Mỹ tiến thoái lưỡng nan trong kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukaine

Cả Mỹ và EU dù đều lên tiếng khẳng định quân đội Ukraine đang rất 'khát' vũ khí trên chiến trường nhưng lại có ý dò la động thái của nhau trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine.

"Tồn vong của Ukraine bị đe dọa, an ninh nước Mỹ cũng lâm nguy"

Theo Reuters, phát biểu trong cuộc họp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDGC) diễn ra tại Căn cứ Không quân Ramstein, Đức với sự tham gia của đại diện 50 đồng minh ủng hộ cho Ukraine, ngày 19/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo, sự tồn vong của Ukraine đang bị đe dọa và cam kết Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ Kiev dù Washington đã cạn tiền để có thể cung cấp vũ khí cho các lực lượng Ukraine.

“Ngày hôm nay, sự tồn vong của Ukraine đang bị đe dọa và an ninh nước Mỹ cũng đang gặp nguy hiểm. Họ không thể lãng phí dù chỉ một ngày và chúng ta cũng không có một ngày để thảnh thơi. Tôi rời khỏi cuộc họp này với quyết tâm duy trì sự hỗ trợ về an ninh và đạn dược của Mỹ bởi đó là vấn đề mang tính sống còn và chủ quyền của Ukraine cũng như danh dự và an ninh của Mỹ”, ông Austin phát biểu trong cuộc phỏng vấn sau cuộc họp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin (trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, tuyên bố trên của Bộ trưởng Quốc phòng Austin đang vấp phải sự nghi ngờ của giới quan sát và các nước đồng minh bởi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trước đó đã từ chối lời kêu gọi tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật cung cấp 60 tỷ USD tiền viện trợ cho Ukraine.

Bản thân ông Austin cũng không nêu ra được cụ thể cách thức chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể tiếp tục viện trợ cho Ukraine mà không có khoản tiền 60 tỷ USD nói trên.

“Tôi luôn lạc quan rằng chúng ta sẽ nhận thấy những động thái tích cực diễn ra. Tuy nhiên, một lần nữa tôi phải nói rằng đây là điều chúng ta không thể chắc chắn hoàn toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Mỹ và các đồng minh để đảm bảo Ukraine sẽ nhận được sự ủng hộ cần thiết”, ông Austin khẳng định.

Bà Rachel Rizzo, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington, nhận định.

Mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn hơn với giới chức Mỹ khi họ công du sang châu Âu và đưa ra cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong dài hạn về tài chính, quân sự và kinh tế bất chấp những gì đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ.

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cung cấp gói viện trợ trị giá 300 triệu USD dành cho Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết, đây là một động thái bất thường đến từ một khoản tiết kiệm bất ngờ mà Lầu Năm Góc đạt được sau khi ký kết các hợp đồng quân sự. Giới chức Mỹ cũng cho biết họ không loại trừ khả năng sẽ có thêm các khoản tiền tiết kiệm khác để viện trợ cho Ukraine nhưng số tiền này vẫn không đủ để bù đắp cho khoản ngân sách 60 tỷ USD mà Hạ viện Mỹ từ chối thông qua.

“Tôi nghĩ, các đồng minh của Mỹ hiểu sâu sắc về hiện trạng các khoản viện trợ của Mỹ, đặc biệt là Ukraine bởi hơn ai hết họ đang phải hứng chịu sự thiếu hụt nghiêm trọng đến từ việc Mỹ không thể cung cấp viện trợ cho họ”, một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ chia sẻ.

Châu Âu đồng lòng ủng hộ nhưng chưa đủ

Nhận định trên của bà Rizzo càng có cơ sở bởi trước đó, tại cuộc họp báo chung ở Berlin hồi cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Ba Lan Tusk cũng đều lên tiếng bày tỏ cam kết ủng hộ Ukraine giống như đồng minh Mỹ. Thậm chí, giới chức Đức còn nêu rõ số vũ khí đạn dược mà Đức dự kiến sẽ cung cấp cho Ukraine trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine những gì nước này cần nhất để đối phó với Nga”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius tuyên bố và cho biết, số vũ khí đạn dược này bao gồm 10.000 quả đạn pháo, 100 xe thiết giáp bộ binh và 100 xe vận tải với tổng trị giá vào khoảng 500 triệu USD.

Ông cũng bày tỏ tin tưởng tuyệt đối vào đồng minh Mỹ dù thừa nhận: “Có những điểm khác biệt trong hệ thống chính trị của họ và chúng ta phải chấp nhận điều đó”.

