Mỹ viện trợ tên lửa Javelin cho Ukraine để tự vệ

Đại sứ quán Mỹ tại Kiev cho biết 'ngay sau chuyến thăm thành công của Bộ trưởng Quốc phòng Llyod Austin đến Ukraine, một chuyến hàng viện trợ vũ khí sát thương đã đến Ukraine'.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết một số lượng lớn vũ khí và các trang thiết bị quân sự trị giá hơn 60 triệu USD đang trên đường chuyển đến Ukraine trong khuôn khổ chương trình viện trợ an ninh của Mỹ với nước này.

“Khoản viện trợ này thể hiện cam kết về việc Mỹ tiếp tục tạo điều kiện cho Ukraine tự vệ hiệu quả hơn trước những hành động của Nga. Mỹ đã hỗ trợ Ukraine số vũ khí hơn 400 triệu USD trong năm nay và tổng cộng là 2,5 tỷ USD cho các lực lượng vũ trang của Ukraine kể từ năm 2014”, Twitter của Đại sứ quán Mỹ viết.

Lô vũ khí mà Ukraine tiếp nhận từ Mỹ trong đợt này gồm có các hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, đạn dược và bộ dụng cụ sơ cứu cho các đơn vị phòng thủ tuyến đầu của Ukraine.

Việc Mỹ tiếp tục chuyển vũ khí sát thương cho Ukraine có thể sẽ khiến Nga tức giận. Moscow cho rằng, việc làm của Washington sẽ khiến tình hình chiến sự miền Đông Ukraine ngày càng phức tạp.

FGM-148 Javelin là tên lửa chống tăng dẫn đường bằng tia hồng ngoại có thể được mang phóng bởi một người duy nhất. Dòng tên lửa này được sản xuất bởi liên doanh giữa Raytheon và Lockheed Martin.

Trước đó Mỹ đã bán cho UKraine tổng cộng 47 ống phóng và 360 quả tên lửa chống tăng hiện đại Javelin cho Ukraine.

Hợp đồng bán tên lửa Javelin cho Ukraine được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn, trái với thái độ thận trọng của người tiền nhiệm Barack Obama, vốn luôn lo ngại việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev sẽ chọc giận Moscow.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đưa ra nhiều điều kiện ngặt nghèo, trong đó bao gồm yêu cầu tên lửa chống tăng Javelin phải được cất giữ ở miền tây Ukraine, cách xa chiến tuyến với lực lượng ly khai miền Đông.

Wess Mitchell, cựu quan chức phụ trách vấn đề châu Âu và châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump, nhấn mạnh tên lửa Javelin và các loại vũ khí sát thương được Washington bán cho Kiev không nhằm mục đích tấn công phủ đầu, mà chỉ nhằm răn đe và ngăn lực lượng Nga xâm phạm lãnh thổ Ukraine.

Chính phủ Mỹ đề ra nhiều quy định hạn chế về nơi cất giữ và mục đích sử dụng, nhưng không có rào cản nào về vị trí triển khai tên lửa Javelin trong chiến đấu.

Điều này cho phép quân đội Ukraine vận chuyển, triển khai và khai hỏa chúng vào bất kỳ thời gian và địa điểm nào họ muốn.

"Tên lửa Javelin là vũ khí phòng thủ. Mỹ kỳ vọng Ukraine triển khai chúng một cách có trách nhiệm và chỉ khi thực sự cần thiết vì mục đích phòng thủ", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Mike Howard nói.

Hai quan chức Ukraine giấu tên cho biết, tình hình hiện nay chưa đến ngưỡng triển khai tên lửa Javelin. Chúng được đưa khỏi kho lưu trữ không đồng nghĩa với các quả đạn có thể được khai hỏa trên chiến trường. "Lằn ranh đỏ sẽ là khi xe tăng Nga tiến vào đất Ukraine", một người nói.

Javelin là hệ thống tên lửa chống tăng vác vai của Mỹ được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu là xe tăng, thiết giáp hoặc các mục tiêu bay ở tầm thấp.

Javelin là loại tên lửa tự dẫn đến mục tiêu. Đây là một trong số ít loại tên lửa diệt tăng hiện đại và tinh vi nhất thế giới.

Hệ thống tên lửa này thường dùng để tấn công phần tháp pháo hoặc nóc xe tăng, xe thiết giáp do phần trên của các xe này mỏng hơn.

Javelin cũng được sử dụng để bắn thẳng vào các tòa nhà hay các công sự. Tên lửa chống tăng này cũng có thể gắn trên trực thăng hoặc xe bọc thép.

Tên lửa đạt đến độ cao lớn nhất là 150m trong kiểu tấn công "đột nóc" và đạt độ cao 50m trong kiểu bắn thẳng.

Đầu đạn của tên lửa sử dụng loại nổ lõm cho sức xuyên phá mạnh mẽ. Khả năng xuyên thép của tên lửa chống tăng Javelin đạt trên 600 mm.

Javelin được sử dụng trong cuộc chiến ở Iraq năm 2003. Nó đã chứng minh được hiệu quả cao trong việc phá hủy các xe tăng T-72 và Type 69 của Iraq.

Hệ thống tên lửa chống tăng vác vai Javelin có chiều dài ống phóng 1,2m; chiều dài tên lửa 1,1 m; đầu đạn nặng 8.4 kg; tầm bắn từ 75 m đến 2.500 m.

Chúng sử dụng công nghệ ảnh hồng ngoại để ngắm bắn. Khi bắn xong xạ thủ có thể nhanh chóng di chuyển tìm chỗ ẩn nấp và tên lửa tự tìm đến mục tiêu.

Cơ chế bắn - quên của tên lửa Javelin rất hiện đại, trong khi các tên lửa diệt tăng của Nga, ngay khi bắn xạ thủ vẫn phải ở lại để hiệu chỉnh cho tới khi tên lửa chạm đích. Điều này gây nguy hiểm cho xạ thủ bởi họ có thể bị đối phương phản kích

Theo Việt Hùng/ANTĐ

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/my-vien-tro-ten-lua-javelin-cho-ukraine-de-tu-ve-1612867.html