Mỹ toan tính gì khi không để lại tàu sân bay nào ở châu Á?

Việc điều tàu USS Ronald Reagan đến Afghanistan khiến Hải quân Mỹ lần đầu tiên sẽ không có sự hiện diện tàu sân bay nào ở châu Á trong nhiều tháng liên tục.

Giới lãnh đạo Mỹ trong những năm gần đây đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược số một của mình. Tuy nhiên, chỉ cách đây ít giờ, các quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ điều tàu sân bay USS Ronald Reagan tới khu vực Trung Đông vào mùa hè này, nhằm hỗ trợ quá trình rút toàn bộ số lính Mỹ còn đồn trú ở Afghanistan.

Nước đi này có thể là điềm báo xấu cho tình hình an ninh khu vực, bởi đây sẽ là lần đầu tiên Hải quân Mỹ không có sự hiện diện tàu sân bay ở châu Á trong nhiều tháng liên tục.

Mỹ coi trọng châu Âu và Trung Đông hơn châu Á?

Có lẽ còn hơi sớm để dự đoán toàn bộ những hệ lụy lâu dài của nước đi này. Tuy nhiên, chắc chắn sức mạnh của Hạm đội 7, vốn đảm nhiệm vai trò “trấn giữ” vùng biển Thái Bình Dương, sẽ bị suy giảm đáng kể.

Không có tàu sân bay, Mỹ sẽ mất đi một vũ khí răn đe quan trọng. Và khi đó, các đối thủ của Mỹ sẽ không ngần ngại hành xử mạnh bạo hơn để “nắn gân” Mỹ cùng các đồng minh.

Điều này đặc biệt nguy hiểm bởi Mỹ có nhiều đồng minh quan trọng ở châu Á, và khu vực này cũng có nhiều điểm xung đột tiềm tàng như bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Biển Đông...

Tuy nhiên, điểm đáng nói hơn cả là “tín hiệu chiến lược” mà hành động điều tàu sân bay USS Reagan tới Trung Đông gửi đi. Bất chấp những phát ngôn tương đối cứng rắn về Trung Quốc trong những tháng vừa qua, dường như Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn coi trọng châu Âu và Trung Đông hơn châu Á.

 Tàu sân bay USS Reagan của Mỹ. Ảnh: U.S. Navy.

Tàu sân bay USS Reagan của Mỹ. Ảnh: U.S. Navy.

Các chiến lược gia Mỹ hàng đầu như George Kennan kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay vẫn xác định rằng có 3 khu vực đặc biệt trọng yếu đối với Mỹ: châu Âu (đặc biệt là Tây Âu), Trung Đông (quanh vùng Vịnh Ba Tư) và châu Á (nhất là khu vực Đông Á).

Trong suốt nhiều thập kỷ, Mỹ đổ toàn bộ nguồn lực của mình để ngăn Liên Xô hay bất kỳ cường quốc nào khác kiểm soát những khu vực này.

Lý do rất đơn giản: Đây là những khu vực đông dân, có nền kinh tế phát triển, giàu tài nguyên (đặc biệt là dầu mỏ) và án ngữ nhiều con đường giao thông huyết mạch trên biển, ví dụ như eo biển Hormuz hay kênh đào Suez.

Bất kỳ cường quốc nào áp chế được một trong ba khu vực này sớm muộn sẽ trở thành bá quyền khu vực và về lâu dài, sẽ có khả năng thách thức “ngôi vương” của Mỹ.

Mỹ chưa sẵn sàng tập trung nguồn lực kiềm chế Trung Quốc

Trong gần như suốt quãng thời gian Chiến tranh Lạnh, Mỹ buộc phải đổ nguồn lực vào cả ba mặt trận cùng lúc với Liên Xô liên tục thách thức Mỹ ở cả ba khu vực đó.

Tuy nhiên, bối cảnh chiến lược đã thay đổi, Trung Quốc ngày nay cũng không phải là Liên Xô ngày trước.

Bất chấp những gì Nga đang thể hiện, nước này không có khả năng cũng như ý chí để tấn công các đồng minh Mỹ ở Tây Âu. Tổng thống Vladimir Putin còn quá nhiều mục tiêu đối nội quan trọng cần được ưu tiên lớn hơn việc mở rộng lãnh thổ về phía tây.

Trung Đông vẫn nhiều bất ổn, nhưng chính điều đó đảm bảo không nước nào có thể kiểm soát được khu vực này. Mỹ vẫn là cường quốc có nhiều ảnh hưởng nhất ở Trung Đông.

Quan trọng hơn hết, Trung Quốc không cùng lúc đối đầu trực tiếp với Mỹ ở cả ba mặt trận như Liên Xô trước đây. Do đó, việc Mỹ dàn trải lực lượng ở cả ba khu vực này, trong khi họ đã xác định Trung Quốc là đối thủ số một, là tương đối khó hiểu.

Nhiều ý kiến cho rằng chiến lược “xoay trục về châu Á” của chính quyền Obama là không hiệu quả và thậm chí kết luận Mỹ đã thất bại trong việc kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này không sai nhưng dễ gây hiểu lầm rằng thất bại của Mỹ nằm ở vấn đề sách lược.

Nhưng như động thái điều tàu sân bay USS Reagan tới Trung Đông cho thấy vấn đề của Mỹ không nằm ở việc thiếu chiến lược khôn ngoan.

Nói cách khác, Mỹ không kiềm chế được Trung Quốc, không phải vì họ không biết cách, mà bởi họ không sẵn sàng tập trung toàn bộ nguồn lực cho điều đó.

Tuy Mỹ và Trung Quốc thường được coi là hai siêu cường hàng đầu ngang hàng nhau. Trên thực tế, chỉ có Mỹ là một siêu cường toàn cầu đúng nghĩa, với sự hiện diện chính trị - quân sự - kinh tế khắp năm châu.

Trong khi đó, Trung Quốc rất mạnh nhưng lợi ích cốt lõi tập trung chủ yếu ở châu Á, và sự hiện diện quân sự của họ vẫn chủ yếu tập trung ở một khu vực duy nhất.

Kết quả là trong khi Mỹ phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau cùng lúc, Trung Quốc có thể đổ dồn sức lực cho một mặt trận chính.

Điều này dẫn tới một kết luận tưởng chừng như vô lý: cách hiệu quả nhất để Mỹ chiến thắng cuộc đua marathon với Trung Quốc về lâu dài là phải "giúp đỡ" Trung Quốc trong ngắn hạn.

Mỹ cần tạm thời chấp nhận chia sẻ quyền lực với Trung Quốc và “trói” chặt Trung Quốc vào hệ thống quốc tế hiện nay hơn nữa bằng cách khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu.

Mục đích cuối cùng sẽ là khiến Trung Quốc dàn mỏng lực lượng và khi đó, Mỹ sẽ đẩy Trung Quốc vào một cuộc chạy đua ở quy mô toàn cầu, không khác gì cạnh tranh Mỹ - Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Khi đó, Mỹ sẽ chứng tỏ được sự ưu việt của hệ thống của mình và đánh bại tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Ngô Di Lân tốt nghiệp Cử nhân ngành Khoa học xã hội tại trường University College Maastricht (Hà Lan) năm 2015. Anh hiện là Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Brandeis (Mỹ). Các nghiên cứu của Lân chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực an ninh quốc tế, chính sách đối ngoại Mỹ và tranh chấp Biển Đông.

Ngô Di Lân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-toan-tinh-gi-khi-khong-de-lai-tau-san-bay-nao-o-chau-a-post1220090.html