Mùa xuân ửng trên cung đường mây trắng

Nhìn trên bản đồ Đà Bắc, bản Sưng có dáng một con thuyền rất cân đối, con thuyền ấy bồng bềnh giữa biển mây, là nơi sinh sống của hơn 70 hộ gia đình người dân tộc Dao Tiền. Từ nhà nọ sang nhà kia là băng qua dốc. Thường thì, cứ hết dốc, ở khoảnh đất bằng được tận dụng làm sân phơi sẽ gặp những cụ bà mắt ngời ngời miệng cười móm mém. Có bà ngước lên, chào: 'Đi đâu vội thế, vào đây đã, bà đang thêu khăn cho cháu gái mùa xuân này cưới chồng…'.

Đón chúng tôi là ông Đặng Văn Xuân, người trong xóm gọi nhau bằng tên dân tộc, ông là Yao-Ki, vợ ông là bà Ki. Mùa xuân là mùa cưới. Ông hồ hởi khoe, con gái mình cũng từng nên duyên với người Dao Tiền, mang về nhà chồng những mười lăm đôi váy, chục đôi áo và rất nhiều khăn. Họ sẽ mặc suốt cuộc đời. Nếu dư dả, giữ gìn được, còn có thể để lại cho con gái sau này. Bắc ngang hai gốc mận già nua, mốc thếch địa y đang đơm hoa trắng xóa là những cây sào tre hong vải chàm. Màu chàm thẫm xanh điểm xuyết giữa những nong sắn, vạt ngô phơi khô.

Tết nhảy của người Dao.

Tết nhảy của người Dao.

Ở đây, nhà nào cũng giữ được nghề thủ công nhuộm vải chàm. Bà con tự hào khẳng định, so với xưa, giờ còn làm nhiều hơn, đẹp hơn. Con gái bản học nhuộm vải, thêu thùa rất sớm. Lâu dần, nếu chỉ ở bản đi nương, nhuộm vải, lấy chồng, màu chàm sẽ in mãi trên tay, như bàn tay các cụ bà vừa ấm áp chạm vào tay khách lạ.

Thổ cẩm Dao Tiền độc đáo ở cách thức in sáp ong. Tổ ong sau khi tách mật được cho vào nước đun sôi, gạn lọc lấy phần trong, cầu kỳ cô đặc rồi để nguội, thành phẩm là khối sáp mượt mà, vàng óng tựa mỡ gà. Phải người tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn mới in được hoa văn sáp ong. Chỉ lấy một phần rất nhỏ, luôn chân luôn tay, vừa làm nóng, giữ nóng sáp vừa in hoa văn. Công cụ in khá thô sơ. Một thanh cật cây trúc vót mỏng, uốn thành khung nhỏ, thêm cái ống nứa tròn tròn đựng sáp, thập tô bằng đồng có vai trò như cây bút chấm sáp để in.

Nhất thiết không thiếu được lá chít khô làm thước kẻ để tạo hình thoi, hình vuông trên thổ cẩm. Chỉ có loại lá này mới ngăn nổi sáp ong không thấm ra vải. In xong hoa văn, sẽ lại tỉ mỉ phủ lượt sáp mỏng mảnh, đều đặn nữa lên toàn bộ vùng có hoa văn để các họa tiết ấy giữ nguyên vẹn trong quá trình đem vải đi nhuộm chàm. Loài cây thân cỏ, hoa màu tím nhạt, mọc rải rác trong rừng được gọi là cây chàm. Tìm được, phải chặt tận gốc mang về ngâm nước, ủ kín vài ba ngày cho cây nhả hết sắc chàm vào nước.

Còn rất nhiều công đoạn nữa, khuấy đều tay, trộn thêm nguyên liệu, chắt lọc, ủ sâu cả tuần cùng nước gio bí truyền giúp vải giữ màu sau khi nhuộm. Nhuộm vào vải rồi, liên tục hong phơi, nhuộm lại cho tới khi đều màu, mảnh vải xốp dịu trượt nhẹ được trên tay thì vừa độ. Sau cùng, vải được nhúng nước sôi để loại bỏ sáp ong, chờ bàn tay khéo léo thêu thùa theo họa tiết. Riêng khâu in sáp, nhuộm vải đã tốn cả tháng trời. Phụ nữ nơi này chăm chỉ việc nương rẫy, vải vóc thêu thùa tranh thủ thời gian mà thêm thắt thôi.

Bà Ki kể, những đàn ong còn sum vầy, chưa bỏ tổ, đồng bào ít khai thác, chờ ong rời tổ mới lấy sáp về. Vì lẽ đó, cây đa to sau nhà bà mùa này ong rời đi thì mùa sau thể nào cũng về làm tổ.

