Mỹ điều 1/5 binh lực hải quân, lập vành đai thép bảo vệ Israel

Với 2 nhóm tấn công tàu sân bay, 1 nhóm tàu đổ bộ tấn công, Mỹ đã huy động tới 1/5 binh lực hải quân chỉ để lập vành đai trên biển bảo vệ Israel.

Khu trục hạm Mỹ bảo vệ Israel từ phía nam

Hôm 20/10, khu trục hạm lớp Arleigh Burke mang số hiệu DDG-64 (USS Carney) của Mỹ đã bắn hạ 19 mục tiêu bao gồm tên lửa hành trình và UAV tự sát bay trên Biển Đỏ để tấn công vào Israel.

Số tên lửa và UAV này được phóng từ Yemen, bởi lực lượng dân quân Houthi thân Iran.

Hãng tin CNN dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết, khu trục hạm DDG-64 USS Carney trong khi đang thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đỏ vào hôm 20/10 đã đánh chặn 4 tên lửa hành trình và 15 máy bay không người lái tầm xa ở vùng biển phía nam, ngoài khơi tây Yemen, bay dọc theo Biển Đỏ lên phía bắc.

Vụ tấn công được tiết lộ đã kéo dài tới khoảng 9 tiếng, đường bay của số tên lửa và UAV này cho thấy chúng rõ ràng đang nhắm vào Israel, trong đó có một số mục tiêu được xác định là bay ở độ cao có khả năng gây nguy hiểm cho các máy bay dân dụng.

Được biết, tàu khu trục USS Carney đã bắn rơi số mục tiêu bay trên bằng tên lửa phòng không SM-2 (Standar Missile 2), loại tên lửa phòng không của hải quân Mỹ có khả năng đánh chặn cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, chiến đấu cơ, máy bay trực thăng và các máy bay không người lái chiến lược.

Tuy nhiên, thông thường loại tên lửa có giá khoảng 400-500 nghìn USD này thường được sử dụng để đánh chặn các mục tiêu có giá trị.

Nhưng ở đây, nó đã đánh chặn không chỉ tên lửa hành trình mà còn bắn hạ hàng loạt máy bay không người lái, được coi là mục tiêu có giá trị thấp hơn.

Điều này cho thấy rằng, Mỹ rất quan tâm trong việc loại trừ tất cả các mối đe dọa tới đồng minh Israel đến từ mọi đối thủ, từ mọi hướng.

Trong sự việc này, chiếc khu trục hạm Mỹ đã cực kỳ cảnh giác khi vùng biển phía tây Yemen cách cực nam lãnh thổ Israel khoảng 1000 dặm (khoảng trên dưới 1700km).

Điều này được chứng minh rõ ràng khi trang web uscarriers.net đưa tin, ngay sau vụ tấn công của Hamas vào phía nam Israel nổ ra ngày 07/10, chiếc khu trục hạm của Hạm đội 5 Hải quân Hoa Kỳ đã ngay lập tức đi qua eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải vào rạng sáng ngày 8 tháng 10.

Tàu khu trục DDG-64 USS Carney vượt quãng đường gần 4000km di chuyển sang phía đông Địa Trung Hải

Khu trục hạm USS Carney tiếp tục di chuyển nhanh từ tây sang phía đông Địa Trung Hải và liên tục tiến hành bổ sung hậu cần trên biển với tàu tiếp tế USNS Medgar Evers (T-AKE 13) vào các ngày 9 và 12/10, để duy trì hành trình liên tục trên quãng đường gần 4000km.

Sau khi hai cụm tàu sân bay Mỹ cùng tiến vào khu vực biển gần Israel ở phía đông Địa Trung Hải, vào ngày 18 tháng 10, DDG-64 đã rời Địa Trung Hải, qua kênh đào Suez xuống Biển Đỏ tuần tra và hai ngày sau nó đã đánh chặn thành công một đợt tấn công lớn của Houthi từ phía nam đánh vào Israel.

Hai cụm tàu sân bay Mỹ bảo vệ Israel từ phía bắc

Kể từ khi vụ tấn công của Hamas vào phía nam Israel nổ ra dẫn tới các cuộc không kích của Israel sang dải Gaza, Mỹ đã liên tục điều các cụm tàu lớn tới Địa Trung Hải nhằm bày tỏ sự ủng hộ và bảo vệ đồng minh Israel từ hướng biển, đặc biệt là 2 Nhóm Tấn công Tàu sân bay (CGS) và 01 Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ Bataan.

Nhóm Tấn công Tàu sân bay 12 (CGS 12) bao gồm tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN 78); cùng với tuần dương hạm tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Normandy (CG 60), 4 khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke là USS Thomas Hudner (DDG 116), USS Ramage (DDG 61), USS Carney (DDG 64) và USS Roosevelt (DDG 80).

Nhóm tấn công tàu sân bay 2 (CGS 2) bao gồm tàu sân bay Dwight D. Eisenhower (CVN-69), các tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Gravely (DDG-107) và USS Mason (DDG-87), tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Philippine Sea (CG-58).

Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ (ARG) Bataan do tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp LHD-5 USS Bataan chỉ huy, cùng với tàu bến đổ bộ lớp Harpers Ferry LSD-50 USS Carter Hall và tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio LPD-19 USS Mesa Verde, mang theo 2000 lính thủy đánh bộ của Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26.

Theo giới chuyên gia quân sự, sở dĩ Mỹ điều tới 1/5 binh lực hải quân tới đông Địa Trung Hải là để bảo vệ Israel từ hướng Bắc, nơi Tel Aviv tiềm tàng nguy cơ bị tấn công từ các đối thủ Syria, Iran và nhóm vũ trang người Shia Hezbollah của Lebanon.

Mỗi tàu sân bay Mỹ có tới 8 phi đội máy bay tấn công và hỗ trợ, cung cấp đủ khả năng trinh sát, giám sát trên không; chỉ huy cảnh báo sớm trên không; tác chiến điện tử. Các tiêm kích hạm trên tàu sân bay cũng luôn sẵn sàng cho nhiệm vụ kiểm soát không phận trên biển và không kích trên đất liền.

Các tàu tuần dương, tàu khu trục hộ tống tàu sân bay với hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đánh chặn SM-2/3 cũng chuẩn bị sẵn sàng cho các chiến dịch tập kích tên lửa vào lãnh thổ các đối thủ của Tel Aviv và đánh chặn các mục tiêu bay tấn công vào Israel.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/my-dieu-15-binh-luc-hai-quan-lap-vanh-dai-thep-bao-ve-israel-post658562.html