầu hết có vị trí nằm trong các quận nội thành. Bên cạnh yếu tố thuận tiện trong giao dịch công tác, phối hợp giữa các cơ quan, việc hệ thống trụ sở cơ quan nằm xen lẫn trong khu dân cư mật độ cao đã gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và thiếu các dịch vụ đô thị đi kèm. Bên cạnh đó, có tới 1/3 tổng số trường đại học và cao đẳng và 40% tổng số sinh viên cả nước đang ở Hà Nội. Tuy nhiên, mạng lưới trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm như: cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu đào tạo; một lượng lớn sinh viên tập trung vào khu vực nội thành; mô hình đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Như trường Đại học Bách khoa Hà Nội có diện tích 34ha, theo quy hoạch cũ đáp ứng quy mô 2.000 sinh viên vào những năm 60 của thế kỷ XX. Đến nay diện tích đất còn không đầy một nửa trong khi quy mô sinh viên đã gấp 10 lần.

Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Thực trạng chung như thế thật khó để các cơ sở đào tạo hiện nay đáp ứng được mô hình chuẩn của quốc gia và quốc tế. Đồng thời càng khiến cho khu vực trung tâm Hà Nội chịu thêm sức ép về dân số và hạ tầng giao thông đô thị.

Mới đây nhất, Ban Bí thư có Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chỉ thị này một lần nữa yêu cầu phải thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường đại học, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm thành phố.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc di dời trụ sở bộ ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… là vấn đề bức thiết đặt ra từ lâu. Đây là những định hướng nhằm cơ cấu lại đô thị trung tâm của thành phố Hà Nội, phù hợp với yêu cầu mới phát triển cho Thủ đô. Đặc biệt trong Luật Thủ đô cũng đã đặt ra một yêu cầu phải di dời để tạo thuận lợi cho Hà Nội trong việc phát triển kinh tế xanh, văn hiến, văn minh.

Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa báo cáo Thành phố việc rà soát và định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Giai đoạn từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt quốc gia trên địa bàn Hà Nội sẽ được thực hiện theo mô hình hướng tâm và tiếp cận đến các đường vành đai. Các trục hướng tâm Hà Nội sẽ kết nối trực tiếp với đường vành đai, do vậy các tuyến đường sắt quốc gia không tổ chức đi xuyên tâm Thành phố. Với mạng lưới đường sắt trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với UBND TP. Hà Nội về hướng tuyến và ga đầu mối. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ dừng ở ga Ngọc Hồi không đi vào Ga Hà Nội. Ga Hà Nội sẽ được xây dựng theo hướng ga cao tầng và trở thành ga nội đô, có nhiệm vụ là nhà ga kết nối, trung chuyển khách cho các tuyến đường sắt đô thị.

Khu vực ga Hà Nội trên đường Lê Duẩn. Ảnh: Nguoiduatin

Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của hàng không, đường bộ, đường thủy, vai trò của đường sắt đã giảm đi đáng kể. Đồng thời, vị trí đầu mối vận tải đường sắt liên tỉnh nằm sâu trong trung tâm đô thị của ga Hà Nội cũng đã cho thấy nhiều bất cập. Nhưng ga Hà Nội vẫn luôn là đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô với hai tuyến đường sắt đô thị đi qua. Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, đường sắt quốc gia Hà Nội sẽ đi theo các tuyến vành đai phía Đông và phía Tây, kết nối với các ga Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Thạch Lỗi.

Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có tuyến số 3: Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai đi ngầm và tuyến số 1: Yên Viên - ga Hà Nội - Ngọc Hồi đi trên cao. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, dù là đầu mối của đường sắt quốc gia liên tỉnh hay đường sắt đô thị, phục vụ kinh tế - xã hội hay quân sự, ga Hà Nội đều cho thấy vị trí đắc địa, trở thành lựa chọn hàng đầu đối với Thủ đô.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, khi trở thành ga đường sắt đô thị, ga Hà Nội sẽ được đặt trong một tổng thể kiến trúc đô thị đặc trưng. Sẽ có nhiều đường đi bộ, hướng kết nối cho xe cơ giới, các khu vực kinh doanh thương mại. Cần tính toán sao cho nét kiến trúc cũ của nhà ga hài hòa, không lạc lõng với xung quanh.

Hơn một triệu người hưởng chính sách an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản

Đây là thông tin mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra trong báo cáo đánh giá các kết quả đã thực hiện trong triển khai Đề án 06 - đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo báo cáo tình hình triển khai Đề án 06 của Trung tâm Công nghệ Thông tin (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong năm 2023 Bộ đã cơ bản hoàn thiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 được Chính phủ giao thực hiện.

Ảnh minh họa

Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, đến nay hệ thống cơ sở dữ liệu đã có hơn 3,7 triệu đối tượng, trong đó có gần 3,3 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp đã được cấp định danh cá nhân/căn cước công dân và gần 2,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng đã được xác thực thành công qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là trên 1,8 triệu người, chiếm tỷ lệ hơn 36 % tổng số đối tượng quản lý; gần 1,1 triệu người đã được chi trả qua tài khoản, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng số đối tượng đã có tài khoản. Tổng kinh phí đã thực hiện chi trả từ tháng 1/2023 đến nay là gần 3,5 nghìn tỷ đồng.

Khi thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội nhận chi trả ưu đãi xã hội được đảm bảo đúng thời gian, đúng đối tượng, đúng số tiền theo danh sách chi trả do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp; người nhận không phải xếp hàng chờ đợi lâu. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề ra mục tiêu là phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nam-2035-ha-noi-di-doi-tru-so-co-quan-truong-hoc-khoi-noi-thanh-ha-noi-tin-moi-chieu-229351.htm