Mỹ tái lập phi đoàn tiêm kích đánh chặn thời Chiến tranh Lạnh

Không quân Mỹ quyết định tái lập phi đoàn tiêm kích đánh chặn, điều mà trước Washington đã giải thể sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

"Phi đoàn 'quân xanh' số 18 được đổi tên thành Phi đoàn Tiêm kích đánh chặn số 18 từ ngày 2/4. Động thái thể hiện nỗ lực tái bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng đề ra nhằm phục vụ hàng loạt ưu tiên quốc gia", không quân Mỹ thông báo.

Phi đoàn số 18 được trang bị tiêm kích hạng nhẹ F-16, là một trong hai đơn vị chuyên đóng vai quân địch của không quân Mỹ, đóng tại căn cứ Eielson ở bang Alaska.

Nhiệm vụ của họ là giúp phi công nhận diện đối thủ trong các trận không chiến tầm gần, cũng như mô phỏng môi trường tác chiến sát thực tế nhất có thể.

Máy bay thuộc các đơn vị này đều sơn họa tiết nhiều màu sặc sỡ hoặc mô phỏng màu sơn của chiến đấu cơ Nga, Trung Quốc.

Trong khi đó, phi đoàn tiêm kích đánh chặn là đơn vị tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ vùng trời và lãnh thổ Mỹ khỏi các mối đe dọa đường không.

Quyết định tái lập đơn vị tiêm kích đánh chặn được coi là động thái chuyển đổi quan trọng, đánh dấu lần đầu định danh "phi đoàn tiêm kích đánh chặn" được không quân Mỹ sử dụng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Điều này cho thấy cục diện an ninh đang thay đổi ở Bắc Cực và Thái Bình Dương, cũng như ưu tiên mới của không quân Mỹ tại khu vực.

Giới chuyên gia quân sự nhận định tái lập phi đoàn tiêm kích đánh chặn là động thái phù hợp của không quân Mỹ, nhằm giảm tải cho đơn vị chiến đấu cơ F-22 tại căn cứ Elmendorf.

Số lượng máy bay F-22 sẵn sàng chiến đấu đang ở mức thấp, một phần không nhỏ trong tổng số 187 chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này không đạt trang thái sẵn sàng chiến đấu.

Mặt khác dùng chiến đấu cơ F-22 làm nihệm vụ tuần tiễu được cho là không kinh tế do chi phí bay đắt đắt đỏ.

Chưa kể việc làm nhiệm vụ tuần phòng vùng trời gây hao mòn khí tài và khiến F-22 không thể tận dụng những lợi thế then chốt như khả năng tàng hình.

Trong khi những chiếc F-16 của Phi đoàn 18 ngày càng đảm nhận nhiều nhiệm vụ phòng không, trong đó có xuất phát để giám sát máy bay quân sự Nga hoạt động gần Alaska.

Những chiếc tiêm kích F-16 có thể mang bộ chỉ thị mục tiêu Sniper để nhận diện và thu thập dữ liệu mục tiêu từ xa, điều mà tiêm kích F-22 không thể thực hiện.

Không quân Mỹ đang sở hữu khoảng 2.500 chiếc F-16 với các phiên bản khác nhau.

Những chiếc F-16 luôn được Mỹ nâng cấp để đáp ứng yêu cầu trong tác chiến hiện đại.

Dù quân đội Mỹ không tiến hành mua mới chiến đấu cơ F-16, tuy nhiên dòng máy bay này vẫn được sản xuất để bán cho các đồng minh của Mỹ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-tai-lap-phi-doan-tiem-kich-danh-chan-thoi-chien-tranh-lanh-post572434.antd