Mực nước kênh đào Panama xuống thấp, đe dọa thương mại của Mỹ

Hạn hạn khiến mực nước ở kênh đào Panama dài 82 km kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương ở Panama xuống thấp. Tình trạng này buộc Cơ quan quản lý kênh đào Panama (PCA) hạn chế các tàu container lớn đi qua đây. Diễn biến mới làm tăng chi phí vận chuyển container, với Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do container hàng hóa xuất nhập khẩu của Mỹ chiếm khoảng 73% lưu lượng hàng qua đi qua kênh đào Panama.

Một tàu container đang đi vào kênh đào Panama. Ảnh: Picture Alliance

Một tàu container đang đi vào kênh đào Panama. Ảnh: Picture Alliance

Hạn chế tàu lớn đi qua do khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ

Kênh đào Panama đang trải qua giai đoạn khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ. Panama là một trong những quốc gia ẩm ướt nhất thế giới, nhưng trong 5 tháng đầu năm, lượng mưa tích lũy ở khu vực xung quanh kênh đào Panama thấp hơn 47% so với mức trung bình trong lịch sử, theo PCA.

Kênh Panama, nơi sử dụng lượng nước hàng ngày gấp ba lần so với thành phố New York, phụ thuộc vào lượng mưa. Khi một con tàu hàng di chuyển qua âu tàu ở kênh Panama, hơn 50 triệu gallon nước chảy ra biển. Âu tàu, còn gọi là hệ thống khóa nước, đặt trên các kênh rạch hoặc cảng biển để tăng và giảm mực nước, giúp các phương tiện giao thông đường thủy đi vào hệ thống đường thủy liền kề có mực nước chênh lệch nhau.

Lượng nước bị mất đó sẽ bổ sung từ một hồ chứa có mực nước phụ thuộc vào lượng mưa. Trong các điều kiện bình thường, tàu hàng có thể dễ dàng di chuyển qua kênh Panama. Nhưng trong các điều kiện khô hạn, các tàu phải giảm khối lượng hàng hóa để vượt qua mực nước thấp của kênh đào này.

Bắt đầu từ ngày 25-6, kênh đào Panama, cửa ngõ giao thương quan trọng đối với hàng hóa đến và đi từ các cảng ở vùng Vịnh Mexico và Bờ Đông của Mỹ, sẽ hạn chế các tàu container có tải trọng lớn đi qua do các điều kiện hạn hạn hiện nay khiến mức nước của con kênh này xuống thấp. Điều này có thể khiến một số tàu container lớn phải giảm 40% khối lượng hàng hóa, dẫn đến chi phí vận chuyển trung bình mỗi container cao hơn và gây tổn thương cho nhiều ngành kinh doanh quan trọng của Mỹ từ nông nghiệp, năng lượng cho đến bán lẻ,

40% lưu lượng container hàng hóa đến và đi từ Mỹ, với trị giá gần 270 tỉ đô la, được vận chuyển qua kênh đào Panama mỗi năm

Ricaurte Vásquez Morales, Giám đốc Cơ quan Quản lý kênh đào Panama (PCA), nói: “Mỹ là nguồn và đích chính của lưu lượng container đi qua kênh đào chúng tôi. Hàng hóa và container đến và đi từ Mỹ chiếm khoảng 73% lưu lượng vận chuyển qua Panama”.

Kênh đào Panama được sử dụng phổ biến cho thương mại Bờ Đông của Mỹ vì giúp vận chuyển hàng hóa nhanh hơn các lựa chọn khác. Thời gian vận chuyển hàng hóa đường biển từ Thâm Quyến (Trung Quốc) đến Miami, Florida, mất 41 ngày nếu dụng Kênh đào Suez ở Ai Cập, nhưng chỉ mất chỉ mất 35 ngày, nếu đi qua kênh đào Panama dù chi phí sẽ đắt hơn.

Lo ngại PCA tăng phụ phí nước ngọt

Các chủ hàng ở Mỹ đang lo lắng về khả năng PCA sẽ gia tăng phụ phí nước ngọt bơm từ hồ Gatun vào kênh đào này. Năm 2020, do mực nước của kênh đào Panama xuống thấp, PCA áp đặt một mức phí cố định 10.000 đô la cho mỗi tàu container đi qua và một mức phí dao động khác tùy vào mực nước của hồ Gatun. Tính đến tháng 3-2023, phụ phí nước ngọt đã mang về cho PCA 457 triệu đô la.