Binh sĩ Ukraine tại khu vực Donetsk (Ảnh: AP)

Cùng chung quan điểm với ông Pistorius, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu dù bày tỏ tin tưởng vào giới chức Mỹ nhưng cũng không khỏi có ý thăm dò: “Chúng ta đều biết có những khó khăn đến từ Quốc hội Mỹ. Dù vậy, Lloyd Austin vẫn có mặt tại đây. Chúng ta cần ông ấy, chúng ta không thể “đem con bỏ chợ” được”.

Trong khi đó, giới chức Mỹ lại cho rằng, sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu dành cho Ukraine dù rất quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhưng vẫn không đủ để khỏa lấp khoảng trống 60 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ không thông qua.

“Sẽ không có cách nào khác để các đồng minh của chúng ta có thể bù đắp được cho Ukraine những gì thiếu hụt từ sự viện trợ của Mỹ”, một quan chức quốc phòng Mỹ nhận định.

Thiếu vũ khí, Ukraine chỉ có thể cầm cự tính bằng tuần/tháng?

Trong khi giới chức Mỹ đang loay hoay trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine thì Tổng thống nước này Zelensky mới đây đã lên tiếng thúc giục phương Tây cung cấp thêm các loại vũ khí phòng không.

Ông Zelensky cho biết, chỉ riêng trong tháng 3, Nga đã phóng tới 130 quả tên lửa và tiến hành hơn 320 đợt tấn công bằng máy bay không người lái và 900 đợt rải bom lượn.

Ông Zelensky khẳng định, vũ khí phòng không là thứ Ukraine rất cần kíp lúc này và bày tỏ cảm ơn các đồng minh về những nỗ lực “để có thể cung cấp những thứ chúng tôi đặt ưu tiên một cách kịp thời nhất”.

Xe tăng Nga tấn công các mục tiêu Ukraine trên chiến trường (Ảnh: AP)

Giới quan sát nhận định, Ukraine khó mà có thể cầm cự lâu dài trước Nga nếu không nhận được thêm viện trợ của Mỹ.

CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nhận định, tình thế trên chiến trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau bao gồm cả việc Nga tận dụng những ưu thế của mình như thế nào. “Tuy nhiên, tôi muốn nói rõ rằng, khả năng cầm cự của Ukraine không được tính bằng năm mà bằng tuần hoặc tháng”, vị quan chức này khẳng định.

Trước đó, hồi cuối tháng 2, quân đội Ukraine đã phải rút khỏi thị trấn Avdiivka do không thể đối chọi nổi trước ưu thế về nhân lực và vũ khí đạn dược vượt trội của Nga dù đã cố cầm cự ở đây trong nhiều tháng trời.

Binh sĩ Ukraine cũng nhiều lần than phiền về tình trạng thiếu hụt đạn dược khiến họ phải phơi mình dưới các đợt tấn công bằng bom lượn và máy bay không người lái mà không thể chống chọi được.

Bên cạnh đó, việc huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine cũng gặp khó khăn do các nguồn cung cấp tài chính bị cạn kiệt. Cho đến nay, bộ chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi có trụ sở tại Đức đã chi thêm 500 triệu USD ngoài ngân sách cơ bản trong năm tài khóa 2024 này để tiến hành huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine. Dự kiến, bộ chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi sẽ bị cạn kiệt ngân sách vào tháng 6 tới.

Trước đó, bộ chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi đã chi khoảng 2 tỷ USD cho công tác huấn luyện trong năm tài khóa 2024 thông qua nguồn ngân sách bổ sung được Quốc hội Mỹ thông qua. Cho đến nay, Mỹ đã tiến hành huấn luyện cho khoảng 19.000 binh sĩ Ukraine chủ yếu tại các căn cứ lục quân của Mỹ trên đất Đức. Tính chung với tất cả các đồng minh phương Tây, số binh sĩ Ukraine được huấn luyện đã lên tới 129.000 tại 100 căn cứ khác nhau trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, việc huấn luyện cũng đang bị chậm lại bởi Mỹ đang phải chờ đợi số lượng lớn binh sĩ Ukraine được rút lui khỏi chiến trường trở về. Lịch trình chính thức cho việc này cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi thời điểm này quân đội Ukraine đang hứng chịu nhiều tổn thất sau các cuộc tấn công của quân đội Nga trên chiến trường với ưu thế rõ rệt về nhân lực và hỏa lực.

Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin vẫn tin tưởng: “Quân đội Ukraine đang phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt và giao tranh ác liệt trên chiến trường. Tuy nhiên, Ukraine sẽ không lùi bước và Mỹ cũng vậy”.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/my-tien-thoai-luong-nan-trong-ke-hoach-vien-tro-quan-su-cho-ukaine-192240320171753477.htm