Mỹ trực tiếp cảnh báo các công ty trốn lệnh trừng phạt Nga

Điều này được đưa ra trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nga không bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của phương Tây như dự kiến ban đầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. Ảnh: EPA-EFE

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. Ảnh: EPA-EFE

Theo hãng tin Reuters ngày 18/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết nước này sẽ trực tiếp cảnh báo các công ty trốn tránh các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, trong bối cảnh Mỹ tìm cách siết chặt hơn nữa nền kinh tế Nga.

Phát biểu với Reuters trước lễ kỷ niệm một năm ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Adeyemo đã nêu ra những lo ngại cụ thể về việc Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia gần Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Ông Adeyemo nói: “Chúng tôi sẽ đến trực tiếp và nói rõ với các công ty của họ rằng họ có quyền lựa chọn. Họ có thể tiếp tục làm những việc có lợi cho Nga, nhưng sau đó họ phải chịu rủi ro mất khả năng tiếp cận thị trường châu Âu, thị trường Mỹ, thị trường Anh – đây là lựa chọn của họ. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện những hành động này”.

Mỹ và các đồng minh, trong đó có EU và Anh, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi xung đột với Ukraine nổ ra và đã tiếp tục gia tăng áp lực kể từ đó. Trong số các mục tiêu trừng phạt của Washington có các quan chức Nga, lĩnh vực tài chính và các nhà tài phiệt.

Theo ông Adeyemo, các biện pháp nhằm hạn chế việc trốn tránh lệnh trừng phạt – sử dụng các công cụ hạn chế, kiểm soát xuất khẩu và các công cụ khác – sẽ tập trung nhiều vào hàng hóa sản xuất, xây dựng và các mặt hàng lưỡng dụng, có cả ứng dụng thương mại và quân sự.

Ông Adeyemo cho biết Washington cũng sẽ liên hệ với các ngân hàng ở Mỹ, Anh, châu Âu và Nhật Bản để yêu cầu cảnh báo khách hàng rằng họ có thể mất quyền tiếp cận các tổ chức tài chính nếu bị phát hiện trốn tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nga không bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của phương Tây như dự kiến ban đầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước dự báo rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% vào năm 2023 sau khi giảm 2,2% vào năm 2022. Vào tháng 4 năm ngoái, IMF ban đầu dự báo mức giảm 8,5% vào năm 2022 và tiếp tục giảm 2,3% trong năm nay.

Bộ Tài chính Mỹ tuần trước cho biết Washington sẽ tập trung trong những tháng tới để gây sức ép những người hỗ trợ và các nhà cung cấp nước thứ ba giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Brian Nelson, quan chức hàng đầu về lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, đã tới Thổ Nhĩ Kỳ và UAE để cảnh báo các quốc gia và doanh nghiệp rằng họ có thể mất quyền tiếp cận thị trường G7 nếu họ kinh doanh với các thực thể chịu sự kiềm chế của Mỹ.

Ông Adeyemo thừa nhận rằng khi Washington bắt đầu trừng phạt Nga, họ đã không lường trước được phản ứng mạnh mẽ của các công ty toàn cầu đối với cuộc xung đột. Các công ty đã rút khỏi Nga, ngay cả trong các lĩnh vực không bị trừng phạt, trong bối cảnh các bên liên quan kêu gọi và lo ngại về những rủi ro khi kinh doanh tại nước này.

Nhưng ông Adeyemo lưu ý các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu do Mỹ, EU và các nước khác áp đặt đã đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực buộc Nga phải chịu trách nhiệm: “Nền kinh tế của Nga rất nhỏ so với liên minh của chúng tôi và ngày càng thu hẹp quy mô vì những hành động mà chúng tôi đã thực hiện”.

Edward Fishman, người từng phụ trách về các biện pháp trừng phạt Nga tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama, nói rằng mặc dù mối đe dọa cấm vận không ngăn được chiến dịch quân sự của Moskva, các biện pháp này vẫn đang làm xói mòn nền kinh tế và năng lực quân sự của Nga.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-truc-tiep-canh-bao-cac-cong-ty-tron-lenh-trung-phat-nga-20230218234248095.htm