Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với các nhà tù, thả thêm tù nhân

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr - Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 3/4, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr tuyên bố Cục Nhà tù Liên bang (BOP) đang đối mặt với các tình huống khẩn cấp do sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, qua đó cho phép BOP bắt đầu chuyển thêm nhiều tù nhân bị giam giữ trong tù sang quản thúc tại gia.

Bộ trưởng Barr cho biết theo lệnh khẩn cấp, BOP sẽ ưu tiên thả những tù nhân dễ bị tổn thương tại các nhà tù đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, bao gồm các nhà tù như Oakdale ở Louisiana, Elkton ở Ohio và Danbury ở Connecticut.

Chỉ đạo của Bộ trưởng Barr được đưa ra sau khi 5 tù nhân ở nhà tù FCI Oakdale 1 và 2 tù nhân ở nhà tù FCI Elkton 1 đã tử vong do mắc COVID-19. Theo BOP, đã có 91 tù nhân và 50 nhân viên tại 122 cơ sở giam giữ đã mắc COVID-19. Hồi đầu tuần này, BOP đã ra lệnh tất cả các nhà tù tiến hành cách ly tù nhân trong 14 ngày.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật kích thích kinh tế quy mô lớn trị giá 2.000 tỉ USD, trong đó có một điều khoản được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho các nhà tù liên bang áp dụng biện pháp quản thúc tại nhà đối với các tù nhân đủ điều kiện nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Trước khi đạo luật này được ban hành, BOP chỉ có thể chuyển tù nhân bị giam giữ trong tù sang quản thúc tại nhà khi các tù nhân đã chấp hành được 90% án tù hay thời gian thi hành án còn lại không quá 6 tháng. Luật mới cho phép Giám đốc BOP tự quyết định phóng thích một lượng lớn tù nhân hơn song đòi hỏi Bộ trưởng Barr trước hết phải công bố tình trạng khẩn cấp đối với hệ thống nhà tù liên bang.

Cùng ngày 3/4, Tổng thống Trump thông báo ông đã chọn một thành viên của văn phòng luật sư Nhà Trắng để làm Tổng thanh tra giám sát việc phân bổ hàng trăm tỉ USD trong quỹ liên bang như một phần của gói cứu trợ nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Nhân vật được Tổng thống Mỹ chỉ định là Brian Miller, người đang phục vụ với tư cách là một trợ lý đặc biệt cho tổng thống và cố vấn cao cấp trong văn phòng luật sư của Nhà Trắng - nhằm thúc đẩy các nỗ lực giúp chính quyền Mỹ xử lý một số vấn đề liên quan đến đại dịch này.

Vị trí này thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính Mỹ sẽ được giao nhiệm vụ theo dõi các khoản vay, bảo lãnh cho vay và các khoản chi tiêu khác. Vị trí này được chính quyền Mỹ tạo ra như một phần của dự luật cứu trợ đối phó với dịch COVID-19 trị giá 2.200 tỉ USD và được ủy quyền trong 5 năm.

Các nhà lập pháp từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Trump tôn trọng các yêu cầu giám sát mà Quốc hội đưa vào gói cứu trợ được thông qua vào tuần trước. Trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ ngày 3/4, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney (tiểu bang Utah) và Đảng Dân chủ Jon Tester (bang Montana) cho rằng với hàng nghìn tỉ USD tiền thuế được chi tiêu, điều cực kỳ quan trọng đối với chính quyền là đảm bảo sự minh bạch và sẵn sàng cho việc giám sát độc lập.

Cả hai ông Romney và Tester lưu ý rằng Đạo luật Hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế đối với dịch COVID-19 đã thiết lập một số lớp giám sát cho hàng tỉ USD viện trợ của chính phủ liên bang bao gồm tổng thanh tra, hội đồng giám sát quốc hội và ủy ban thanh tra.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, ngày 3/4, Bộ Y tế nước này thông báo, với 178 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia Trung Mỹ đã lên tới 1.688 ca, trong đó 60 ca tử vong và 5.398 người nghi ngờ nhiễm virus. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất tại Mexico.

Cơ quan y tế cho biết từ thời điểm xác nhận có ca dương tính đầu tiên vào ngày 28/2 đến nay, Mexico đã tiến hành trên 15.000 xét nghiệm nhằm theo sát diễn biến và kiểm soát tình hình dịch bệnh. Trong 2 tuần tới, Mexico sẽ tăng cường xét nghiệm, với 50.000 bộ xét nghiệm vừa được Trung Quốc hỗ trợ.

