Mỹ vị Việt Nam: tiếp cận thị trường theo hướng mới

Tổ chức cuộc gặp gỡ giữa nhà bán hàng Việt Nam và các nhà mua hàng nước ngoài để giới thiệu hàng nông sản, nguyên vật liệu dùng cho ngành thực phẩm đã được thêm vào một phần mới: mời khách dùng món ăn được chế biến từ các loại sản phẩm vừa giới thiệu. Đây được cho là một hướng mới trong cách giới thiệu, tiếp thị nông sản và thực phẩm Việt Nam đến thị trường nước ngoài bởi những trải nghiệm trực quan đó sẽ góp phần hình thành những đơn hàng sau này.

Đầu bếp Trần Ngọc Nghĩa và “phụ bếp” Trần Bảo Quốc từ doanh nghiệp nước mắm truyền thống Khải Hoàn Phú Quốc chuẩn bị nguyên liệu cho món trà vải. Ảnh: Ricky Hồ

Nhà bếp của khách sạn 5 sao Okura Prestique tại Bangkok, Thái Lan vào hôm trước sự kiện “Hương vị Việt Nam” ngày 7-7 được “trưng dụng” cho các đầu bếp Việt Nam chuẩn bị các món ngon đãi khách.

Chào sân “mỹ vị Việt Nam”

Với Trần Ngọc Nghĩa, Á quân cuộc thi đầu bếp Chiếc Thìa Vàng năm 2013, thì bữa tiệc này không quá khó. Trà nho và trà vải là ứng tác của Trần Ngọc Nghĩa để giới thiệu với người Thái phần nào trào lưu “trà mãng cầu”, “trà măng cụt” đang tạo sóng ở Việt Nam. Được nhập từ nước ngoài, giống nho đen Cự Phong không hạt khá hợp với thổ nhưỡng vùng núi Lạng Sơn nên vỏ mỏng và ngọt. Vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang cùng đồng hành với cà phê Tây Nguyên để mở màn đón khách ở sảnh “Hương vị Việt Nam”.

Món gỏi cuốn là sự kết hợp hài hòa các nguyên liệu là sản phẩm của bốn doanh nghiệp Việt Nam, gồm bánh tráng, bún, tôm và nước mắm truyền thống. Món tôm sốt chanh dây và món bún cá của QP Foods. Món bún bò được nấu với gia vị hoàn chỉnh của Trí Kiên Foods…

Bên ngoài sảnh, Phạm Thành Huy – Đại diện của Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan – tỉ mỉ với từng chi tiết sắp xếp khu tiệc trà và sảnh tiệc fine dining. Cả hai tách biệt hoàn toàn. Khách sẽ được chào đón trước với tiệc trà và cà phê, không được biết gì về sảnh tiệc bên trong và những gì đang chờ đợi họ.

Nhiệm vụ của tất cả mọi người là làm tất cả khách phải “wow” khi thưởng thức các món ngon của ẩm thực Việt Nam, của mỹ vị Việt Nam…

Đây sẽ là một thách thức lớn, bởi không chỉ làm hài lòng người ăn, mà phải thuyết phục họ mua hàng từ sự hài lòng với chất lượng của nông sản và hàng thực phẩm chế biến Việt Nam. Và mọi người còn quyết định bán những câu chuyện về ẩm thực và văn hóa Việt Nam cho Central Retail, Siam Makro, Big C, The Mall Group và các nhà nhập khẩu khác.

Đầu bếp mua sắm thêm các loại rau và gia vị tại chợ đầu mối ở Bangkok. Ảnh: P.T.H

Đó là loại bánh tráng của Tân Nhiên làm từ tinh bột khoai mì Tây Ninh, giòn nhưng không dễ rách và đặc biệt là không cần nhúng nước. Bún ngũ sắc của Khánh Hà Food được chế tạo từ bột gạo thường, bột gạo lứt, bột ngũ cốc hay pha màu với nước ép thanh long ruột đỏ. Nước mắm truyền thống Khải Hoàn làm từ cá cơm tươi và muối biển, là sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Phú Quốc. Và cả câu chuyện truyền cảm hứng khôi phục nghề nước mắm truyền thống tại Việt Nam…

Cá và tôm của QP Foods được chế biến bằng công nghệ sấy lạnh nên vẫn giữ được độ ngon và dai. Hay với gói bột gia vị bún bò Huế của Trí Kiên Food khá tiện lợi, chỉ cần nấu sôi nước và bỏ gói gia vị là được nồi nước lèo bún bò đúng vị Huế…

“Aroi mak mak” – ngon lắm!

Khách ai cũng khen “aroi mak mak” – ngon lắm. Có khách nói rằng có quá nhiều câu chuyện để họ nhớ hết. Nhưng thật sự họ ấn tượng.

Ông Wisan Anggurarat từ chuỗi siêu thị Makro nói rằng: “Bánh tráng không nhúng nước là sản phẩm thú vị bởi đó giờ người tiêu dùng Thái đều quen với sản phẩm phải nhúng nước. Sự tiện lợi của gói gia vị bún bò cũng khá lý thú, nhưng các bạn nhớ rằng người Thái ăn cay hơn nhiều”.

