Mỹ và châu Âu vẫn là động lực tăng trưởng chính của ASEAN

Các nền kinh tế phương Tây được coi là động lực thúc đẩy chính cho tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN.

Tàu chở hàng hóa neo tại cảng ở Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo bài viết trên báo The Business Times, một phần đáng kể xuất khẩu từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sang Trung Quốc được tái xuất sang Mỹ và châu Âu để tiêu thụ cuối cùng.

Các nhà kinh tế nhấn mạnh điều này khiến các nền kinh tế phương Tây vẫn là động lực thúc đẩy chính cho sự tăng trưởng kinh tế khu vực, bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trung Quốc đóng vai trò là điểm cuối cùng của các chuỗi cung ứng, lắp ráp và tái xuất một phần đáng kể hàng nhập khẩu của nước này sang các nước khác trên thế giới. Nhưng nhu cầu cuối cùng lại nằm ở các nền kinh tế phương Tây.

Trong báo cáo Đánh giá đầu tư toàn cầu mới nhất cho tháng Ba, công ty quản lý tài sản Amundi của Pháp đánh giá việc Trung Quốc mở cửa trở lại là yếu tố tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng sự kiện này chủ yếu hỗ trợ hoạt động trong nước của nước này. Giám đốc đầu tư của Amundi, Vincent Mortier, cho biết: "Chúng tôi không chắc liệu việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đủ để bù đắp cho tác động tiêu cực từ tăng trưởng chậm lại của Mỹ hay không".

Trong khi đó, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, Vishrut Rana, lưu ý rằng sự phục hồi của Trung Quốc không thể bù đắp cho sự chậm lại ở các nền kinh tế phương Tây. Ông đánh giá: "Mặc dù sự phục hồi của Trung Quốc sẽ giảm bớt tác động của sự chậm lại ở phương Tây, nhưng tác động thực đối với nhu cầu xuất khẩu nhìn chung sẽ tiêu cực trong năm nay. Chúng tôi cho rằng sự giảm tốc ở Mỹ và châu Âu sẽ vượt sự tăng tốc ở Trung Quốc".

Ông Rana lưu ý bất chấp các mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển của Trung Quốc với khu vực, phương Tây vẫn có ý nghĩa quan trọng hơn, với tư cách là nhu cầu đối với hầu hết các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này cũng có mối quan hệ mật thiết với Mỹ và châu Âu với các mối liên kết thương mại, tài chính và kinh doanh mạnh mẽ.

Với chu kỳ thương mại và điện tử đang chậm lại, dữ liệu kinh tế đã suy yếu ở các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cởi mở hơn như Malaysia và Hàn Quốc.

Khi tính đến điểm đến nhu cầu cuối cùng và tiến trình giá trị gia tăng, ông Rana nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cộng lại lớn hơn so với của Trung Quốc - đối với hầu hết các nước ASEAN, trong đó có Singapore, Việt Nam, Philippines và Thái Lan. Ông bổ sung: "Tăng trưởng thị trường xuất khẩu giảm sút sẽ đè nặng lên các nền kinh tế này. Mặt khác, các nền kinh tế hướng nội hơn sẽ ít phải đối mặt với tác động kinh tế từ tăng trưởng thị trường xuất khẩu mạnh hay yếu hơn".

Singapore, Việt Nam và Thái Lan có mức độ tiếp xúc toàn cầu cao nhất, với nhu cầu bên ngoài chiếm hơn 40% nền kinh tế của mỗi quốc gia này. Theo sát những nền kinh tế này là Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hong Kong (Trung Quốc), với giá trị gia tăng đi đến các thị trường bên ngoài thấp hơn 40% trong các nền kinh tế của họ.

Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản là những nền kinh tế hướng nội hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỗi nền kinh tế này có chưa đến 8% giá trị gia tăng của họ tiếp xúc với Mỹ, Eurozone và Trung Quốc cộng lại. Hơn 80% tổng giá trị gia tăng của họ bắt nguồn từ trong nước.

Trung Quốc cũng nằm trong số các nền kinh tế hướng nội, với khoảng 86% giá trị gia tăng phụ thuộc vào nhu cầu trong nước. Tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là một điểm đến xuất khẩu thể hiện mạnh mẽ nhất đối với Australia. Nhu cầu từ Trung Quốc chiếm khoảng 7% nền kinh tế nước này, so với 3% của Mỹ và Eurozone cộng lại.

Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng năm 2023 sẽ chậm lại ở Mỹ và châu Âu, hai khu vực chiếm gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tính theo đồng USD danh nghĩa.

Ở châu Âu, tăng trưởng sẽ chậm lại với lãi suất cao hơn, tuyển dụng giảm và thị trường nhà ở yếu hơn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Ở Mỹ, lãi suất cao hơn cũng dẫn đến hoạt động kinh doanh chậm hơn và tiết kiệm hộ gia đình đang giảm dần. Ngược lại, sự đồng thuận của thị trường là Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 5% trong năm 2023 khi nước này từ bỏ chính sách "Không COVID-19".

Nhà kinh tế trưởng Iris Pang của công ty dịch vụ tài chính ING nhận định những điểm yếu đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay chủ yếu sẽ đến từ tăng trưởng yếu hơn ở các thị trường xuất khẩu của Mỹ và châu Âu./.

Nguyễn Thúy (P/v TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-va-chau-au-van-la-dong-luc-tang-truong-chinh-cua-asean/283852.html