Mỹ chuyển đổi đảo Guam thành một pháo đài phòng thủ tên lửa

Mỹ vừa công bố kế hoạch nâng cấp đáng kể hệ thống phòng thủ tên lửa trên đảo Guam, biến hòn đảo chiến lược này thành một pháo đài đáng gờm đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ các đối thủ của Mỹ trong khu vực.

Quân đội Mỹ đã tổ chức các hội nghị thảo luận tác động hàng ngày của các điểm phòng thủ tên lửa được quy hoạch trên đảo Guam (lãnh thổ thuộc Mỹ), nơi sẽ đặt các hệ thống đánh chặn đất đối không, radar và các yếu tố khác của hệ thống “Phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp tăng cường (EIAMD)” theo kế hoạch. Đó là phản ánh của tờ The Drive vào tháng 8/2023 này.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Defense Post.

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp

Báo cáo lưu ý, EIAMD sẽ bao gồm Aegis Ashore, hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), các hệ thống Typhoon, Patriot và Enduring Shield.

Ngoài ra, theo The Drive, EIAMD còn đi kèm với các hạn chế mới về không phận, đặc biệt là quanh các điểm radar mới khi hoạt động thường xuyên, và đặt ra các mối nguy hiểm tiềm tàng về nhiễu điện từ.

Tin tức của The Drive nêu rằng quân đội Mỹ đã tổ chức các cuộc họp với người dân vào thời điểm trước đó trong tháng này để phổ biến thông tin về hệ thống EIAMD tới các cư dân và nhận từ họ các phản hồi, phê bình và quan ngại về dự án cũng như các tác động có thể xảy ra trên khía cạnh môi trường.

Báo cáo đề cập rằng EIAMD sẽ bảo vệ Guam trong một vòm 360 độ bằng cách phân bổ các yếu tố của hệ thống tại nhiều điểm trên đảo.

Theo báo cáo, cốt lõi của EIAMD sẽ là hệ thống Aegis Ashore.

The Drive lưu ý rằng EIAMD sẽ bao gồm gồm ít nhất 4 radar mảng pha 4 cạnh AN/TPY, sử dụng công nghệ từ Radar cảnh báo sớm tầm xa (LRDR).

Asia Times đưa tin vào tháng 5/2023 rằng Guam sẽ nhận một phiên bản cơ động trên đường của hệ thống AN/TPY-6 dành cho hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp. Một cơ sở ngầm tại cực nam đảo Guam có thể là địa điểm đặt hệ thống này, với các tên lửa đánh chặn sẽ được phóng đi từ các khe hở ở sườn núi.

Asia Times nhận xét vào tháng 8/2022 rằng LRDR là một hệ thống 2 trong 1 kết hợp các radar tần số thấp và cao. Loại radar thứ nhất có thể theo dõi nhiều vật thể trong không gian nhưng không thể phân biệt đâu là mối đe dọa, trong khi loại sau có trường nhìn hẹp nhưng có thể phân biệt và nhận diện các mối đe dọa cụ thể.

Các năng lực như trên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa đạn đạo, hành trình và siêu vượt âm được phóng hàng loạt với mục đích vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

“Tường thành ngăn tên lửa”

Ngoài Aegis Ashore, Mỹ có kế hoạch nâng cấp hệ thống THAAD hiện được triển khai ở Guam làm xương sống cho hệ thống phòng thủ tên lửa của đảo bên cạnh các chiến hạm ngoài khơi được trang bị Aegis.

Theo thông tin hồi tháng 8/2022, British Aerospace Systems (BAE) giành được một hợp đồng của hãng sản xuất vũ khí Mỹ Lockheed Martin để thiết kế và sản xuất công nghệ tìm hồng ngoại thế hệ mới cho tên lửa đánh chặn của THAAD, mang lại năng lực phát hiện và dẫn đường để đối chọi với các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Công nghệ tìm kiếm mới của hệ thống BAE có thể phá hiện và khóa mục tiêu lên các tên lửa bay ở tốc độ 27.300km/h, giúp các hệ thống dẫn đường của THAAD dẫn tên lửa đánh chặn tới mục tiêu cần bắn hạ. Cơ chế không nổ của THAAD, chạm được thì mới hạ mục tiêu, giảm thiểu nguy cơ tự nổ ngoài ý muốn.

Ngoài EIAMD và THAAD, Mỹ có thể triển khai bệ phóng tên lửa cơ động đường bộ Typhoon ở Guam, vừa để củng cố các hệ thống kia, vừa góp phần vào chiến lược rộng lớn hơn xây dựng một bức “tường thành ngăn tên lửa” ở Thái Bình Dương.

Theo tin tức hồi tháng 12/2022, lục quân Mỹ nhận lô 4 bệ phóng tên lửa Typhoon nguyên mẫu đầu tiên được thiết kế để phóng tên lửa đánh chặn Standard SM-6.

Mẫu Standard SM-6 Block IB mới nhất có phần thân được tái thiết kế và một động cơ rocket lớn hơn, giúp nâng cao năng lực chống máy bay và chống tên lửa.

Hệ thống tên lửa Patriot có thể bổ sung các hệ thống đó để cải thiện khả năng phòng thủ của Guam trước các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung. Mặc dù vậy, có những báo cáo mâu thuẫn về hiệu quả của hệ thống này.

Bên cạnh đó, hồi tháng 8/2022, Asia Times cho biết, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, lục quân Mỹ đã thao túng các số liệu về hiệu quả của Patriot, ban đầu họ tuyên bố rằng hiệu quả gần như hoàn hảo (đánh chặn được 45 trong số 47 tên lửa đạn đạo), nhưng sau đó giảm tỷ lệ xuống chỉ còn 50% trước khi bày tỏ “tin tưởng” rằng hệ thống đánh chặn được chỉ 1/4 số tên lửa.

Người ta cũng chỉ trích Patriot về khả năng đánh chặn ở giai đoạn gần cuối, khả năng phân biệt mục tiêu hạn chế và hiệu quả hạn chế trước tên lửa đạn đạo bay theo quỹ đạo cao.

Tuy nhiên, Patriot đã được nâng cấp nhiều lần để cải thiện hiệu quả.

Hồi tháng 11/2017, Defense News đưa tin rằng các tổ hợp tên lửa Patriot do các nước Arab vận hành đã đánh chặn hơn 100 tên lửa đạn đạo chiến thuật kể từ năm 2015.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể triển khai các hệ thống năng lực phòng không tầm ngắn (SHORAD), tăng cường thêm năng lực phòng thủ của đảo trước các mối đe dọa bay thấp. Các hệ thống này có thể là các vũ khí dựa trên tên lửa hoặc dựa trên năng lượng định hướng (như laser).

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Asia Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/my-chuyen-doi-dao-guam-thanh-mot-phao-dai-phong-thu-ten-lua-post1039555.vov