Mỹ tiến hành sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi Sudan

Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) ngày 23/4 cho biết, quân đội Mỹ đã tiến hành sơ tán các nhà ngoại giao của nước này khỏi Sudan, trong bối cảnh các cuộc giao tranh tại quốc gia Bắc Phi vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt bất chấp lệnh ngừng bắn 72 giờ.

Khói bốc lên từ khu vực xảy ra giao tranh tại thủ đô Khartium, Sudan, ngày 21/4. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Mỹ đã huy động 6 máy bay tham gia chiến dịch sơ tán, cùng với sự phối hợp của RSF. Một nguồn tin thân cận nói với Reuters rằng quân đội Mỹ đã sơ tán thành công các nhân viên đại sứ quán.

Lầu Năm Góc chưa phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này.

Trước đó, cơ quan này hôm 20/4 thông báo sẽ triển khai thêm binh sĩ và thiết bị đến một căn cứ hải quân ở nước láng giềng Sudan là Djibouti, thuộc Vịnh Aden, để đảm bảo an toàn và chuẩn bị cho kịch bản sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Sudan.

Theo các quan chức Mỹ, có khoảng 70 nhân viên công dân Mỹ làm việc tại đại sứ quán ở Khartoum. Ngoài ra, có khoảng 16.000 công dân Mỹ đã đăng ký với đại sứ quán là đang ở Sudan, nhưng Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo rằng con số đó có thể không chính xác vì nhiều người không thông báo với đại sứ quán khi họ rời đi.

Lực lượng quân đội chính quy Sudan và RSF cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn 27 giờ. Ảnh: Reuters

Sudan đang xảy ra cuộc giao tranh quyền lực giữa lực lượng quân đội chính quy Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy. Các cuộc đụng độ giữa hai bên bắt đầu diễn ra từ ngày 15/4.

Các cuộc tấn công đã khiến một số lượng lớn người dân bị mắc kẹt ở thủ đô Khartoum, vô hiệu hóa sân bay chính và khiến một số con đường không thể đi lại được. Liên Hợp Quốc và các quốc gia trên thế giới đã kêu gọi các lãnh đạo quân sự đối địch tôn trọng các lệnh ngừng bắn đã tuyên bố, đồng thời mở hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán và cung cấp viện trợ nhu yếu phẩm.

Người dân Sudan đang đối mặt với tình trạng thiếu nhu yếu phẩm, thuốc men và nước uống. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh sân bay đóng cửa và đường hàng không luôn bị đe dọa, các công dân nước ngoài tại Khartoum và nhiều khu vực của Sudan cũng gặp khó khăn khi sơ tán.

Saudi Arabia và Jordan hôm 22/4 đã bắt đầu sơ tán công dân tại cảng Sudan ở Biển Đỏ - cách thủ đô Khartoum khoảng 650 km. Trong khi đó, các nước phương Tây dự kiến sẽ gửi máy bay sơ tán công dân của họ từ Djibouti, mặc dù quân đội Sudan cho biết các sân bay ở Khartoum và ở Darfur Nyala - thành phố lớn nhất nước này đang gặp vấn đề và không rõ khi nào có thể mở cửa trở lại.

Cho đến nay, lực lượng quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) đều cáo buộc nhau vi phạm các lệnh ngừng bắn. Hai bên tiếp tục giao tranh vào ngày 22/4, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ kể từ ngày 21/4 để cho phép công dân được sơ tán đến nơi an toàn và đoàn tụ gia đình trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo.

"Tôi không có vấn đề gì với lệnh ngừng bắn”, lãnh đạo RSF Mohamed Hamdan Daglo nói với Al Arabiya TV hôm 22/4. “Lực lượng quân đội đã không tôn trọng điều đó. Nếu họ tôn trọng thì chúng tôi cũng vậy”.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Medecins Sans Frontieres - MSF) đã kêu gọi các bên tạo điều kiện cho đi lại an toàn. Ông Abdalla Hussein, Giám đốc điều hành MSF tại Sudan, cho biết: “Chúng tôi cần các cảng nhập cảnh để có thể đưa nhân viên chuyên khoa chấn thương và vật tư y tế đến đây để cứu chữa người dân".

Người dân tập trung tại điểm phát bánh mì ở Khartoum, ngày 22/4. Ảnh: Reuters

Hiệp hội bác sĩ Sudan cho biết hơn 2/3 số bệnh viện ở các khu vực xảy ra giao tranh đã ngừng hoạt động, với 32 bệnh viện buộc phải sơ tán hoặc bị kẹt trong làn đạn.

Ngoài Khartoum, tình trạng bạo lực tồi tệ nhất cũng được báo cáo từ Darfur, khu vực phía tây Sudan - nơi đã hứng chịu xung đột leo thang từ năm 2003, khiến 300.000 người thiệt mạng và 2,7 triệu người phải di tản.

Một báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc hôm 22/4 cho biết những kẻ cướp bóc đã lấy đi ít nhất 10 phương tiện của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và 6 xe tải thực phẩm khác, sau khi xông vào các văn phòng và nhà kho của cơ quan này ở Nyala, phía nam Darfur.

Theo Reuters, việc Sudan đột ngột rơi vào nội chiến đã phá vỡ các kế hoạch khôi phục chế độ chính trị dân sự, đẩy một quốc gia vốn đã nghèo khó đến bờ vực của thảm họa nhân đạo và đe dọa gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy bên nào có thể đảm bảo một chiến thắng nhanh chóng hoặc sẵn sàng đàm phán. Lực lượng quân đội Sudan có sức mạnh không quân, trong khi RSF có khả năng triển khai binh sĩ rộng rãi ở các khu vực thành thị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/4 cho biết 413 người đã thiệt mạng và 3.551 người bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra. Số người chết bao gồm ít nhất 5 nhân viên cứu trợ của các tổ chức quốc tế.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/my-tien-hanh-so-tan-nhan-vien-dai-su-quan-khoi-sudan-post20781.html