Mỹ nỗ lực trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm tương lai

Trong khi hàng loạt các loại vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc đang dần được đưa vào trang bị, Mỹ đang tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua phát triển dòng vũ khí của tương lai này. Bất chấp những nỗ lực về tài chính, nguồn lực của Nhà Trắng và Lầu Năm góc, các chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ hiện vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể.

Hiện thực hóa tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đầu năm 2020, Lầu Năm góc đã đồng loạt đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm và phương tiện phòng thủ lại chúng. Giới chức Lầu Năm góc đang kỳ vọng tới giữa thập kỷ 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm các loại vũ khí đánh chặn mới có đủ năng lực đối phó với các dòng tên lửa siêu vượt âm mới của các đối thủ tiềm tàng.

Trong năm 2021, Hải quân Mỹ dự kiến chi hơn 1 tỷ USD tập trung phát triển dòng vũ khí siêu vượt âm mũi nhọn với tên gọi Chương trình vũ khí tấn công đột kích – CPS. Chương trình vũ khí mới này của Mỹ được thiết kế với mục tiêu thực hiện các đòn tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu giá trị chiến lược của đối phương mà không cần thông qua lực lượng tác chiến ở tiền phương.

 Chậm chân trước các quốc gia đối thủ, Mỹ đang tái khởi động lại hàng loạt chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm tương lai từng bị đóng băng trong quá khứ.

Chậm chân trước các quốc gia đối thủ, Mỹ đang tái khởi động lại hàng loạt chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm tương lai từng bị đóng băng trong quá khứ.

Những chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ tỏ ra rất tham vọng, nhưng thực tế lại thể hiện sự tụt hậu trong lĩnh vực công nghệ cao này. Mỹ chính là quốc gia khởi đầu phát triển vũ khí siêu vượt âm mới từ đầu những năm 2000, nhưng các lần thử nghiệm không đạt được kết quả như mong muốn. Ở thời điểm đó, an ninh chiến lược của Mỹ vẫn được đảm bảo bởi kho vũ khí hùng hậu, nên việc phát triển vũ khí siêu vượt âm mới đã bị xem nhẹ, thậm chí là đóng băng. Vấn đề chỉ phát sinh khi các đối thủ tiềm năng của Mỹ bất ngờ sở hữu các loại vũ khí không có đối thủ này mà Washington không hề hay biết. Có thể lấy ví dụ ngày từ việc Nga công bố các loại vũ khí siêu vượt âm mới hồi năm 2018 khiến giới chức quân sự Mỹ bất ngờ. Để đối phó, Lầu Năm góc đang cố gắng làm sống dậy những dự án vũ khí siêu vượt âm đã từng bị đóng băng để không bị tụt hậu trong cuộc đua.

Vũ khí trang bị trên tàu ngầm sẽ là ưu tiên?

Một trong những dự án phát triển vũ khí siêu vượt âm mới khả thi nhất hiện nay của Mỹ chính là loại trang bị trên tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia, cụ thể là phiên bản mới nhất Block-V. Chúng được đặt trong 7 module phóng thẳng đứng tương tự như các loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Module này cũng phù hợp để lắp đặt trên các khu trục hạm lớp DDG-1000 Zumwalt.

 Hướng tiếp cận thiết bị lượn siêu thanh có vẻ là dễ dàng nhất, nhưng vẫn mang nhiều khó khăn về mặt công nghệ đặc biệt như dẫn đường, vật liệu chế tạo, hình dạng khí động học mà chỉ có quá trình thực nghiệm mới có thể giải quyết.

Hướng tiếp cận thiết bị lượn siêu thanh có vẻ là dễ dàng nhất, nhưng vẫn mang nhiều khó khăn về mặt công nghệ đặc biệt như dẫn đường, vật liệu chế tạo, hình dạng khí động học mà chỉ có quá trình thực nghiệm mới có thể giải quyết.

