Mùa xuân và thơ

Bốn mùa trong năm, có lẽ tiết xuân là đẹp nhất. Mùa xuân, hoa lá, cỏ cây mướt mát xanh tươi, mẹ thiên nhiên ban cho vạn vật tấm áo mới, năng lượng mới… trăm hoa đua nở khoe sắc, tạo nên bức tranh tuyệt mỹ.

Mùa xuân đem đến cho con người bao ước vọng, hướng tới tương lai tươi sáng. Mùa xuân chắp cánh cho các nhà thơ thăng hoa, nhiều tác phẩm thơ viết về mùa xuân đã nói lên điều đó. Mỗi tác giả cảm nhận về mùa xuân theo cách riêng của mình, có người cảm nhận về tình yêu, cuộc sống, vạn vật, có người tiếc nuối năm tháng trôi đi, đem theo những ký ức buồn vui…, nhưng tựu chung lại vẫn là cảm nhận tình yêu dịu dàng, thanh khiết của mùa xuân.

Bài thơ “Bên tượng xuân” của nhà thơ Trần Hùng, anh cảm nhận về tình yêu như sau: “Nói đi em/Rồi anh sẽ đưa em lên thiên nga đêm pha lê…/Đâu đây ánh sao khẽ động bên bờ/Anh sẽ thở cùng em một nhịp/Giàn giụa đồng xuân cỏ xuân chơi vơi mưa dâng chồi…/Nhưng anh vào em/Tan vào xuân đêm”. Bài thơ sáng tác theo thể tự do, hiện đại, phóng khoáng và rất “sang”, tình yêu đôi lứa ấy thật ngọt ngào, thi vị, họ muốn bay lên như loài thiên nga, dưới trời sao lấp lánh như pha lê, giữa cánh đồng mùa xuân đâm chồi, nảy lộc.

Nói đến nhà thơ Y Phương, là nói đến vẻ hào hoa, dí dỏm, chất chứa bao truân chuyên, vất vả, cũng như phong tục năm hết, Tết đến của đồng bào dân tộc Mông qua bài thơ “Ngày đầu năm”: “… Ngày mai/Ngày đầu năm/Người Mông không đánh pao/Không cắt cỏ ngựa/Trong nhà không đốt lửa/Ngày mai/Ngày đầu năm/Chỉ thổi khèn/Nhảy múa/Rã rời/Lời/Tình yêu”. Bao nhiêu công việc bận rộn thường ngày, đồng bào đều gác lại để được chơi xuân, vui xuân… đủ thấy mùa xuân thật ý nghĩa đối với con người (thơ Y Phương).

Bài thơ “Xuân đến” của nhà văn Hữu Tiến lại cảm nhận xuân theo một cách khác, xuân trong thơ của anh được mô tả dung dị, tự nhiên mà cũng rất chân thực, dễ hiểu qua thể thơ năm chữ: “Xuân đến rồi xuân đến/Én bay liệng ngang trời/Mưa nhẹ nhàng rây bột/Dòng xuân êm ả trôi/Gió dường như bớt cóng/Trời dường như xanh hơn…” (Phân đét noọng đai).

Nhà văn Đoàn Ngọc Minh cũng vậy, chị là cây bút văn xuôi nhưng cũng lấn sang sân thơ. Thơ của chị mộc mạc, dễ hiểu, song toát lên điều chị muốn chuyển tải đến bạn đọc. Chúng ta hãy cảm nhận bài thơ “Xuân” của chị: “Núi căng tròn/Mầm cây lách tách reo/Phía dưới kia/Nắng soi gương/Phía trên này/Sương cài vách núi/Người ơi/Đại ngàn gió thắm/Én bay lích rích/Khoảng trời/Rưng rung” (Cánh thu rơi). Xuân trong thơ Đoàn Ngọc Minh khá sinh động, bình yên đến mức nghe được cả “mầm cây lách tách reo”, mùa xuân của xứ núi bàng bạc sương mờ, bầy én chao liệng, tác giả thả hồn theo vạn vật, nỗi niềm xúc cảm trào dâng khi xuân về.

Sắc xuân. Ảnh Thế Vĩnh

Khi đọc bài thơ “Tiếng pí lè” của nhà thơ Trần Thị Mộng Dần, ta hiểu được chị đang nói về mùa xuân xứ núi, mùa xuân của đồng bào dân tộc Mông: “Người yêu ơi/Em biết rồi/Tiếng pí lè gọi đấy/Tiếng suối reo/Tiếng gió vuốt lưng đèo/Tiếng pí lè/Làm hồng tươi những cánh hoa đào/Con én liệng ngang trời ngơ ngác/… Tiếng pí lè chui qua vách nứa/Mang theo hơi ấm mùa xuân (Huyền thoại vầng trăng khuyết). Những câu thơ giàu hình ảnh, âm điệu của tiếng kèn hòa quyện với tiếng suối reo, gió vuốt, hơi ấm mùa xuân. Tuy là bài thơ ngắn nhưng Trần Thị Mộng Dần đã nói lên được tất cả nét đẹp của mùa xuân xứ núi, của đồng bào dân tộc Mông nơi núi non xa mờ.

Thơ Bế Phương Mai cảm nhận mùa xuân qua lễ hội Thua Pháo, hằng năm thường tổ chức vào đầu xuân ở huyện Quảng Hòa. Bởi lễ hội vô cùng náo nhiệt, trong tiếng trống rộn ràng, trong nụ cười, ánh mắt của trai thanh, gái tú ấy không ít người đã tìm được một nửa của nhau, họ kết đôi, đơm hoa kết quả: “Hết tháng Giêng/Em đi hội Thua Pháo/Để tìm bạn/Tìm quả còn nhớ thương…/Hết tháng Giêng/Em đi hội Thua Pháo/Ném về anh/Quả còn nhớ thương…/Hết tháng Giêng/Em đi hội Thua Pháo/Dắt con chạy/Theo bóng rồng tiên/Hội cầu mùa/Cầu lộc mới/Quả còn trong tay rạng rỡ cười (Cỏ thơm).

Nhà thơ Đàm Hải Yến viết về tiết xuân bằng giấc mơ con trẻ, chị mơ màng ngắm mùa xuân dần qua đi, cuộc sống tất bật trở lại: Những bông hoa gạo đỏ bắt đầu rụng trên đất nâu, chồi xanh đã nhú đón những tia nắng xuân trong ngần; tóc bà thêm sợi bạc, lưng bà như cầu vồng, giọt mồ hôi mẹ mặn hơn, trên đồng xanh mưa nắng, áo cha phảng phấp mùi dầu mỡ… nhưng với con trẻ thì bước đi vững vàng hơn, giấc mơ thơ ngây của con trẻ thật vô tư, đó là giấc mơ đẹp mà cũng thật trong sáng: “Bông gạo đỏ trút xuống/Tan mình vào đất nâu/Thêm hạt mưa, hạt nắng/Cho chồi xanh bắt đầu/… Như mồ hôi mẹ mặn/… Áo cha mùi dầu mỡ/… Cầu vồng như lưng bà/Đi vào trong giấc mơ/… Ngủ ngoan nhé bé nhỏ/Gió đưa áo cha bay/Gió đưa bông gạo trút/Cho mùa em thơ ngây (Đường mây).

Mùa xuân về, có vài cảm nhận về một số tác phẩm thi ca viết về mùa xuân tươi đẹp, thi vị dâng tặng cuộc đời tinh túy của đất trời, vạn vật.

Ngọc Minh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/mua-xuan-va-tho-3167346.html