Mỹ đưa ra ưu tiên số một cho ngành vận tải vào năm 2050

Ngày 24/4, Chính phủ Mỹ đã đặt ra mục tiêu quốc gia là cắt giảm lượng phát thải từ ngành vận chuyển hàng hóa về mức 0 vào năm 2050.

Cảng hàng hóa ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Nhà Trắng, trong khi ngành công nghiệp đã đạt được tiến bộ trong việc giảm lượng khí thải, thì hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong ô nhiễm không khí ở các địa phương, làm tăng nguy cơ về sức khỏe cho hàng triệu người dân Mỹ, nhất là các cộng đồng cộng đồng sống và làm việc gần đường cao tốc, bến cảng, nhà ga, kho bãi và các tuyến đường vận chuyển hàng hóa.

Ngành giao thông vận tải cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất ở Mỹ, với xe tải và xe bus chiếm gần 25% lượng khí thải từ ngành này. Vì vậy, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu quốc gia là đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2050.

Song song với việc thiết lập mục tiêu trên, Chính phủ Mỹ cũng công bố chiến lược quốc gia phát triển ngành vận tải không phát thải, với các khoản đầu tư cho lĩnh vực vận chuyển hàng hóa không phát thải và các hành động ưu tiên nhằm giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm không khí. Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã công bố khoản tài trợ trị giá gần 1 tỷ USD để giúp các thành phố, tiểu bang và bộ lạc thay thế các phương tiện trọng tải lớn như xe buýt trường học, xe thu gom rác và xe tải chở hàng, bằng các phương tiện chạy bằng điện hoặc thân thiện với môi trường. Nhà Trắng cũng thông báo Bộ Giao thông vận tải (DOT) đang công bố đợt đầu tiên trong chương trình tài trợ trị giá 400 triệu USD nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm cho tài xế xe tải, công nhân và các gia đình sống trong cộng đồng xung quanh các cảng tại Mỹ. Bộ Năng lượng (DOE) cũng công bố khoản đầu tư trị giá 72 triệu USD để chuẩn hóa các trạm sạc cho xe tải có trọng tải lớn. Theo Chính phủ Mỹ, mặc dù mức độ ô nhiễm không khí đã giảm, song sự chênh lệch về chất lượng không khí giữa các khu vực đã gia tăng trong thập kỷ qua, nhất là ở các cộng đồng người da màu và gia đình có thu nhập thấp. Mức độ ô nhiễm không khí cao thường thấy ở các khu vực xung quanh các nhà máy hoặc cạnh đường cao tốc, mặc dù hầu hết các nơi này đều đáp ứng tiêu chuẩn phát thải.

Hồng Nguyên (P/v TTXVN tại Washington)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-dua-ra-uu-tien-so-mot-cho-nganh-van-tai-vao-nam-2050/331054.html