Từ các thông tin công khai, vũ khí siêu vượt âm mới là một tên lửa đẩy 2 tầng sử dụng nhiên liệu rắn mang theo thiết bị lượn đặc biệt Common-Hypersonic Glide Body (C-HGB). Quá trình thử nghiệm C-HGB bắt đầu được thực hiện từ năm 2017. Cùng với đó, với một vài sửa đổi về thiết kế, C-HGB hoàn toàn phù hợp để nằm vào vị trí các đầu đạn của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Thiết bị lượn siêu vượt âm này có nguyên tắc hoạt động lướt trong không gian như một cánh diều và được cho là có thể bay với vận tốc gấp 5 lần âm thanh (Mach 5). Tốc độ này thấp hơn nhiều so với tốc độ ở giai đoạn hồi quyển (tiến vào khí quyển Trái đất) của thiết bị lượn Avangard của Nga là Mach 27, tương đương tốc độ vũ trụ cấp 2.

Hàng loạt công trình phát triển vũ khí dở dang

Không chỉ theo đuổi chương trình phát triển thiết bị lượn siêu thanh như C-HGB, trong nhiều năm qua, Mỹ còn có nhiều chương trình phát triển tên lửa siêu vượt âm phóng từ máy bay. Tuy nhiên, tất cả chúng đều chưa đủ tin cậy để từ nguyên mẫu công nghệ trở thành vũ khí.

Từ năm 2010, Boeing đã thực hiện hàng loạt vụ phóng thử nguyên mẫu tên lửa X-51A Waverider, nhưng đều thất bại. Quá trình phát triển dòng vũ khí tương lai này được bắt đầu từ những năm 2000 này hiện vẫn chưa sẵn sàng đưa vào trang bị. Không quân Mỹ dự kiến sẽ hoàn thiện X-51A Waverider vào năm 2025, nhưng chưa thể chắc chắn vào mốc thời gian đó.

 Khó khăn của Mỹ chính là thiếu các thực nghiệm công nghệ được tích lũy và kế thừa qua nhiều thập niên, giống như Liên Xô và Nga để có được thiết kế vũ khí siêu vượt âm đáng tin cậy và hiệu quả.

Khó khăn của Mỹ chính là thiếu các thực nghiệm công nghệ được tích lũy và kế thừa qua nhiều thập niên, giống như Liên Xô và Nga để có được thiết kế vũ khí siêu vượt âm đáng tin cậy và hiệu quả.

Trong lần thử nghiệm thành công đầu tiên vào năm 2013, nguyên mẫu X-51A Waverider đã đạt tốc độ bay tới Mach 5. Tuy nhiên, những cải tiến sau đó áp dụng lên dòng tên lửa siêu vượt âm này liệu có giúp tăng tốc độ bay của nó hay không vẫn chưa được xác nhận. Nếu để so sánh, X-51A Waverider kém xa so với dòng tên lửa Kh-47M2 Kinzhal bên kia bờ đại dương với khả năng bứt tốc tới Mach 10-12.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các chương trình khởi động phòng thủ tên lửa mới nhằm đối phó với vũ khí siêu vượt âm tương lai. Lầu Năm góc hiện mới đang trong giai đoạn xây dựng khái niệm về loại vũ khí phòng thủ mới và sẽ mất nhiều thập niên và tiền bạc để biến chúng từ bản vẽ thành các loại vũ khí thành hình trên chiến trường. Nói một cách khác, Mỹ đang tụt hậu so với các quốc gia đối thủ trong lĩnh vực vũ khí mới này.

Đánh giá về vấn đề này, tướng John Hyten, Phó chủ tịch Hội đồng Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã phải thừa nhận, Washington đã thất bại trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm mới và sẽ phải mất nhiều năm để giành lại vị thế siêu cường quân sự của mình.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/my-no-luc-trong-cuoc-dua-phat-trien-vu-khi-sieu-vuot-am-tuong-lai-611699