Mỹ tìm lại 'hào quang' ở châu Phi

Từng là khu vực chứng kiến và trải qua sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, châu Phi giờ đây đang trở thành tâm điểm mới trong cạnh tranh địa chiến lược, địa kinh tế giữa các nước lớn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại trường Đại học Tổng hợp Pretoria, Nam Phi. (Nguồn: Reuters)

Nội dung chiến lược mới

Ngày 8/8, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã có bài diễn văn quan trọng tại trường Đại học Tổng hợp Pretoria, Nam Phi, trong đó công bố “Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Phi cận Sahara”. Chiến lược mới này được xem là một trong những trọng tâm trong chuyến thăm của ông Blinken đến ba nước châu Phi là Nam Phi, CHDC Congo và Rwanda từ 7-11/8 với bốn ưu tiên:

Một là, Mỹ sẽ thúc đẩy sự cởi mở, trong đó nhấn mạnh đến năng lực của các cá nhân, cộng đồng và quốc gia châu Phi trong việc lựa chọn con đường phát triển của mình. Ông Blinken cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa chính sách đối ngoại của Mỹ với các quốc gia khác buộc các nước châu Phi phải chọn phe.

Hai là, Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác ở châu Phi thực hiện lời hứa thúc đẩy dân chủ ở châu lục này. Ông Blinken khẳng định thúc đẩy dân chủ là một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden và bài toán phát triển của châu Phi là phải gắn với việc thực thi và thúc đẩy dân chủ nhân quyền.

Ba là, Mỹ sẽ cùng châu Phi tăng cường hợp tác để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch Covid-19 và điều này sẽ đặt nền tảng cho cơ hội phát triển kinh tế bền vững trên diện rộng nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. Theo ông Blinken, châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương bởi chiến tranh và dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 đã đẩy 55 triệu người châu Phi rơi vào cảnh đói nghèo, còn xung đột Nga - Ukraine đẩy thêm hàng chục triệu người rơi vào cảnh thiếu lương thực.

Bốn là, Mỹ sẽ cùng châu Phi thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch để đối phó tốt hơn các tác động của biến đổi khí hậu và cung cấp năng lượng cho các cơ hội kinh tế. Ông Blinken nhấn mạnh chính quyền Biden coi phát triển năng lượng xanh, sạch là một trong những ưu tiên quan trọng của Mỹ cũng như quan hệ của Mỹ với châu Phi. Đồng thời, Mỹ cam kết dành phần lớn khoản viện trợ hàng năm khoảng 3 tỷ USD cho 17 trong tổng số 20 quốc gia nằm ở khu vực cận Sahara và bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Ý đồ chiến lược sâu xa

Nhìn lại chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Phi từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, có thể thấy Mỹ đã đưa ra không ít sáng kiến, chiến lược đối với châu lục này, chẳng hạn như Đạo luật tăng trưởng và cơ hội cho châu Phi dưới thời Tổng thống Clinton, sáng kiến lập Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Phi dưới thời Tổng thống Bush, Chiến lược thúc đẩy thịnh vượng, an ninh và ổn định cho châu Phi của Tổng thống Trump hay Chiến lược đối với khu vực châu Phi cận Sahara vừa được chính quyền Biden công bố.

Tuy nhiên, chừng đó dường như là quá ít và chưa đủ để Mỹ gây ảnh hưởng đáng kể trong quan hệ với các nước châu Phi. Bằng chứng là tại cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 7/4, có tới 44 quốc gia châu Phi không đồng ý bỏ phiếu loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Trong lĩnh vực thương mại, Trung Quốc có ảnh hưởng vượt trội so với Mỹ trong quan hệ với các nước châu Phi. Năm 2021 tổng thương mại của Trung Quốc với châu Phi đạt 251 tỷ USD, trong khi tổng thương mại của Mỹ với châu Phi chỉ vào khoảng 58 tỷ USD tức chưa bằng một phần tư so với Trung Quốc.

Xét về tổng thể, chuyến đi châu Phi lần này của ông Blinken, chuyến thứ ba trong vòng chưa đầy một năm qua đến châu lục này, và sáng kiến mới của Mỹ cho châu Phi nhằm các mục tiêu sau:

Thứ nhất, chính quyền Biden thể hiện sự nghiêm túc trong quan hệ với các nước châu Phi. Ngay trước chuyến đi của Ngoại Trưởng Blinken, chính quyền Biden đã công bố việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ hai vào tháng 12/2022 nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, an ninh, giáo dục, y tế, môi trường, hợp tác chống biến đổi khí hậu... giữa Mỹ và các quốc gia châu Phi. Bên cạnh đó, không chỉ nêu sáng kiến, chiến lược bằng các tuyên bố hay cam kết chính trị, giờ đây chính quyền Biden bắt đầu thực hiện cách tiếp cận thực dụng, đó là gắn với cam kết tài chính cụ thể, như trường hợp bốn ưu tiên hợp tác trong chiến lược mới đối với châu Phi.

Thứ hai, việc “bỏ rơi” châu Phi trong khi chú trọng vào các khu vực khác như Trung Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu đang khiến chính quyền Biden phải “trả giá”. Đó là việc châu Phi ngày càng phụ thuộc vào buôn bán và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc, hay sự ủng hộ chính trị dành cho Nga. Do đó, chiến lược mới của Mỹ có mục tiêu quan trọng là nhằm đảo ngược tình thế trên, bằng cách cạnh tranh trực tiếp nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở châu Phi, cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Ba là, thông qua chiến lược mới với châu Phi, Mỹ muốn khẳng định vị thế toàn cầu của mình, tức có đủ nguồn lực để can dự với tất cả các khu vực trọng yếu trên thế giới, từ đối phó với Nga, ủng hộ Ukraine, đến tăng cường quan hệ đối tác với châu Phi.

Không nghi ngờ gì nữa, quyết tâm của chính quyền Tổng thống Biden là rất lớn. Tuy nhiên, việc tạo vị thế mới trong quan hệ với châu Phi lúc này không chỉ có quyết tâm, mà còn phải có nguồn lực và một chính sách lâu dài, nhất quán nữa.

TS. Hoàng Anh Tuấn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-tim-lai-hao-quang-o-chau-phi-194047.html