Các nhà khí tượng học cảnh báo rằng mực nước ở hồ Gatun,nằm ở trung tâm kênh đào Panama, có thể xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 7 do hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ cao hơn và ít mưa hơn.

Kênh đào Panama là một trong những tuyến đường nhanh nhất và ít tốn kém nhất để vận chuyển ngũ cốc và các mặt hàng nông sản khác rời cảng New Orleans ở bang Louisiana của Mỹ để đến Trung Quốc. Liên minh Vận tải nông nghiệp, đại diện cho các nhà xuất khẩu nông sản của Mỹ, cho biệt việc hạn chế tải trọng của tàu hàng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển đối với tất cả lô hàng nông sản đi từ Mỹ.

Mỹ cũng là nước vận chuyển lớn nhất đối các mặt hàng năng lượng bao gồm cả khí đốt đi qua kênh đào Panama. Các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế mới nhất của PCA. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn kênh do mực nước thấp hơn và sự gia tăng số lượng tàu nhỏ sử dụng kênh đào Panama khiến LNG Allies, tổ chức thương mại đại diện cho ngành công nghiệp LNG của Mỹ, lo ngại chi phí gia tăng và các nhà xuất khẩu LNG phải sử dụng tuyến thương mại khác, kéo dài thêm thời gian cho các hành trình.

Dù vậy, ông Ricaurte Vásquez Morales lưu ý PCA cũng đang lo lắng về tác động của mức phí leo thang, có thể khiến các chủ hàng tìm kiếm các tuyến thương mại thay thế. Ông nhận định biến đổi khí hậu sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển đường biển trong dài hạn.

“Mực nước thấp tại kênh đào Panama là một ví dụ rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu, gây ra hiệu ứng dây chuyền trong chuỗi cung ứng”, người phát ngôn của Maersk, hãng tàu container lớn thứ thế giới, cho biết.

Các hãng tàu container biển tăng phí vận chuyển

Vào năm 2021, thế giới đã chứng kiến hậu quả mà tình trạng gián đoạn mà các kênh đào có thể gây ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu khi tàu container Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez trong sáu ngày, chặn đứng khối lượng hàng hóa giao thương khổng lồ trị giá 400 triệu đô la /giờ. Để ngăn chặn các tình huống tương tự, hồi tháng 2, PCA thông báo áp mức thuế phạt 15.000-250.000 đô la đối với bất kỳ tàu nào bị mắc kẹt ở Panama, làm gián đoạn tàu thuyền lưu thông qua đây. Nhưng vấn đề hạn hán và mực nước thấp đang làm tăng thêm những thách thức. Kênh đào Panama đã phải chật vật ứng tình trạng hạn hán trong nhiều năm. Nhưng tình hình hạn hán ngày càng trở nên tồi tệ hơn, có thể khiến mực nước ở con kênh này xuống thấp hơn nữa. PCA đang xem xét tăng phụ phí nước ngọt cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ đầu tháng 10 tới.

Ít nhất bốn hãng vận tải biển đã tăng phí mỗi container vận chuyển qua Panama thêm 300-500 đô la, có hiệu lực từ ngày 1-6 khi họ buộc phải chở số lượng container ít hơn trên các tàu lớn để đáp ứng yêu cầu của PCA.

Alan Baer, CEO của Công ty dịch vụ logistics OL USA, nói: “Mực nước thấp hơn trong hệ thống kênh đào Panama tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả đối với hàng hóa vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông của nước Mỹ”.

Chi phí hậu cần là nguyên nhân chính gây ra lạm phát trong những năm gần đây và đã được Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell xem là áp lực lạm phát mà các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát.

“Các khoản phụ phí trên kên đào Panama và các hạn chế về tải trọng của tàu hàng có thể khiến giá quần áo và giày dép của người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ cao hơn trong mùa lễ Giáng sinh sắp tới”, Stephen Lamar, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép Mỹ, cảnh báo.

Theo CNBC, WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/muc-nuoc-kenh-dao-panama-xuong-thap-de-doa-thuong-mai-cua-my/