Mười năm sau thảm họa Fukushima: Người Nhật có còn hi vọng vào năng lượng hạt nhân?

Thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3 năm 2011 ở Nhật Bản đã xóa sổ nhiều thị trấn, gây sự cố rò rỉ hạt nhân và khiến hàng nghìn người dân Fukushima rơi vào tình cảnh tuyệt vọng.

Vào lúc 14 giờ 46 phút ngày 11-3-2011, trận động đất mạnh 9 độ Richter, mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản và là một trong năm trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới, đã làm rung chuyển đất nước mặt trời mọc. Gần 20.000 người bị cướp đi mạng sống, nhà máy Fukushima Dai-ichi gần như bị san bằng.

Vào thời điểm đó, kể cả Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Naoto Kan cũng lo ngại rằng mức ảnh hưởng của thảm họa có thể khiến người dân ở Tokyo phải di tản. Kiyoshi Kurokawa, một chuyên viên điều tra cho rằng: "Đây là một trong những thảm họa kinh khủng nhất của nhân loại. Fukushima đã đi vào lịch sử của năng lượng hạt nhân".

Những ngôi nhà ở Natori, tỉnh Fukushima, bốc cháy trong thảm họa kép ngày 3-11-2011. Ở nhiều khu vực khác, sân bay, cảng, nhà cửa đều chìm ngập dưới nước. Ảnh: Reuters.

Những ngôi nhà ở Natori, tỉnh Fukushima, bốc cháy trong thảm họa kép ngày 3-11-2011. Ở nhiều khu vực khác, sân bay, cảng, nhà cửa đều chìm ngập dưới nước. Ảnh: Reuters.

Công nhân mặc áo bảo hộ và đeo mặt nạ tại khu vực lò phản ứng số 3 và số 4 tại nhà máy Fukushima. Ảnh: Getty Image.

Công nhân mặc áo bảo hộ và đeo mặt nạ tại khu vực lò phản ứng số 3 và số 4 tại nhà máy Fukushima. Ảnh: Getty Image.

Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỷ USD (32,1 nghìn tỷ yên) để tái thiết vùng Tohoku. Tuy nhiên, những khu vực quanh nhà máy Fukushima vẫn là một dấu hỏi, bởi có rất nhiều lo ngại về mức phát tán phóng xạ. Việc dọn dẹp tàn dư của thảm họa có thể sẽ mất hàng chục năm và hàng tỷ đô la.

Nhật Bản vẫn tiếp tục tranh luận về vai trò của năng lượng hạt nhân khi quốc gia nghèo tài nguyên này đặt mục tiêu đạt được "tính trung lập của carbon" vào năm 2050 để chống lại sự nóng lên của toàn cầu. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát trên truyền hình NHK, 85% công chúng lo ngại về thảm họa hạt nhân.

Những người ủng hộ cho rằng năng lượng hạt nhân rất quan trọng đối với quá trình khử cacbon. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, chi phí, độ an toàn và thách thức từ việc lưu trữ chất thải hạt nhân là những vấn đề khiến chính phủ cần cân nhắc có nên tiếp tục phát triển ngành này hay không.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, chỉ 16% người dân Fukushima đồng ý vận hành lại các nhà máy năng lượng hạt nhân.

Yu Uchiyama, Giáo sư ngành Khoa học chính trị của Đại học Tokyo cho biết: "Mười năm đã trôi qua, chắc có lẽ có người đã quên. Nhưng việc khởi động lại các nhà máy năng lượng hạt nhân chưa thể bắt đầu và mọi người đều nghĩ, năng lượng hạt nhân sẽ biến mất".

Chỉ 9 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân còn lại của Nhật Bản được phê duyệt khởi động theo các tiêu chuẩn an toàn hậu thảm họa Fukushima. Hiện chỉ có 4 lò đang hoạt động, so với 54 lò trước thảm họa.

Năng lượng hạt nhân chỉ cung cấp 6% nhu cầu năng lượng của người Nhật trong nửa đầu năm 2020 so với 23,1% các nguồn năng lượng tái tạo.

Takeo Kikkawa, cố vấn của chính phủ về chính sách năng lượng cho biết, sẽ chỉ có khoảng 18 lò năng lượng hạt nhân vào năm 2050 và không còn lò nào vào năm 2069. Nhật Bản sẽ đẩy mạnh năng lượng tái tạo.

"Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên, bởi vậy chúng ta không nên tùy tiện xóa bỏ ngay năng lượng hạt nhân. Nhưng trên thực tế, tương lai của năng lượng hạt nhân rất ảm đạm", Takeo Kikkawa chia sẻ.

LÊ ANH (Theo Reuters)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/muoi-nam-sau-tham-hoa-fukushima-nguoi-nhat-co-con-hi-vong-vao-nang-luong-hat-nhan-653643