Mỹ khuyến nghị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ nhỏ ở trung tâm y tế cộng đồng TP Los Angeles, bang California (Mỹ). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Hội đồng cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 18/6 đã bỏ phiếu khuyến nghị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và có khả năng đợt triển khai tiêm phòng trên toàn nước Mỹ cho trẻ ở độ tuổi này sẽ bắt đầu vào tuần tới.

Kết quả cuộc bỏ phiếu với tất cả 12 phiếu ủng hộ động thái này đã được Giám đốc CDC Rochelle Walensky ký phê duyệt để Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai.

Trước đó, ngày 17/6, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã nhất trí tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược Moderna cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi (2 mũi tiêm, mỗi mũi liều lượng bằng 1/4 liều dành cho người lớn, tiêm cách nhau khoảng 4 tuần).

Trong khi đó, vắc xin của Pfizer-BioNTech sẽ dành cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi (liều dùng bằng 1/10 liều của người lớn và cần tiêm ba mũi. Hai mũi lần đầu tiên được tiêm cách nhau 3 tuần và lần cuối cùng tiêm ít nhất là 2 tháng sau đó).

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ, thông báo: “Chúng tôi biết hàng triệu cha mẹ và người chăm sóc trẻ đang mong muốn được tiêm chủng cho trẻ nhỏ của họ và với quyết định ngày hôm nay, họ có thể làm điều đó”.

Hội đồng cố vấn của CDC Mỹ cho biết các mũi tiêm giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi nguy cơ phải nhập viện, tử vong và các biến chứng lâu dài có thể xảy ra mà vẫn chưa được biết rõ bởi dịch COVID-19. Ước tính khoảng 18 triệu trẻ em Mỹ sẽ đủ điều kiện tiêm, song vẫn còn phải xem cuối cùng bao nhiêu trẻ sẽ được tiêm chủng.

Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị cho việc bắt đầu tiêm vào đầu tuần tới, với hàng triệu liều được đặt hàng để phân phối cho các bác sĩ, bệnh viện và phòng khám sức khỏe cộng đồng trên khắp nước Mỹ.

* Theo Tân Hoa xã, một loại vắc xin ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA của Trung Quốc nhằm sử dụng làm mũi tiêm tăng cường đã chứng tỏ an toàn và có thể tạo phản ứng miễn dịch chống biến thể Omicron.

Vắc xin AWcorna, trước đây mang tên ARCoV, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Trong cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học từ Viện Khoa học quân y Trung Quốc, Viện sức khỏe hô hấp Quảng Châu và công ty công nghệ sinh học Walvax đã nghiên cứu lâm sàng 300 người trưởng thành đã tiêm đủ hai mũi vắc xin bất hoạt.

Tất cả tình nguyện viên được tiêm ngẫu nhiên mũi tăng cường bằng vắc xin AWcorna hoặc một vắc xin bất hoạt, và được đánh giá mức độ kháng thể trước tiêm, 14 và 28 ngày sau tiêm.

Theo bài viết công bố kết quả thử nghiệm, đăng trên nhật báo Cell Research, mũi tăng cường bằng vắc xin AWcorna giúp tạo lượng kháng thể nhiều gấp 3 lần so với nhóm tiêm vắc xin bất hoạt.

Dù việc tạo kháng thể chống biến thể Omicron ít hơn đáng kể so với các loại biến thể khác ở cả hai nhóm, nhưng sau 28 ngày, kháng thể ở người được tiêm vắc xin AWcorna vẫn duy trì ở mức 28,1 tức là cao gấp bốn lần so với nhóm tiêm vắc xin bất hoạt (chỉ ở mức 6,4).

Kết quả lâm sàng cho thấy tiêm mũi tăng cường hỗn hợp bằng loại vắc xin mRNA có thể giúp tăng kháng thể chống SARS-CoV-2 nhiều hơn so với tiêm cả ba mũi vắc xin cùng loại. Ngoài ra, không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận ở nhóm tiêm vắc xin AWcorna.

Các nhà nghiên cứu cho biết hiệu quả của mũi tiêm tăng cường bằng vắc xin này trong việc ngăn lây nhiễm vẫn chưa được xác định rõ, nhưng lượng kháng thể được sinh ra sau tiêm cho phép vắc xin này có thể dùng khẩn cấp như một mũi tăng cường kháng loại ở Trung Quốc.

Theo các nhà nghiên cứu, quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở quy mô quốc tế đang diễn ra, với sự tham gia của 28.000 tình nguyện viên, sẽ cung cấp thêm thông tin về mức độ an toàn của vắc xin AWcorna.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/277864/my-khuyen-nghi-tiem-vac-xin-phong-covid-19-cho-tre-tu-6-thang-tuoi.html