Mừng – lo khi giá nông sản tăng 'nóng'

Giá nông sản cao, đơn hàng nhiều sẽ mang đến nhiều lợi ích cho ngành hàng. Tuy vậy, cũng không hẳn là hết rủi ro, thậm chí rủi ro sẽ lớn hơn nếu mở rộng diện tích thiếu bền vững, hiện tượng tranh mua – tranh bán, đầu cơ… khiến khó dự báo tình hình.

Với 6 nhà máy, công ty Prosi Thăng Long hiện xuất khẩu các sản phẩm như quế, hoa hồi, hạt điều, hạt tiêu tới gần 100 thị trường trên thế giới. Sản phẩm của doanh nghiệp (DN) hiện đã vào được các thị trường khó tính như EU, Mỹ. Năm 2023, xuất khẩu đạt trên 30 nghìn tấn nông sản hàng hóa.

Doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng ồ ạt

Dù có kinh nghiệm lâu năm, song trước “sóng” tăng giá của ngành hồ tiêu cũng như một số mặt hàng nông sản, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền không khỏi bày tỏ lo ngại. Đến thời điểm này, "chúng tôi đã nhận được một số đơn hàng cho quý II. Nhưng giá cao đột biến, nên bản thân DN cũng đối mặt rủi ro về việc đáp ứng đơn hàng của đối tác”, bà nói.

Nhiều mặt hàng nông sản đang được giá.

Theo bà Huyền có tình trạng, DN khó mua hàng, một phần do giá tiêu tăng mạnh nên nông dân hạn chế bán ra.

Tương tự, bà Trịnh Thanh Thảo, Giám đốc công ty TNHH thương mại Việt Linh cũng phấn khởi cho biết đầu năm DN đã triển khai 2 đơn khá lớn với sản lượng 100 tấn sản phẩm tiêu, hành tây, quế xuất khẩu đi thị trường Trung Đông. DN đã khai thác được đơn hàng của tháng 4.

Tuy vậy, bà Thảo thừa nhận việc dự báo giá nông sản luôn là điều rất khó đoán định, vì giá cả biến động liên tục. Điều này cần sự nhanh nhẹn, phán đoán chính xác của doanh nghiệp.

Với ngành cà phê, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đánh giá, giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đây là mức giá trong mơ của người nông dân. Song đồng thời cũng chỉ ra nghịch lý, thông thường, mọi năm, đây là thời điểm thương nhân đã bán ra và chỉ chờ giao hàng, nhưng năm nay, có hiện tượng thương nhân hạn chế bán ra, chờ giá lên cao hơn nữa.

Với giá cà phê quá cao như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là giá thực. Giá cả nông sản có lên, có xuống, khi đạt đỉnh rồi sẽ phải hạ xuống. “Giá cà phê đã quá cao rồi. Khả năng rủi ro rất cao và khó đưa ra dự báo cho giá cà phê hiện nay”, ông Nam lo lắng.

Không chỉ biến động giá, ngành nông sản Việt Nam vẫn còn đối mặt với những khó khăn cũ nhưng sẽ là thách thức lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết các DN thủy sản nhận định, nguyên liệu là vô cùng quan trọng trong sản xuất kinh doanh thủy sản toàn cầu. “Chúng ta không chỉ cần có số lượng hàng hóa lớn mà quan trọng là chất lượng nguyên liệu, nguyên liệu hợp pháp và giá thành hợp lý”, bà Sắc nói.

Mối lo cũ vẫn hiện hữu

Với ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh các DN cần phát triển dòng sản phẩm mới, mẫu mã mới thích ứng với các thay đổi tại các thị trường. Ví dụ tại thị trường Mỹ, nhu cầu về dòng sản phẩm đồ gỗ dùng cho giáo dục ngày càng tăng hoặc tại thị trường Đức nhu cầu về đồ gỗ nội thất trong phòng ngủ tăng cao.

