Mùa Xuân đầu tiên sau 30 năm Bác Hồ xa Tổ quốc

Ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), sau 30 năm xa Tổ quốc, qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung (thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Bác Hồ về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, đưa nước ta đi tới những mùa Xuân thắng lợi.

Bác Hồ thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng)

Trong bối cảnh thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Pác Bó làm điểm “đứng chân” xây dựng căn cứ địa trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bác nói với các đồng chí đi cùng (Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc) rằng: “Nơi bí mật này có hàng rào quần chúng bảo vệ, có đường tiến thoái an toàn, mở ra mùa Xuân đẹp nhất của đất nước”.

Cảm khái hình ảnh này, với nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Bác lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai”, và thi nhân bật lên những câu thơ xúc động: “...Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai...”. Còn với nhà thơ Tố Hữu: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về… im lặng, con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...”.

Để giữ bí mật, những ngày đầu về nước, Người tạm nghỉ ở nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ, dân tộc Nùng, thôn Pác Bó). Sau đó, để tiện cho công tác, Người chuyển đến ở và làm việc tại hang Cốc Bó - một hang núi kín đáo của Pác Bó, nằm lưng chừng sườn núi Các Mác.

Dưới chân núi có bàn đá làm việc của Bác, nằm bên cạnh đầu nguồn suối Lê Nin. Chiếc bàn đá và cửa hang nhìn xuống hồ nước trong xanh, thấy cá lội và bóng cây, núi rừng mênh mông, cùng thiên nhiên tươi đẹp. Ngay trong tiết Xuân đầu tiên về nước, Bác cảm hứng: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Tại đây, ngày ngày Bác thức dậy rất sớm tập thể dục, leo núi, tắm suối, rồi hỏi chuyện đồng bào, sau nghiên cứu, xem xét tình hình, tối về nhà họp bàn bạc, rút kinh nghiệm hoạt động cách mạng, cũng như dự đoán tình hình trong, ngoài và thực hiện các biện pháp tiếp theo. Dù trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, gian khổ, nhưng tinh thần lạc quan của Bác luôn tràn đầy, tâm hồn thanh thản, ung dung, đúng như lời thơ của Người bày tỏ: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Người mang bí danh “Già Thu”, “Cụ Thu Sơn”, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể cứu quốc ở Cao Bằng; mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, lược dịch lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, biên soạn tài liệu Cách huấn luyện cán bộ quân sự, Cách đánh du kích... Dù thời gian dài hay ngắn, học viên nhiều hay ít, về nội dung học tập lúc nào Bác cũng chuẩn bị rất chu đáo, đầy đủ và trực tiếp huấn luyện.

Trong công tác, Bác sắp xếp từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, với phương châm “học đến đâu, thực hành đến đó”; những vấn đề trừu tượng, phức tạp, Người diễn giải gọn nhẹ, dễ hiểu, liên hệ giữa lý luận với thực tế. Công tác học tập, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự được Bác Hồ tiến hành không chỉ ở lớp học mà thực hiện hàng ngày trong cuộc sống.

Trước biến động sâu sắc của tình hình thế giới, trong nước, nhất là phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của Nhân dân ta và thời cơ cách mạng đến gần, tháng 5/1941, tại lán Khuổi Nậm (thôn Pác Bó), Bác triệu tập Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trực tiếp chủ trì. Hội nghị quyết định “đem sức của ta giải phóng cho ta”; tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng, tích lũy lương thực, súng đạn, nhân lực, vật lực, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Đây là một quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời, tạo cao trào cách mạng rộng khắp trong toàn quốc, tiến tới tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa Việt Nam lần đầu độc lập và Xuân Bính Tuất 1946 có ý nghĩa cột mốc lịch sử, đưa nước ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Để có được mùa Xuân độc lập, đó là kết quả của những ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bôn ba tìm đường cứu nước và chuẩn bị kỹ càng những điều kiện cho thành lập một chính Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Để đến mùa Xuân năm 1930, tại Quảng Châu – Trung Quốc, Bác Hồ triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) - mùa Xuân Canh Ngọ. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, mùa Xuân và Đảng ta như quyện chặt vào nhau.

Từ mùa Xuân Tân Tỵ 1941, tại nguồn Pác Bó hùng vĩ, Bác Hồ “nhóm ngọn lửa cách mạng bùng cháy trong cả nước, soi sáng, dẫn đường cho toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc và CNXH, làm bàn đạp cho toàn dân tộc đi đến bến vinh quang”.

Dù kẻ thù cố tình chia cắt 2 miền, nhưng con cháu Lạc Hồng vẫn kiên gan, bền chí, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, “xẻ dọc Trường Sơn” cho “Nam Bắc một nhà”, và con cháu đã thỏa lòng của Bác làm nên chiến thắng Mùa Xuân 1975 trường tồn cùng dân tộc.

Đảng đã cho ta những mùa Xuân độc lập, đem lại cho dân tộc cơ đồ to lớn, Nhân dân ta cuộc sống tự do, hạnh phúc, từng bước sánh sai cùng các nước đúng như lời Bác Hồ mong ước.

NGUYÊN HẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mua-xuan-dau-tien-sau-30-nam-bac-ho-xa-to-quoc-a387027.html