Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt khoảng 15%

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các chi nhánh ngân hàng Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tô Ái Vang - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Kim Hùng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành và các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp và lãnh đạo các sở, ban ngành và tổ chức tín dụng dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp và lãnh đạo các sở, ban ngành và tổ chức tín dụng dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Năm 2023, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách; ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 đạt 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5% do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng khả quan. Năm 2023, số lượng giao dịch tăng từ 50,3 - 99,1%, giá trị tăng từ 5,4 - 10,8% tùy phương thức thanh toán, các hệ thống thanh toán được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn…

Các ý kiến tại hội nghị tập trung làm rõ một số vấn đề về tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; chuyển đổi số trong ngành ngân hàng…

Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể phục hồi so với năm 2023. Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5 - 6,5% và năm 2025 là 6 - 7%. Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, chính sách tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối và thị trường vàng, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô...

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/muc-tieu-tang-truong-tin-dung-nam-2024-dat-khoang-15-69830.html