Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu gần 5 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam trong năm 2023 đạt 4,99 tỷ USD, giảm 10,8% so với năm 2022.

Cụ thể, giá trị nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 12 ước đạt 400 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu năm 2023 đạt 4,99 tỷ USD.

Nước ta nhập khẩu những mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu là đậu tương, lúa mì và ngô,... Nhập khẩu các mặt hàng này năm 2023 đều có sự tăng về khối lượng so với cùng kỳ.

Trong đó, khối lượng nhập khẩu đậu tương tháng 12/2023 ước đạt 310 nghìn tấn với giá trị ước đạt 186 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương năm 2023 đạt 1,97 triệu tấn và 1,24 tỷ USD, tăng 6,9% về khối lượng nhưng giảm 3,2% về giá trị so với năm 2022.

Ước nhập khẩu lúa mì tháng 12 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị nhập khẩu đạt 303 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu lúa mì năm 2023 đạt 5,09 triệu tấn và 1,67 tỷ USD, tăng 30,2% về khối lượng và tăng 10,9% về giá trị so với năm 2022.

Nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 10,8% so với năm 2022.

Nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 10,8% so với năm 2022.

Khối lượng ngô nhập khẩu tháng 12 ước đạt 1,4 triệu tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô năm 2023 đạt 9,76 triệu tấn và 2,88 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng nhưng giảm 13,7% về giá trị so với năm 2022.

Xét về giá cả, giá nhập khẩu các loại hàng trên đều giảm tương đối, khoảng 9 -15% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá đậu tương nhập khẩu bình quân đầu năm 2023 ước đạt 628 USD/tấn, giảm 9,5% so với năm 2022. Giá lúa mì nhập khẩu bình quân năm 2023 giảm 14,8% so với năm trước, ước đạt 328 USD/tấn. Giá ngô nhập khẩu bình quân năm 2023 ước đạt 295 USD/tấn, giảm 15,1% so với năm 2022.

Về mặt thị trường, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 28,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp đến lần lượt là nhập khẩu từ các thị trường: Brazil chiếm tỷ trọng 17,9%; Hoa Kỳ chiếm 14%; Đông Nam Á chiếm 6%; EU chiếm 5,6%...

Con số nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 5 tỷ USD trùng khớp với dự báo của Bộ NN&PTNT đưa ra hồi đầu tháng trước, trong khi đó, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Như vậy thâm hụt thương mại của ngành thức ăn chăn nuôi năm 2023 lên tới 3,9 tỷ USD.

Cục Chăn nuôi nhận định việc năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho ngành thức ăn gia súc còn hạn chế khiến nước ta phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

Sản lượng nhập khẩu lớn hiện đang đẩy giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi lên cao, khiến người chăn nuôi không có lãi. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT cho biết trong thời gian tới sẽ cùng các địa phương rà soát vùng trồng nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, đồng thời bổ sung giải pháp để dần chủ động nguồn nguyên liệu, góp phần giảm giá thành chăn nuôi trong nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mới đây cũng đã ký Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030. Đề án nêu lên định hướng: “Phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”.

Bích Tâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nam-2023-viet-nam-nhap-khau-gan-5-ty-usd-thuc-an-gia-suc-va-nguyen-lieu-1097634.html