Hiện dịch COVID-19 ở Mexico đang trong giai đoạn 2 (mức độ lây lan cộng đồng) và mạng lưới y tế chỉ có 8 bệnh viện và 3.000 giường bệnh được trang bị đầy đủ các thiết bị để chăm sóc các ca bệnh nặng. Mexico đã đưa vào hoạt động 10 trung tâm cách ly tự nguyện có khả năng tiếp nhận khoảng 4.000 ca bệnh nhẹ.

Cơ sở vật chất sẽ được tăng cường để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, Mexico hiện thiếu hụt trầm trọng bác sĩ và y tá để điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ trưởng Y tế Jorge Alcocer Varela cho biết hệ thống y tế nước này thiếu gần 7.000 bác sĩ và trên 23.000 y tá.

Chính phủ liên bang Mexico đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia, qua đó hàng loạt biện pháp đã được áp dụng, gồm đình chỉ lập tức các hoạt động không thiết yếu trong khu vực công và tư nhân cho đến ngày 30/4, không tổ chức các cuộc họp hoặc hội nghị của hơn 50 người và tuân thủ nghiêm các biện pháp dãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng kêu gọi người dân ở nhà, tránh ra đường khi không thật sự cần thiết. Bộ Y tế Mexico nhận định số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới và dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Ngày 4/4, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 3 ca tử vong do dịch COVID-19, cùng 94 ca mắc mới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), số ca nhiễm tại "tâm dịch" thứ hai của châu Á đã lên tới 10.156 ca, trong khi số trường hợp không qua khỏi là 177 ca.

Trong số ca nhiễm mới, thủ đô Seoul ghi nhận 22 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 528. Trong khi đó, TP Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, hai vùng chịu tác động nặng nhất của dịch COVID-19, đến nay đã ghi nhận lần lượt 6.761 ca và 1.310 ca nhiễm.

Số ca lây nhiễm từ bên ngoài cũng tiếp tục tăng với 41 trường hợp, nâng tổng số ca lên 688. Cho tới nay, hơn một nửa số ca tử vong là các bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.

Số bệnh nhân mới được điều trị khỏi hoàn toàn là 304, nâng tổng số lên 6.325 người. Số ca mắc mới có xu hướng giảm xong vẫn tiếp tục lây lan trong cộng đồng đã khiến Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp do Thủ tướng Chung Sye-kyun chủ trì. Thủ tướng Chung Sye-kyun nhấn mạnh Hàn Quốc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì biện pháp giãn cách xã hội ở cấp độ cao "trong một khoảng thời gian trong tương lai”.

Trong khi đó, tại Thái Lan, truyền thông sở tại đưa tin lệnh giới nghiêm kéo dài 6 giờ đồng hồ, bắt đầu có hiệu lực từ đêm 3/4, nhiều khả năng sẽ được kéo dài ngay cả khi quy định này có tác dụng ngăn ngừa tụ tập đông người và giảm tỉ lệ lây truyền virus SARS-CoV-2.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam ngày 3/4 đã trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh tính hiệu quả của lệnh giới nghiêm trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ông cho biết khoảng thời gian giới nghiêm có thể tăng lên 8, 10, 12 giờ hoặc thậm chí lâu hơn.

Cùng ngày, Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Thái Lan Pornpipat Benyasri, phụ trách vấn đề an ninh của CCSA đã đưa ra thông báo cấm tụ tập đông người hoặc các hoạt động khác làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus hay lợi dụng tình hình để trục lợi.

Tình hình dịch COVID-19 tại Thái Lan vẫn đang diễn biến phức tạp khi Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha vẫn “quan ngại” về tỉ lệ lây truyền hiện tại, với hơn 100 ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày.

Ngày 4/4, Thái Lan đã công bố thêm 89 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 và một trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này y lên thành 2.067 người và tổng số trường hợp tử vong lên thành 20 người. Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch của Bộ Y tế tuyển dụng 45.684 viên chức đặc biệt là nhân viên chính phủ để đối phó với dịch COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/237163/my-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-doi-voi-cac-nha-tu-tha-them-tu-nhan.html