Mỹ lao đao với vấn nạn ô nhiễm nhựa

Rác thải nhựa đang đe dọa nghiêm trọng đến kinh tế, môi trường và sức khỏe của người dân Mỹ.

Mỹ từ lâu đã đối diện với ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng. Chỉ trong một năm, người dân tại quốc gia này đã xả ra môi trường 40 triệu tấn rác thải nhựa - số lượng đủ để nhấn chìm toàn bộ quận Manhattan.

Nền kinh tế số một thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề này, chẳng hạn như: xuất khẩu nhựa, thiêu hủy hoặc chôn cất.

Rác thải nhựa đang đe dọa đến nước Mỹ. Ảnh: Getty Image

Mỗi năm, Washington đã xuất khẩu 7 triệu tấn nhựa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này trở nên khó khăn khi Bắc Kinh đã cắt giảm việc nhập khẩu nhựa vào năm 2018.

Giờ đây, nước Mỹ đang gặp khó khăn trong tái chế nhựa cũng như thu được lợi nhuận từ điều này. Gần như phần lớn nhựa không được tái chế, chủ yếu là do tốn nhiều chi phí trong việc làm sạch và phân loại rác thải nhựa. Một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy chỉ 9% tổng số nhựa từng sản xuất đã được tái chế, 72% được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường.

Rác thải nhựa đang để lại hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Khoảng 430 triệu tấn nhựa được sản xuất trên thế giới mỗi năm. Chỉ riêng việc tinh chế nhựa đã thải ra đến 235 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm. Hầu hết nhựa này phân hủy thành các hạt vi nhựa xâm nhập vào không khí, nước mưa, cũng như len lỏi vào cơ thể người. Hiện, gần 95% nguồn cung cấp nước của Mỹ có chứa sợi nhựa.

Ngoài Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia cũng hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa từ Mỹ, Anh và châu Âê. Hiện tại, Mỹ đang nỗ lực tìm giải pháp thay thế. Một số tập đoàn dầu mỏ như: Chevron và Exxon đang tìm cách biến nhựa thành dầu thô. Trong nỗ lực tìm kiếm năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch, các công ty này đã xây dựng hơn 150 nhà máy nhiệt phân, một hình thức tái chế hóa học làm tan chảy nhựa thành dầu thô để sử dụng, trên khắp nước Mỹ.

Nhiều người đã ủng hộ phương pháp này với việc những nhà máy trên đóng vai trò quan trọng trong phân hủy các loại nhựa khó tái chế. Tuy nhiên, một số khác lại phản đối do chúng thải ra các hạt độc hại cũng như phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của chính phủ.

Dù được nhận định là một giải pháp nhằm tận dụng rác thải nhựa triệt để và hạn chế việc sản xuất nhựa mới, các số liệu cho thấy sản lượng nhựa đã tăng gấp đôi cứ sau 15 đến 20 năm.

“Phương pháp này không bền vững. Chúng tôi không biết cách nào để ngăn chặn tình trạng tồi tệ này” – Tim Miller, Phó chủ tịch tại trung tâm tái chế nhựa Royal Paper Stock tại Ohio cho biết.

Ông nói thêm tác động của biện pháp này rất hạn chế, đồng thời viện dẫn trường hợp cơ sở nhiệt phân tại Oregon vừa tuyên bố đóng cửa sau khi thua lỗ hàng chục triệu USD.

Ngoài ra, người dân tại TP Akron, bang Ohio – nơi chiếm đến 1/4 số công ty sản xuất polymer của Mỹ lại đưa ra phản ứng trái chiều đối với nhà máy nhiệt phân của Alterra Energy. Dù cơ sở này đã góp phần quan trọng trong tái chế nhựa để sử dụng thay vì đưa đến các bãi rác hoặc lò đốt, nó lại tác động tiêu cực đến môi trường cũng như đe dọa đến sức khỏe của người dân khi thải ra các chất gây ô nhiễm và ung thư như: thủy ngân, benzene và asen, cũng như đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng khí hậu.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn tin rằng việc giảm sản xuất nhựa hoàn toàn có thể thực hiện được. Abou-Ghalioum của công ty môi trường Buckeye cho biết hơn 500 thành phố và 12 tiểu bang đã cấm túi nhựa, làm giảm đáng kể việc sử dụng các túi này.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-lao-dao-voi-van-nan-o-nhiem-nhua.html