Đồng thời, các thị trường xuất khẩu chính tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu như một hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với nhiều nhóm mặt hàng từ các nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam, liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và phát triển xanh và sạch. Ví dụ: cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái, Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC)/quản lý dữ liệu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị)

Trong khi đâu đó, vẫn còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng tới toàn thị trường. Trong một cuộc họp về ngành lúa gạo mới đây, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết có hiện tượng một số DN chào giá thấp hơn thị trường. Đơn cử, DN chào giá 900 USD/tấn, nhưng DN khác chỉ chào 800 USD/tấn, ảnh hưởng tới sự cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các DN vẫn đang thiếu thông tin về thị trường, vì vậy kiến nghị cơ quan chức năng thường xuyên hỗ trợ thông tin để nắm bắt tình hình.

Từ những thực tế trên có thể thấy rằng, ngành nông nghiệp đang đạt kết quả khá tích cực nhưng rủi ro cũng không ít. Cùng với đó, việc nâng cao thêm giá trị trên một đơn vị diện tích cần phải đẩy mạnh, tránh tình trạng giá cao ồ ạt trồng, giá thấp chặt bỏ.

Đơn cử câu chuyện của ngành hồ tiêu, do trải qua nhiều thăng trầm, đến nay diện tích tiêu suy giảm mạnh. Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết Việt Nam là quốc gia sản xuất số một trên thế giới trong suốt hơn 20 năm qua, nhưng sản lượng đang có xu hướng giảm trước sự gia tăng của một số cây trồng có lợi nhuận tốt hơn. Từ tỷ trọng chiếm bình quân 40% sản lượng toàn cầu hằng năm, năm 2023, thị phần tiêu của Việt Nam giảm xuống còn 35% và năm 2024 dự báo giảm xuống còn 31,8% trong khi thị phần của Brazil tăng từ 17,5% năm 2023 và có thể lên đến 19,6% năm 2024. Thị phần của một số nước khác không có nhiều sự biến động.

Vì vậy, VPA kỳ vọng rằng khi giá tiêu đang bước vào chu kỳ mới, nông dân sẽ quay lại phát triển vườn hồ tiêu một cách bền vững, không mở rộng diện tích ồ ạt, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.

Đồng thời, để để duy trì nhịp tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp, các chuyên gia nhấn mạnh, ngoài việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cũng cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, hỗ trợ các DN nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Ông Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Xuất khẩu các mặt hàng kể cả nông nghiệp, lúa gạo, rau quả, thủy sản đang tăng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả của 2 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới với nhiều diễn biến còn khó lường, khó khăn về địa chính trị như: xung đột trên Biển Đỏ, Nga-Ukraine, điều này đòi hỏi sự chủ động trong dự báo với cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường như hiện nay để điều chỉnh một cách linh hoạt, đảm bảo thích ứng trước những diễn biến phức tạp đang diễn ra để về về đích với nhiệm vụ tăng trưởng và xuất khẩu năm 2024.

Bà Hoàng Thị Liên

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam

Nếu giá cứ tăng đột ngột thì ảnh hưởng tới lợi nhuận đơn hàng. DN cũng khó thu mua nguồn hàng như cam kết với nhà nhập khẩu. Điều này đòi hỏi DN tham gia thị trường một cách thận trọng, đảm bảo biên lợi nhuận và nhìn xa để đánh giá đúng xu hướng về giá. DN cần có sự linh hoạt, chiến lược phù hợp, cẩn trọng với sự khan hiếm ảo.

Ông Nguyễn Ngọc Nam

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Năm trước, người nông dân phấn khởi nhưng DN gặp khó khăn do hợp đồng ký trước nhưng đến khi mua hàng phải mua gạo giá cao hơn. Điều này khiến nhiều DN phải gắng mới đảm bảo được đơn hàng, dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh. Dự báo 2024, thị trường cũng tiếp tục sáng sủa, song DN mong muốn nhận thêm nhiều thông tin, tăng cường công tác về số liệu xuất và nhập khẩu để chủ động hơn trong kinh doanh.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/mung-lo-khi-gia-nong-san-tang-nong-1098730.html