Mỹ mua lại máy bay Boeing cũ của Hàn Quốc, hoán cải thành siêu phi cơ 'Ngày tận thế'?

Năm máy bay Boeing 747-8 mua lại của hãng bay Korean Air có khả năng được hoán cải làm máy bay 'Ngày tận thế' (Doomsday) thay thế dòng phi cơ E-4B Nightwatch, hoạt động như trung tâm kiểm soát và chỉ huy trong thảm họa.

Chi 675 triệu USD mua máy bay cũ

Tuần qua, hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air thông báo bán 5 máy bay cũ cho Tập đoàn hàng không vũ trụ Mỹ Sierra Nevada (SNC).

Tổng giá trị hợp đồng là 918 tỷ won (khoảng 674 triệu USD, tương đương 17,2 nghìn tỷ đồng), dự kiến giao hàng vào tháng 9/2025.

Tập đoàn Sierra Nevada ngày 10/5 cũng xác nhận đã mua 5 máy bay Boeing 747-8 từ Korean Air nhưng không nêu rõ mục đích.

Theo CNN, mục đích sử dụng nhằm thay thế đội phi cơ "Ngày tận thế" E-4B Nightwatch, thuộc chương trình phát triển và thay thế phương tiện Trung tâm Chỉ huy trên không Có khả năng sống sót (SAOC).

5 chiếc máy bay Boeing 747-8 mua lại của hãng bay Korean Air có khả năng được hoán cải thành dòng phi cơ “Ngày tận thế” (Doomsday) E-4B Nightwatch của Không quân Mỹ. (Ảnh: Business Insider)

Truyền thông Mỹ cho biết, thời gian qua, SNC đã ký kết hợp đồng trị giá 13 tỷ USD với Không quân Hoa Kỳ cho chương trình SAOC, phát triển thế hệ máy bay mới thay thế dòng phi cơ “Ngày tận thế” E-4B Nightwatch. Dự kiến, máy bay mới sẽ đi vào hoạt động từ năm 2036.

Máy bay mới sẽ được trang bị các tính năng vượt trội, có khả năng chống lại các mối đe dọa điện tử và hạt nhân, bao gồm hệ thống liên lạc an toàn, hệ thống tự vệ, tiếp nhiên liệu trên không...

Mặc dù số lượng máy bay cụ thể Không quân Mỹ cần mua vẫn chưa được tiết lộ nhưng The Avionist trích dẫn một số báo cáo cho biết quân đội Mỹ dự định phát triển từ 8 đến 10 máy bay cho đội bay SAOC.

Máy bay “Ngày tận thế” lợi hại thế nào?

Sở dĩ được mệnh danh là “Ngày tận thế” bởi dòng máy bay này có khả năng hoạt động ngay cả khi xảy ra chiến tranh hạt nhân, có thể triển khai như một trung tâm điều hành chỉ huy trong các tình huống khẩn cấp.

Các máy bay này đóng vai trò như Trung tâm Hoạt động trên không Quốc gia Mỹ (NAOC), có nhiệm vụ chỉ huy, kiểm soát các hoạt động bay, chỉ đạo điều hành lực lượng hạt nhân và các lực lượng khác, cũng như tiếp nhận, xác minh và chuyển tiếp các Thông báo Hành động Khẩn cấp (EAM) của quân đội.

Máy bay "Ngày tận thế" có khả năng hoạt động ngay cả khi xảy ra chiến tranh hạt nhân, có thể triển khai như một trung tâm điều hành chỉ huy trong các tình huống khẩn cấp. (Ảnh: Military)

Để phục vụ những nhiệm vụ trên, khoang chính của máy bay cũng được chia thành 6 khu vực chức năng: khu vực chỉ huy, phòng hội nghị, khu vực giao ban, khu làm việc của đội tác chiến, khu liên lạc và khu vực nghỉ ngơi.

Một chiếc E-4B có thể chở đến 112 người, bao gồm nhóm điều hành chung, phi hành đoàn của Không quân, nhân viên bảo trì, an ninh, chuyên gia liên lạc và nhân viên hỗ trợ.

Ngoài ra, dòng máy bay “Ngày tận thế” cũng thường xuyên sử dụng để chở Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các quan chức cấp cao trong các chuyến công du nước ngoài bởi khả năng đảm bảo sinh mạng cho người ngồi trên máy bay ngay cả khi xảy ra tấn công hạt nhân.

Không quân Mỹ đang vận hành 4 máy bay E-4B, được đưa vào sử dụng từ năm 1970, hoán cải từ dòng máy bay thương mại Boeing 747-200. Bộ Chỉ huy Tấn công Toàn cầu của Không quân trực tiếp quản lý các máy bay này tại căn cứ Offutt ở bang Nebraska.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/my-mua-lai-may-bay-boeing-cu-cua-han-quoc-hoan-cai-thanh-sieu-phi-co-ngay-tan-the-192240511152304151.htm