Mùi biển

Những người sống nhiều năm ở gần biển đều không thể quên một thứ mùi mà người ta gọi là mùi biển. Đó là mùi của cá tôm, hải sản và nhiều thứ khác gắn với biển dâng lên như thủy triều theo con trăng hàng ngày, hàng tháng. Đó là mùi mồ hôi của bao chàng trai đi biển đem về những sản vật dâng hiến cho đời. Mùi biển còn là mùi nhớ thương của người con gái chờ người yêu hay người vợ chờ chồng, người mẹ chờ con đang ngày đêm lênh đênh trên biển; là mùi của những cánh chim tung bay trên sóng đang chở về bao niềm vui cho những con người.

Mùi biển, ấy còn là mùi của chiến sĩ hải quân đang ngày đêm chắc tay súng đứng canh giữa biển trời Tổ quốc. Hồi còn đóng quân ở TP. Cam Ranh, đơn vị chúng tôi (Tiểu đoàn 864, Lữ đoàn 126 - nay là Lữ đoàn 101) chỉ cách bờ biển mấy trăm mét. Đêm nằm, tiếng sóng vỗ triền miên không ngưng nghỉ. Có lần, nhớ nhà không ngủ được, tôi ra bờ biển ngồi nhìn con sóng vỗ mà lòng hướng về quê hương dâng trào như sóng.

Rồi chúng tôi được hành quân dã ngoại. Đêm, cả trung đội đi dọc Bãi Dài. Tầm 2 giờ sáng, chúng tôi được nghỉ lại bên bờ biển. Trăng lên chênh chếch soi những đồi cát hòa cùng sóng biển đẹp như một bức tranh cổ tích. Mùi biển theo chúng tôi suốt cả chặng đường đời. Có những buổi chiều, cả trung đội hành quân ra một con dốc bên bờ biển. Gió lồng lộng thổi như cánh buồm nâng tâm hồn chúng tôi bay cao, bay xa cùng màu xanh của Tổ quốc. Lại có những buổi chiều Chủ nhật được nghỉ ngơi, tôi và mấy người bạn ra bờ biển ngồi nhìn ra xa, những con thuyền nhấp nhô trên sóng, gần đó là một hòn đảo như một pháo đài đang trấn giữ đất liền và biển đảo quê hương.

Ra quân, tôi có dịp được sống ở Tuy Hòa nhiều năm. Gió Tuy Hòa mang theo mùi biển như món quà thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có được. Biển Tuy Hòa tuy không nổi tiếng như Nha Trang, Vũng Tàu hay Hạ Long nhưng lại có những đặc trưng riêng rất khó quên. Đó là những hàng quán nhỏ liêu xiêu như lời bài hát: Quán cóc liêu xiêu một câu thơ. Gió Tuy Hòa đã đi vào thơ ca như một “đặc sản” găm vào nỗi nhớ: Ơ cái gió Tuy Hòa/Cái gió chuyên cần/Và phóng túng/Gió đi ngang, đi dọc/Gió trẻ lại - lưng chừng/Gió nghỉ/Gió cười/Gió reo lên lồng lộng/Ơi cái gió Tuy Hòa” (Nhớ máu - Trần Mai Ninh).

Mùi biển theo bước chân những người con đất Việt từ thuở hồng hoang theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Mùi biển kiên cường trong câu chuyện Mai An Tiêm ra đảo hoang tình cờ phát hiện ra quả dưa hấu dâng vị ngọt cho đời. Mùi biển theo ông cha ta từ miền Bắc mở đất về phương Nam vượt qua bao núi từ đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả để đến tận Hà Tiên, Cà Mau với mùi biển thấm vào hồn cốt dân tộc.

Mùi biển. Mùi của quê hương xứ sở. Mùi của văn hóa nghìn năm đọng lại trong câu ca thấm vào vành nôi như lời ru của mẹ. Mùi biển quê hương ơi, yêu mùi biển như yêu da thịt của chính mình.

PHAN XUÂN HẬU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202307/mui-bien-0c84e76/