Mỹ khuyến khích học sinh học Toán để giải cứu thế giới

Đây là thông điệp huấn luyện viên đội tuyển Olympic Toán của Mỹ muốn truyền đến học sinh để khơi gợi đam mê học Toán trong các em.

Tại các kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), đội tuyển Mỹ thường nằm trong nhóm các quốc gia có kết quả cao nhất.

Chia sẻ tại phiên thảo luận ngày 15/10 trong Hội thảo quốc tế về Giáo dục Toán học do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, GS Pro-Shen Loh từ ĐH Carnegie Mellon, huấn luyện viên quốc gia đội Olympic Toán của Mỹ, cho biết việc bồi dưỡng học sinh giỏi Toán ở nước này tập trung vào khơi gợi đam mê Toán học ở các em.

 GS Po-Shen Loh từng đến nhiều nơi ở Mỹ để nói chuyện với học sinh, phụ huynh, khơi gợi đam mê học Toán của các em. Ảnh: Quanta.

GS Po-Shen Loh từng đến nhiều nơi ở Mỹ để nói chuyện với học sinh, phụ huynh, khơi gợi đam mê học Toán của các em. Ảnh: Quanta.

Đến nhiều thành phố huy động học sinh hứng thú với Toán

GS Pro-Shen Loh cho hay đội tuyển Mỹ thường xếp sau Trung Quốc về kết quả tại các kỳ thi IMO. Ông từng cho rằng nguyên nhân nằm ở việc Trung Quốc có dân số đông gấp 4 lần Mỹ.

Tuy nhiên, năm 2012, Hàn Quốc, một nước có quy mô dân số nhỏ hơn, lại chiến thắng Mỹ. Ông đã tìm kiếm lời giải thích cho hiện tượng này.

Sau cuộc thảo luận với GS Song Yongjin từ ĐH Inha, Phó chủ tịch Hội Toán học Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Olympic Toán Hàn Quốc, ông nhận ra không phải dân số mà số lượng học sinh thực sự muốn tham gia cuộc thi mới là yếu tố quyết định.

Vì thế, khi làm trưởng nhóm IMO Mỹ, GS Loh muốn tìm đến những học sinh có năng lực cơ bản, bình thường và trau dồi, tăng cường đam mê của các em với môn Toán để tăng số lượng các em có khả năng tham gia IMO.

Ông cho rằng số lượng học sinh có tiềm năng giỏi Toán rất lớn, nhiều trường hợp học lực bình thường nhưng sau một thời gian, các em trở nên rất giỏi.

“Tôi từng thảo luận với Hội Toán học Mỹ vì nếu hội muốn tôi làm huấn luyện viên, có thể kết quả từ đầu sẽ không cao. Nhưng trong vòng 10-20 năm, tôi đảm bảo sẽ cải thiện kết quả. Tuy nhiên, chưa mất chừng đó năm, kết quả của Mỹ đã cải thiện”, GS Pro-Shen Loh nhớ lại.

Người Mỹ có quan niệm phần lớn tài năng Toán học đến từ Boston, Washington, New York, San Francisco. Song từ thực tế đội tuyển dự thi, ông cho rằng thí sinh có thể đến từ những nơi xa xôi, kết quả không phụ thuộc vào xuất phát điểm của các em.

GS Loh cũng tránh dùng từ tài năng, năng khiếu vì tin tưởng bất cứ học sinh nào đều có khả năng phát triển năng lực nếu có nỗ lực nội tại để nghiên cứu, học tập nhiều hơn.

Ông muốn huy động càng nhiều học sinh hứng thú với Toán càng tốt. Ông thường đi đến các thành phố dọc bờ biển và những nơi có dân số trên 500.000. Ở mỗi nơi, ông có một bài trình bày với khoảng 100 học sinh tham gia.

Ông cố gắng đi nhiều nơi với mong muốn không chỉ trở thành huấn luyện viên của những học sinh giỏi nhất mà có thể khơi gợi niềm đam mê của cả những học sinh bình thường.

GS Loh thông tin thêm ngoài ông, nhiều nguồn lực khác cũng tham gia huy động học sinh học Toán, giúp các em cảm thấy hào hứng với cuộc thi.

 GS Loh cùng các huấn luyện viên chương trình bồi dưỡng môn Toán thường truyền thông điệp tới học sinh về trách nhiệm giải cứu thế giới. Ảnh: Quanta.

