Mỹ đặt hàng sản xuất hàng loạt tên lửa PrSM để 'rảnh tay' viện trợ ATACMS

Tên lửa PrSM được Tập đoàn Lockheed Martin phát triển để thay loại MGM-140 ATACMS đã lạc hậu.

Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã nhận được hợp đồng thứ tư từ Lầu Năm Góc trị giá 219 triệu USD để sản xuất tên lửa PrSM (Tên lửa tấn công chính xác) sau khi vũ khí này đạt được giai đoạn sẵn sàng hoạt động ban đầu.

Tầm bắn của tên lửa là 499 km, nhưng trên thực tế con số này có thể lên tới 700 - 800 km. Chúng sẽ được phóng từ hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS và M270 MLRS. Thỏa thuận quy định việc giao hàng hoàn thành vào tháng 3/2026.

Những tên lửa sản xuất đầu tiên thuộc loại này đã được phóng vào tháng 12 năm ngoái. Tổng cộng, Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch mua 4.000 quả đạn nhằm lấp đầy kho dự trữ tên lửa đạn đạo chiến thuật của mình.

Chương trình Tên lửa tấn công chính xác bắt đầu từ năm 2017, nhưng dự án bị hạn chế bởi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF), áp đặt các hạn chế đối với Washington và Moskva trong việc phát triển tên lửa có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.

Tuy nhiên sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận nói trên vào năm 2019, Washington bắt đầu chế tạo các hệ thống tên lửa mặt đất tầm bắn xa hơn và có tính năng kỹ chiến thuật tiên tiến hơn.

Cần nói thêm vào tháng 1 năm nay, Washington đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ mới PrSM, được lên kế hoạch thay thế dòng MGM-140 ATACMS truyền thống.

Các cuộc bắn thử nghiệm loại đạn tấn công mới nói trên đã diễn ra tại Trung tâm huấn luyện White Sands. Tên lửa theo thông báo đã phá hủy nhiều mục tiêu ở tầm bắn khác nhau với độ chính xác cao.

Theo nhà phát triển, mục đích chính của tên lửa PrSM sẽ là đánh bại các mục tiêu cố định và di động, không chỉ trên đất liền mà còn trên biển với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Tuy nhiên khi nói về tính năng của tên lửa PrSM, trước hết các chuyên gia lưu ý rằng đạn được đặt trong container bảo quản kiêm ống phóng, có thể chứa 2 đạn tấn công cùng lúc.

Ngoài ra để cải thiện độ chính xác, người Mỹ có kế hoạch trang bị cho loại đạn mới đầu dẫn radar. Washington tự tin cho rằng việc triển khai tên lửa PrSM sẽ làm tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu của Quân đội Mỹ.

Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ - ông Douglas Bush cho biết cách đây một thời gian rằng việc đưa các tổ hợp PrSM vào sử dụng sẽ mang tới một cuộc cách mạng, liên quan đến khả năng tấn công tầm xa.

Quân đội Mỹ hiện còn đang xem xét 2 phiên bản cải tiến của vũ khí trên, đó là PrSM Increment 2 với hệ thống dẫn đường đa chế độ, còn được gọi là tên lửa chống hạm trên đất liền LBASM.

Bên cạnh đó là phiên bản PrSM Increment 3 với đầu đạn được tăng cường trong khi vẫn duy trì kích thước cùng với tầm bay của quả đạn theo đúng thiết kế ban đầu.

Ngoài ra vào năm 2023, Lockheed Martin và Raytheon Technologies - Northrop Grumman đã bắt đầu phát triển dự án tên lửa PrSM Increment 4 với tầm xa hơn 1.000 km.

Khi tên lửa PrSM đã hoàn thành các bài kiểm tra và bắt đầu sản xuất hàng loạt, Mỹ sẽ "rảnh tay" hơn trong việc viện trợ Ukraine toàn bộ số đạn MGM-140 ATACMS còn trong kho bảo quản, khi Kyiv liên tục yêu cầu vũ khí nói trên.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-dat-hang-san-xuat-hang-loat-ten-lua-prsm-de-ranh-tay-vien-tro-atacms-post569358.antd