Còn ông Ye Wang, người đứng đầu bộ phận xuất khẩu và phát triển thị trường châu Á của tập đoàn Central Retail, thì quan tâm đến tất cả những sản phẩm có mặt tại sự kiện. “Chú trọng vào yếu tố thiên nhiên như của Khánh Hà Food sẽ thu hút người tiêu dùng Thái”, ông nói.

Nước mắm truyền thống thì dĩ nhiên người Thái thích rồi, bởi nó không thể thiếu trong món ăn của người Thái. Một doanh nhân Thái còn vui chuyện kể rằng người Thái qua Việt Nam tìm mua nước mắm truyền thống Phú Quốc, các loại dung dịch đạm cá từ làng mắm Châu Đốc. Họ sử dụng các sản phẩm để tạo hương vị cho các món thực phẩm chế biến, như làm tăng mùi vị cho cá hộp chẳng hạn.

Ông Trần Bảo Quốc – đại diện của Khải Hoàn – lại nói rằng không quá lo về đầu ra của nước mắm truyền thống, mà cái đáng lo là nguồn cá cơm ngày càng ít. “Mà để lên các kệ hàng siêu thị, xuất hiện trong các chén nước mắm đầy ớt và chanh xanh trên các bàn ăn là một thách thức lớn”.

Hợp khẩu vị ăn cay cũng không quá khó. Ông Dương Ngọc Văn Long – Phó giám đốc của Trí Kiên Food – nói rằng điều chỉnh theo đúng khẩu vị yêu cầu của khách không quá khó. Chắc chắn phải một thời gian nữa mới có những đơn hàng đầu tiên chỉ để “thử khẩu vị thị trường” rồi mới mở rộng – như lời của một ông chủ khách sạn người Thái.

Trong sự kiện mới nhất tại TPHCM, nhân vật có ảnh hưởng (KOL) Trí Phan là gương mặt dẫn dắt chuỗi sự kiện giới thiệu thịt bò Black Angus nổi tiếng. Trí Phan từng là cựu du học sinh tại Mỹ, có biệt danh “Trí thịt bòa” do lối phát âm Bình Định rất đặc trưng.

Đường dài bán hàng

Các nghiên cứu thị trường ở các nước đa sắc tộc như Úc và Mỹ chỉ ra rằng: Về độ phổ biến, ẩm thực Pháp và Ý vẫn là chủ yếu ở các thị trường này, rồi sau đó mới đến đồ ăn Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và rồi đến Việt Nam.

Trong sách “China to Chinatown: Chinese Food in the West” – tạm dịch “Từ Trung Quốc đến phố Tàu: Món ăn Trung Hoa ở phương Tây”, tác giả đồng thời là tiến sĩ ngành nhân chủng học J.A.G Roberts đã viết rằng: “Quá trình di dân đào vàng từ Trung Quốc vào nửa đầu thế kỷ 18 đã đưa người Hoa đi khắp thế giới. Sự phổ biến của nhà hàng Trung Hoa, cái chảo wok và các món ăn của người Hoa nương theo làn sóng này. Tuy vậy, sự phổ biến của món ăn Trung Hoa lại tùy thuộc vào sự sẵn có của nguyên vật liệu tại địa phương và sự thuận tiện của cách thức nấu nướng”.

Cộng đồng người Việt có lịch sử hình thành rất lâu tại Thái Lan. Bên cạnh đó, sự tương đồng trong văn hóa và ẩm thực giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ trở thành “cánh buồm lớn” cho việc thâm nhập của nông sản và thực phẩm Việt Nam. Nhưng việc đưa đồ ngon, món ngon Việt Nam xứng đáng là “mỹ vị Việt Nam” vào Thái Lan lại là hành trình dài của doanh nghiệp Việt mà “Hương vị Việt Nam” chỉ là bước đầu tiên.

Đầu tiên là hàng rào tiêu chuẩn chất lượng. “Sản phẩm này có đủ các chứng nhận tiêu chuẩn chứ?” – đó là câu mở miệng của đại diện Central Retail khi tìm hiểu các sản phẩm Việt Nam. Rồi sau tiêu chuẩn là độ ngon, sự tiện lợi trong chế biến và trào lưu tiêu dùng.

Hình ảnh du khách Việt mua hàng chục hộp xôi xoài từ cửa hàng miễn thuế King Power ở phi trường Suvarnabhumi mang về Việt Nam đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm. Thậm chí đã có thị trường “xôi xoài xách tay” tại Việt Nam. Nhưng để người Thái uống trà nho hay trà vải của Việt Nam tại Thái Lan hay mang từ Việt Nam về quê nhà thì quá trình đó vẫn cần nhiều phiên bản nâng cấp của “Hương vị Việt Nam”.

Và chỉ khi các loại nông sản, thực phẩm và gia vị Việt Nam xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày của người Thái thì lúc đó mới có thể an tâm về sức mạnh của hàng hóa “made in Vietnam”.

(*) Hương vị Việt Nam (Tasting Vietnam) do Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và tập đoàn Thai Bev tổ chức hôm 7-7.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/my-vi-viet-nam-tiep-can-thi-truong-theo-huong-moi/