GS Loh cùng các huấn luyện viên chương trình bồi dưỡng môn Toán thường truyền thông điệp tới học sinh về trách nhiệm giải cứu thế giới. Ảnh: Quanta.

Thí sinh không tham gia thi để thắng

Huấn luyện viên quốc gia đội Olympic Toán của Mỹ thông tin nước này cũng có các cuộc thi Toán cho học sinh. Tuy nhiên, các cuộc thi không được tổ chức với mục đích để thí sinh giành giải thưởng mà hướng tới khơi gợi đam mê học Toán của học sinh.

Ông chia sẻ thêm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc thi được tổ chức ở nhiều nơi trên đất nước. Học sinh lên xe buýt để đến các điểm thi. Trên xe, gương mặt các em hiện rõ sự hào hứng.

“Bản thân cuộc thi là hoạt động xã hội, cho các em cơ hội gặp gỡ, giao lưu. Chúng tôi tổ chức thi Toán ở sân vận động. Thí sinh không cố gắng đến thi để thắng mà là để gặp gỡ”, GS Po-Shen Loh nói.

Ông chia sẻ thêm họ mong muốn thi sinh thử thách phá bỏ giới hạn bản thân để khám phá khả năng khác của mình. Hoạt động cũng đưa thí sinh từ các nơi xa xôi đến cùng địa điểm để thảo luận với nhau.

Việc đào tạo, huấn luyện thí sinh tham gia Olympic Toán quốc tế ở Mỹ không chỉ tập trung vào các em dự thi IMO. Họ tập hợp được nhóm học sinh giỏi nhất.

Họ dạy các học sinh Toán nhưng phần lớn thời gian, họ khuyến khích các em bàn luận các vấn đề toán học. Gần đây, chủ đề bàn luận còn có vấn đề về sức khỏe cộng đồng, sự hợp tác với Singapore, dùng kiến thức toán học để kiềm chế sự ảnh hưởng của dịch bệnh.

GS Loh cho hay các huấn luyện viên muốn khơi gợi đam mê phát triển toán học giữa các thí sinh.

“Chúng tôi truyền đến thông điệp các em có trách nhiệm giải cứu thế giới. Nếu các em không làm, ai có thể đảm nhận trách nhiệm này. Đây là công việc mà huấn luyện viên môn Toán cố gắng tiến hành và cũng không phải là công việc tập trung hoàn toàn vào Mỹ”, GS Po-Shen Loh cho hay.

Ông nói thêm rất nhiều cựu thí sinh của chương trình này đã tham gia vào các tập đoàn lớn. Tại kỳ thi ở mức độ cao nhất, Mỹ còn mời thí sinh từ các quốc gia khác, mang đến sự hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, trong vấn đề đào tạo, phát triển năng lực học Toán của học sinh, GS Loh còn nhấn mạnh thành công là khái niệm mang tính dài hơi, dài hạn chứ không phải là cố gắng đạt kết quả ngay trước mắt.

Thực tế, tính dài hạn này còn được thể hiện ở khâu tổ chức. Chương trình bồi dưỡng tài năng Toán ở Mỹ hầu như không nhận vốn từ chính phủ.

Ban đầu, chương trình có khoảng 200.000 ứng viên tham gia thi. Mỗi em trả 3 USD. Tuy nhiên, GS Loh cho hay thực tế, khoản tiền này không đủ vì họ phải chuẩn bị đề thi, gửi đề đi khắp nơi.

Vì thế, phần lớn khoản đầu tư đến từ hỗ trợ khác, trong đó có hệ thống các trường đại học. Đây cũng là một đặc điểm của giáo dục đại học ở Mỹ. Các trường nước này thường hỗ trợ sinh viên học. Sau này, khi sinh viên ra trường, phát triển sự nghiệp, có kinh tế vững chắc, họ sẽ hỗ trợ lại trường.

“Tương tự, chúng tôi đầu tư cho học sinh trong vài năm. Sau này, các em trả lại. Dựa trên điều này, các trường sẽ đầu tư. Chúng tôi không chỉ hy vọng các em thành công trong kỳ thi mà còn trong 10-20 năm sau. Như tôi không có tiền nên đầu tư về chuyên môn. Ban huấn luyện dạy miễn phí”, GS Po-Shen Loh cho hay.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-khuyen-khich-hoc-sinh-hoc-toan-de-giai-cuu-the-gioi-post1271051.html