Mưu sinh nơi đồng lũ

Năm nay mùa nước nổi vùng Cửu Long giang về không nhiều nhưng hiện những cánh đồng trũng vẫn ngập mênh mông. Đó cũng là nơi mưu sinh của nhiều người dân nghèo ở các vùng hạ lưu ngược lên thượng nguồn tìm sinh kế trong đồng lũ. Tại đây ngư dân vẫn sử dụng loại ngư cụ săn bắt đặc biệt nhất là những chiếc lợp khổng lồ.

Ông Long đi gỡ lợp ven sông Tiền.

Ông Long đi gỡ lợp ven sông Tiền.

Mưu sinh cùng lợp khổng lồ

Nằm ở ngã ba sông Sở Thượng và sông Tiền, nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Long, (56 tuổi) đã thuộc lòng khúc sông này, dù nó sâu cả chục mét. Ở đây có nghề đặt lợp bống bằng một loại lợp có đường kính lên đến 1,5 m, chiều dài 2 m dưới đáy sông sâu.

Với hầu hết người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lợp (còn gọi là lọp) là loại ngư cụ phổ biến và quen thuộc. Lợp được đan bằng tre nhưng gần đây người ta có thể sử dụng loại thép không gỉ đan khung và bịt lưới.

Lợp được thiết kế theo dạng bẫy, có mồi (thức ăn) để ở trong nhằm dụ tôm cá di chuyển vào nhưng không thể di chuyển ra. Tùy từng loại thủy sản định đánh bắt mà lợp có thiết kế khác nhau và thay đổi mồi đánh bắt. Như lợp bẫy tôm càng thì sử dụng cám rang, lợp bẫy cá lăng, cá chẽm thì dùng cá băm nhuyễn mà lợp bẫy cá rô, cá lóc lại dùng tôm tép... Và khác biệt hơn cả là lợp bẫy cá bống. Dù là loại cá khá nhỏ nhưng lợp lại rất lớn, thậm chí 2-3 người ngồi trong chiếc lợp vẫn vừa.

Chia sẻ về sự khác lạ này, ông Long bảo ông sinh ra và lớn lên ở cù lao Long Khánh (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) và từ nhỏ đã đi đặt lợp khổng lồ cùng cha mình. “Cá bống tuy nhỏ nhưng tinh và ít di chuyển.

Vì thế những loại lợp nhỏ có cửa đan dày không bao giờ bẫy được chúng. Chỉ có những chiếc lợp cỡ lớn và có đan 2 lớp cửa mới dụ được cá bống. Chính vì thế mà nhiều người dân ở vùng thượng nguồn Hồng Ngự, Tân Châu, Tràm Chim còn gọi lợp khổng lồ này là lợp bống”, ông Long kể. Tuy nhiên, ngư dân này cho biết khi đặt dưới đáy sông sâu, không chỉ cá bống mà một loại cá khác vẫn di chuyển và mắc lợp là bình thường, đặc biệt là một số cá sinh sống dưới tầng đáy như cá chép, cá chốt, cá lăng…

Cũng theo ông Long, trước kia toàn bộ lợp được đan bằng loại tre tốt vót cẩn thận nên lợp rất bền, có thể đánh bắt được khoảng 3-4 năm. Những chiếc lợp đó được đan rất công phu, chỉ có những thợ đan lâu năm hoặc chính người sử dụng mới đủ kinh nghiệm để tạo ra loại ngư cụ này.

Khoảng chục năm trở lại đây, lợp khổng lồ được sản xuất dễ dàng hơn với khung thép và bọc lưới. Điều đáng nói là lợp bọc lưới cũng có độ bền khá cao, không thua kém lợp đan bằng tre mà giá thành chỉ bằng 1/3 nên nhiều người chuyển qua sử dụng loại lợp này.

Cũng theo ông Long, do kích thước của lợp quá lớn nên khi sử dụng, người dân phải đóng các cọc tre xuống lòng sông để cố định và giữ vị trí của lợp.

“Đoạn này sông Tiền nước chảy rất xiết. Để cố định lợp và đánh dấu vị trí chúng tôi đóng thêm 4 cọc tre xuống đáy sông. Bên này tôi có đặt thêm một cánh lưới để tạo dòng chảy cho cá đi vào. Gọi là lợp bống nhưng mùa này ít cá bống, chủ yếu cá lăng, cá chép thôi. Những lợp nhỏ người ta thường gỡ theo ngày thì lợp lớn này tôi để 2-3 ngày mới gỡ một lần. Có đợt tôi kéo lục bình về để tạo không gian cho cá tới thì cả tuần mới gỡ”, ông Long cho biết.

Không chỉ có ông Long, dọc theo hai bờ sông Tiền đoạn qua các cù lao, cồn phía thượng nguồn này cũng có hàng chục ngư dân còn gắn bó và sử dụng lợp khổng lồ như một ngư cụ để mưu sinh. Ngoài sự khác biệt về hình dáng, lợp khổng lồ dường như chỉ gắn bó với người lớn tuổi của vùng sông nước này bởi nếu những chiếc lợp nhỏ, ngư dân phải gỡ trong ngày thì loại lợp khổng lồ, có khi cả tuần cũng không sao.

