Mỹ bí mật chuyển tên lửa ATACMS cho Ukraine

Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ trong vài tuần qua Mỹ bí mật vận chuyển tên lửa ATACMS tầm xa đến Ukraine, và Kyiv đã dùng chúng 2 lần.

Đây là vũ khí đạn dược thuộc gói viện trợ 300 triệu USD mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cấp ngày 12.3. Nguồn tin không cho biết số lượng tên lửa cụ thể.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan xác nhận thông tin trên, đồng thời cam kết Mỹ sẽ gửi thêm. Ông còn tuyên bố phía Ukraine cam kết chỉ sử dụng ATACMS bên trong lãnh thổ của mình chứ không bắn sang lãnh thổ Nga.

Theo nguồn tin, số tên lửa trên được sử dụng lần đầu tiên vào ngày 17.4 nhắm vào một sân bay Nga trên bán đảo Crimea, cách chiến tuyến ở Ukraine khoảng 165km. Lần sử dụng thứ 2 là để chống lại lực lượng Nga ở đông nam Ukraine.

ATACMS được phát triển vào những năm 1980 để tiêu diệt mục tiêu giá trị cao của Liên Xô nằm sâu sau chiến tuyến. Đây là tên lửa dẫn đường hiếm hoi trong thời kỳ mà Mỹ chủ yếu dựa vào vũ khí không dẫn đường tấn công mục tiêu trên mặt đất.

Ngày nay Mỹ sở hữu 2 phiên bản ATACMS: loại mang bom chùm và loại mang một đầu đạn. Washington thường chỉ cung cấp cho đồng minh phiên bản mang đầu đạn, vì phiên bản mang bom chùm có sức công phá lớn.

Chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu viện trợ ATACMS tầm trung cho Ukraine vào tháng 9 năm ngoái. Tên lửa mà Mỹ cung cấp là biến thể M39 Block I tầm bắn 165km, tương thích với hệ thống pháo HIMARS.

Ban đầu Lầu Năm Góc từ chối viện trợ ATACMS tầm xa do lo ngại Ukraine dùng chúng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga khiến cuộc chiến leo thang cũng như lo ngại kho vũ khí Mỹ cạn kiệt. Nhưng họ đổi ý sau khi có thông tin Nga dùng tên lửa đạn đạo do Triều Tiên cung cấp bất chấp Mỹ nhiều lần cảnh báo không nên làm vậy. Chiến dịch tấn công hạ tầng quan trọng của Ukraine mà Nga triển khai cũng thúc đẩy Mỹ quyết định viện trợ.

Cuối tháng 1, quân đội Mỹ đặt mua thêm ATACMS từ Lockheed Martin nên chính quyền Tổng thống Biden có thể triển khai kế hoạch cung cấp tên lửa tầm xa. Ông chủ Nhà Trắng phê duyệt kế hoạch vào cuối tháng 2, tuy nhiên thời điểm đó lại không có nguồn kinh phí do quốc hội chưa duyệt khoản viện trợ mới.

Cơ hội xuất hiện vào tháng 3 khi Lầu Năm Góc tiết kiệm được tiền từ hàng loạt hợp đồng mua sắm. Tổng thống Biden có thể dùng 300 triệu USD cung cấp ATACMS.

Mới đây khoản viện trợ 61 tỉ USD đã được quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho Mỹ viện trợ thêm nhiều vũ khí, khí tài hơn nữa.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-bi-mat-chuyen-ten-lua-atacms-cho-ukraine-216448.html