Lại băng qua những con dốc, tới lớp học chữ của người Dao Tiền. Gần Tết, lớp vẫn chưa nghỉ, các học viên đội khăn đúng bản sắc đồng bào, từ tốn hạ khăn xuống, gấp cất cẩn thận mới mang mũ bảo hiểm, đi xe máy ra về. Có người mãi tỉnh Phú Thọ cũng sang học chữ. Hai thầy giáo dáng điệu chỉn chu xách cặp ra sau cùng, khoe rằng: "Ai đã đi học chữ Dao Tiền, đầu phải đội khăn đẹp đẽ và ngay ngắn!".

Thầy Triệu Văn Thanh năm nay gần 80 tuổi, lặng lẽ truyền dạy chữ đã lâu nhưng chính thức đứng lớp dạy ba, bốn chục học viên thì mới được hai năm. Giờ sức yếu hơn rồi, thầy chuyên tâm dạy chữ, không lên nương rẫy như xưa. Trong cặp thầy giáo có rất nhiều cuốn vở chép tay bằng giấy dó do chính người trong bản làm. Những câu ca, điệu hát, tích cổ của đồng bào được chép vào đó, truyền lại cho bao thế hệ học trò.

Những thiếu nữ Dao đỏ đi chơi Tết

Những thiếu nữ Dao đỏ đi chơi Tết

Vài năm trở lại đây, nguồn sáng đã lấp lánh hơn trên xóm nhỏ. Các dự án du lịch cộng đồng được triển khai. Ngoài căn nhà chính rộng rãi, đủ điều kiện cho khách lưu trú thì nhà bếp, nhà ăn, công trình phụ, cách sắp xếp không gian… đều cần dốc sức xây dựng, sửa sang. Chưa hết nợ đã vay thêm tiền nhưng khát vọng đổi thay, thích ứng cứ âm ỉ, bền bỉ. Ngoài ba hộ làm homestay, xóm Sưng lập thêm nhiều tổ nhóm dịch vụ khác, như: ẩm thực, văn nghệ, xe ôm, hướng dẫn viên địa phương… Vừa đón khách, họ vừa giới thiệu văn hóa dân tộc mình qua trang phục, ứng xử, nét đẹp cộng đồng.

Du khách nước ngoài bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn của núi rừng, các phong tục tập quán đặc sắc và địa hình phù hợp với du lịch trải nghiệm, thám hiểm. Hầu hết các phong tục đều được gìn giữ nguyên vẹn đến hôm nay, trong đó có lễ cấp sắc cho con trai từ 8 đến 12 tuổi. Du khách mê nhất là điệu nhảy múa truyền thống "chèo chèo", có người hát, đánh trống, thổi sáo. Điệu "chèo chèo" bước ra từ tín ngưỡng, xưa chỉ xuất hiện khi thực hành các nghi lễ truyền thống.

"Ông bà Ki" đang trò chuyện với khách thì Phương, con trai út trong nhà tíu tít mang về một con chuột núi. Xa xưa, người Dao Tiền đã có tục làm cỗ Tết bằng thịt chuột. Vùng núi cao Đà Bắc giá lạnh, khắc nghiệt, mùa giáp hạt thiếu lương thực, dân làng rủ nhau vào rừng bẫy được con gì, ăn con đó. Thú rừng ít và khó gặp, chỉ chuột núi là nhiều. Giống này khá chuột đồng, chuột nhà ở chỗ đuôi rất dài, thịt chắc, thơm ngon. Thịt chuột được chuẩn bị từ trước Tết một vài tháng. Mọi nhà vừa làm nương sắn, nương ngô vừa bắt chuột. Trẻ nhỏ như Phương cũng rất để ý việc này. Chuột mang về làm sạch, bỏ hết nội tạng, đem thui vàng, tẩm ướp gia vị rồi sấy khô, gá bếp. Xuân đến, những xâu thịt khô queo được hạ xuống, chế biến thành nhiều món khá nhau, trước dâng cúng tổ tiên, sau hiện diện trên mâm cỗ mừng năm mới.

Mến khách, người xóm Sưng sẽ mời ấm chè shan tuyết. Cây chè gắn bó với đồng bào cả trăm năm. Mỗi lần hái chè, bà con phải đi bộ hàng giờ đồng hồ vào "đặc khu" riêng. Những cây chè cổ thụ bám vào đá núi trên độ cao hơn nghìn mét, thân to hơn vòng tay ôm, phải trèo cây hoặc bắc thang mới hái được. Giữa bốn bề mây ngàn, sương núi, búp chè tươi ròng, mập mạp, được phủ bởi lớp lông trắng như tuyết. Chính tay dân bản sao chè, sấy chè, thành phẩm là những chén nước vàng hanh, đậm đà, ngọt hậu. Trò chuyện trong nhà, vẫn nghe tiếng chim rừng và suối róc rách. Sau bữa cơm đón khách, "ông bà Ki" lại lên nương. Người đón Tết, nương rẫy cũng cần được chăm lo mới mong mùa màng tươi tốt. Mùa xuân ửng trên cung đường mây trắng.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mua-xuan-ung-tren-cung-duong-may-trang-i722324/