Trong thời gian tìm hiểu về cuộc sống mưu sinh của người dân vùng đồng bằng sông nước, tôi thấy không chỉ người dân vùng thượng nguồn sông Tiền mà nhiều ngư dân vùng hạ lưu sông Tiền ở Bến Tre, Tiền Giang cũng sử dụng loại lợp này.

Tuy nhiên, kích thước của chúng nhỏ hơn những chiếc lợp mà ông Long sử dụng. Với những ngư dân vùng hạ lưu, lợp hầu hết chỉ để bẫy cá bống tượng (bống đen), loại cá có rất nhiều ở vùng Bến Tre, Tiền Giang. Nhiều ngư dân ở đây cho biết có khi họ đặt lợp cả nửa tháng mới gỡ lên bởi đặc thù của loại lợp này.

Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng ông Phục, bà Bé sau một ngày mưu sinh.

Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng ông Phục, bà Bé sau một ngày mưu sinh.

Tìm sản vật mùa nước nổi

Từ khu vực ngã ba sông ở Hồng Ngự, chúng tôi men theo con đường đi về những cánh đồng ngập nước vùng Tân Hưng, Vĩnh Hưng… (tỉnh Long An). Dù năm nay mùa nước nổi không nhiều nhưng hiện nhiều cánh đồng trũng vẫn ngập mênh mông nước.

Đó cũng là nơi mưu sinh của nhiều người dân, những người dân nghèo ở các vùng hạ lưu ngược lên thượng nguồn tìm sinh kế trong đồng lũ. Khoảng chục năm trước, những ngày cuối mùa lũ như hiện nay, tại đây hình thành nhiều “xóm” với hàng chục ghe thuyền tấp nập để đặt lợp, đóng dớn, giăng lưới kiếm tìm sản vật.

Năm nay dù ít hơn nhưng vẫn lác đác những ghe nhỏ ở kênh Trung ương, kênh 79, kênh Gò… Do khu vực này nước thường xuyên ngập sâu nên rất nhiều ngư dân cũng sử dụng những chiếc lợp khổng lồ để đánh bắt thay vì các ngư cụ khác.

“Lợp lớn thì dễ đánh bắt hơn lợp nhỏ bởi chúng có thể bẫy được đủ loại cá. Ở đây tôi thả hơn 20 chiếc lợp loại lớn, dọc kênh T3, T7 và kênh Đầu Ngàn. Mỗi ngày tôi gỡ lợp một lần. Đợt này cuối mùa nước nhiều cá lớn, chủ yếu là cá lóc và cá lăng. Có hôm trúng hơn 20 kg cá, còn bình thường thì khoảng 10 kg đổ lại. Cá đang từ đồng ra sông, chỉ giữa tháng sau là mình thu lợp về chứ không đánh bắt được nữa”, ông Nguyễn Văn Phục (61 tuổi) cho biết.

Theo ông Phục, gia đình ông ở dưới Cai Lậy nhưng nhiều năm qua, cứ tới mùa mưa là ông chuẩn bị ghe, ngư cụ để đánh bắt sản vật. Ông sẽ ở đây khoảng 3 tháng tới cuối năm, khi nước rút là giong ghe trở về. Ngồi bên cạnh, bà Bé, vợ ông đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều cười bảo năm nay lũ thấp, sản vật ít nhưng cũng ít người đánh bắt nên ông bà vẫn kiếm được.

“Không chỉ đặt lợp thôi đâu, chúng tôi có đóng thêm hơn chục hàng đáy, rồi chèo ghe đi lấy bông súng, bông điên điển nữa. Mùa lũ mà, có gì thì mình lấy cái đó thôi. Rồi sáng sớm chạy ghe ra ngã tư kênh 79 ở Tân Hưng bán cho thương lái. Năm nay mùa lũ qua nhanh quá, nước nhìn vậy chứ người ta sắp tháo đi để gieo vụ đông xuân rồi”, bà Bé vừa nói vừa nhìn ra cánh đồng mênh mang nước.

Cũng theo ông Phục, lợp khổng lồ thường đánh bắt ở vùng nước động còn lợp nhỏ thì đánh bắt ở vùng nước tĩnh. “Tại các kênh, sông mà nước chảy qua lại nhiều, lợp nhỏ không đánh bắt được gì đâu, phải sử dụng loại lớn như thế này mới được. Lợp nhỏ chỉ đặt ở trong ao, hồ và kênh nhỏ nước chảy chậm mà thôi. Nhà tôi vừa có lợp nhỏ, vừa có loại khổng lồ này nên tôi hiểu lắm”, ông cười chia sẻ kinh nghiệm.

Chia tay vợ chồng già khi ánh mắt trời màu đỏ thậm đã đi xuống phía xa xa, chúng tôi thấy họ bắt đầu bữa cơm chiều sớm vì nơi đây không có điện. Ông Phục bảo ăn xong ông phải vá lại hai chiếc lợp khổng lồ ở phía sau lều...

Lợp (còn gọi là lọp) là loại ngư cụ phổ biến và quen thuộc. Lợp được đan bằng tre nhưng gần đây người ta có thể sử dụng loại thép không gỉ đan khung và bịt lưới.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/muu-sinh-noi-dong-lu-10267964.html