Mường Chanh vươn lên nhờ bộ đội

Xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) nằm giáp biên giới với nước bạn Lào, từng được biết đến là nơi khó khăn nhất của huyện, tỉnh. Vậy nhưng, với sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, trong đó có sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 5, Quân khu 4 bằng những mô hình thiết thực đã góp phần giúp bà con vơi bớt đói nghèo, lạc hậu.

Sau gần 30 phút di chuyển bằng xe máy từ sở chỉ huy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5 (Quân khu 4), chúng tôi có mặt tại bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh. Những ngôi nhà sàn trong bản soi bóng xuống dòng suối Ka Loong hiền hòa uốn lượn. Hai bên bờ suối là những trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình VACR (vườn-ao-chuồng-rừng) trù phú của người dân.

Vào thăm trang trại của gia đình ông Lò Văn Ún, chúng tôi ấn tượng với cách làm độc đáo. Suối Ka Loong được gia đình đắp đập nắn dòng tạo thành 3 cái ao rộng để nuôi cá. Trên bờ ao, ông Ún trồng chuối, cỏ voi và xây dựng hệ thống chuồng trại liên hoàn theo mô hình bán công nghiệp, chăn nuôi hơn 200 con gia cầm, 12 con bò và hơn 20 con lợn bản địa.

Cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 hướng dẫn bà con bản Piềng Tặt kỹ thuật chăm sóc lúa nước.

Ông Lò Văn Ún giới thiệu với chúng tôi về đặc tính, hiệu quả của từng loại vật nuôi và cho biết: “Trước đây, nhà tôi nghèo lắm. Cuộc sống chủ yếu phụ thuộc mấy sào lúa nương và bắt con tôm, con cá dưới suối kiếm cái ăn qua ngày. Nhưng nay thì khác rồi, không những đủ ăn mà vừa rồi nhà tôi còn sắm được cả xe máy, ti vi. Có được như vậy là nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3, Đoàn KT-QP 5”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình ông Lò Văn Ún là một trong 5 hộ dân ở bản Piềng Tặt được Đội sản xuất 3 chọn xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế theo mô hình VACR cách đây 5 năm, theo dự án xóa đói, giảm nghèo dành cho bà con trong Khu KT-QP Mường Lát.

Nhằm giúp các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, trước khi triển khai dự án, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3 đã phối hợp với địa phương khảo sát và chọn ra 5 hộ gia đình xây dựng điểm. Ngoài được hỗ trợ bò, lợn, gà, vịt, giống cây trồng... các hộ dân còn được cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3 và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 5 hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; giúp ngày công cải tạo vườn, chuồng. Để giúp bà con giải quyết vấn đề lương thực hằng ngày, đơn vị đã hướng dẫn và trực tiếp cải tạo diện tích trồng lúa nước, trồng ngô, trồng sắn...

Ông Vi Văn Yêu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Piềng Tặt kể lại, những ngày đầu cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3 đi đến các gia đình khảo sát, vận động xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại, không ít người e ngại, bởi bà con sợ không có nhân lực lao động và sợ không thành công, vì bao đời nay bà con quen với lối sống phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Thế nhưng, với sự tận tụy, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3 đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và cả cuộc sống của bà con.

Còn Trung tá Trần Phúc Trai, Đội trưởng Đội sản xuất 3 cho biết thêm: “Nguyên nhân do bà con quen với việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ và chưa có động cơ để vươn lên thoát nghèo, vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Rút kinh nghiệm từ nhiều dự án hỗ trợ khác, chúng tôi xác định, muốn giúp bà con thoát nghèo bền vững thì không chỉ “cầm tay chỉ việc” mà phải trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Giải quyết xong vấn đề nhân lực, chúng tôi tham mưu cho cán bộ bản tổ chức họp, vận động các hộ gia đình thành lập các tổ lao động luân phiên giúp nhau”.

Từ thành công của 5 hộ gia đình làm điểm, đến nay đã có gần 50 hộ gia đình ở xã Mường Chanh phát triển kinh tế theo hướng VACR. Với sự hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất của bộ đội Đoàn KT-QP 5, đến nay, xã Mường Chanh có nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế.

Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi bò của Chi hội Phụ nữ bản Chai; mô hình thâm canh lúa lai tại bản Cang, bản Bóng... Qua đó giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả như hộ gia đình ông Vi Văn Nường ở bản Chai; hộ gia đình ông Lương Văn Thiện ở bản Piềng Tặt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm...

Bài và ảnh: PHÙNG NGỌC THĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/muong-chanh-vuon-len-nho-bo-doi-773510